Trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Ba, 2025 (DANAFF III), chiều 1-7, Hội thảo quốc tế “Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam” diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà làm phim trong nước và quốc tế. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế “Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam”
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi nhìn nhận, trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là chiến lược lâu dài để xây dựng một nền điện ảnh phát triển bền vững, sáng tạo và hội nhập. Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư vào con người – từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên đến kỹ thuật viên – chính là nền tảng để tạo nên những tác phẩm có sức lan tỏa và giá trị nghệ thuật đích thực.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang từng bước xây dựng hệ sinh thái văn hóa sáng tạo, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, với quan điểm để phát triển điện ảnh, không thể thiếu những chính sách hỗ trợ thiết thực cho thế hệ làm phim trẻ, từ đào tạo, kết nối quốc tế đến tạo điều kiện sản xuất và phát hành.
“Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của ngành điện ảnh; giúp chúng ta tiếp cận được các mô hình phát triển hiệu quả từ các quốc gia, mở rộng thị trường và cơ hội hợp tác; góp phần xây dựng chính sách hỗ trợ ngành điện ảnh, tạo hành lang pháp lý phù hợp để thu hút đầu tư và phát triển bền vững; đồng thời là công cụ mạnh mẽ để quảng bá hình ảnh quốc gia, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, hội thảo là cơ hội quý báu để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, mô hình đào tạo hiệu quả, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, thông qua chương trình “Ươm mầm tài năng” và “Vườn ươm dự án” của DANAFF Talents, thành phố kỳ vọng sẽ phát hiện và đồng hành cùng những gương mặt triển vọng, những người sẽ góp phần viết tiếp câu chuyện của điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới.
“Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức điện ảnh, các trường đào tạo và cộng đồng sáng tạo để xây dựng môi trường thuận lợi cho tài năng phát triển. Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của các bên, điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và chạm đến trái tim khán giả toàn cầu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chia sẻ.
Các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà làm phim trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo
Là một diễn đàn quan trọng trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Ba, hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng thế hệ nhà làm phim mới dựa trên học hỏi quốc tế và mở rộng hợp tác; đào tạo nhân lực cho ngành Điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh số hóa và toàn cầu hóa; kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo ngành phim trong khuôn khổ trường đại học đa ngành; các yếu tố quan trọng trong hợp tác quốc tế với các dự án của Việt Nam…
Theo PGS. TS. NGƯT Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh Đại học Văn Lang, khi hoạt động sản xuất phim ngày càng được quan tâm và có sự liên kết ở cấp độ toàn cầu, việc hợp tác quốc tế là quy luật tất yếu để điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn. Điện ảnh Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tạo điều kiện cho các tài năng trẻ được tiếp cận với các chuẩn đào tạo quốc tế, đồng thời để các nghệ sỹ trẻ có thể chia sẻ những câu chuyện mang sắc thái văn hóa riêng biệt của mình ra với thế giới.
“Việc kết nối giữa các trường đào tạo trong nước và các đối tác quốc tế, liên kết với các tổ chức phát triển điện ảnh, và các nền tảng số sẽ mở ra cơ hội cho những chương trình trao đổi sinh viên cho các cuộc liên hoan phim sinh viên, hoặc tổ chức các workshop, phát triển các dự án liên kết”, PGS. TS. NGƯT Phan Thị Bích Hà phát biểu tại hội thảo.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo ngành phim trong khuôn khổ trường đại học đa ngành, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, người sáng lập Chương trình đào tạo làm phim Đại học Hoa Sen, giảng viên Đại học Fulbright, cho rằng, một người làm phim chuyên nghiệp không chỉ cần kiến thức về điện ảnh và kỹ năng sản xuất, mà còn cần vốn hiểu biết rộng về văn hóa, xã hội, và cả khoa học – công nghệ.
Do đó, dù theo định hướng nghệ thuật hay truyền thông, các chương trình đào tạo cần cố gắng lồng ghép các học phần nhân văn – xã hội để hỗ trợ sinh viên phát triển tư duy phản biện và góc nhìn đa chiều. Đây chính là nền tảng để hình thành những nhà làm phim có chiều sâu, có khả năng đối thoại với thực tại và cộng đồng.
THEO CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
https://danang.gov.vn/vi/web/dng/w/chia-se-kinh-nghiem-quoc-te-dong-vai-tro-quan-trong-trong-su-phat-trien-cua-nganh-dien-anh