ĐÀI THỜ TRÀ KIỆU
Trà Kiệu, Quảng Nam | Thế kỷ VII – VIII (?) | Sa thạch | [BTC 95]
Đối với cư dân Champa, đài thờ là nơi nối liền thần linh và đền tháp, nối trời và đất. Đài thờ được đặt ở trung tâm ngôi tháp chính, bên trên đài thờ thường đặt bộ ngẫu tượng Linga – Yoni hoặc tượng thờ liên quan đến vị thần được dâng cúng ngôi tháp. Mỗi đài thờ thể hiện một phong cách, ý nghĩa khác nhau.
Theo thần thoại Ấn giáo, thần Shiva xuất hiện đầu tiên dưới dạng một cột lửa hình dương vật. Sau này người ta đã biểu tượng hóa Linga và Yoni để thờ thần Shiva, coi Linga là biểu hiện của đặc tính dương, Yoni là biểu hiện của âm tính của thần (Sakti), nghĩa là Shiva được xem là thần lưỡng thể. Dạng Linga kết hợp với Yoni được xem là biểu hiện cho sự sáng tạo của thần Shiva.
Các tượng thờ Linga ở Champa có nhiều loại hình và kiểu dáng khác nhau. Ở một số tác phẩm Linga có ba phần tượng trưng cho ba vị thần tối cao của Ấn độ giáo được gọi là Tam vị nhất thể: phần trên là khối hình trụ tròn tượng trưng cho thần Shiva – Thần Hủy diệt, phần giữa là khối bát giác tượng trưng cho thần Vishnu – Thần Bảo tồn, phần cuối cùng là khối vuông tượng trưng cho thần Brahma – Thần Sáng tạo. Một số Linga có chạm khắc hình khuôn mặt thần Shiva bên trên phần hình trụ tròn, những Linga ở dạng này được gọi là Mukhalinga. Một số Linga khác được chạm khắc hình ngọn lửa hay búi tóc bên trên phần hình trụ tròn được gọi là Jatalinga. Đây là loại hình Linga khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Đài thờ Trà Kiệu hiện nay gồm có các bộ phận sau: phía trên là một Linga, ở giữa là bệ Yoni gồm hai thớt tròn được trang trí những cánh hoa sen cách điệu đối xứng nhau và phía dưới là một chiếc bệ vuông. Bốn mặt quanh khối vuông được chạm trổ 61 nhân vật với các tư thế, động tác và trang phục đa dạng. Các góc bệ có hình tượng sư tử đứng đưa hai chân trước lên nâng đỡ bệ thờ. Đài thờ Trà Kiệu được đánh giá là một trong những kiệt tác điêu khắc và là một trong bốn bảo vật quốc gia hiện có của Bảo tàng. Ngay sau khi được phát hiện, đài thờ đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm đến giải mã nội dung câu chuyện của các nhân vật quanh đài thờ và đoán định niên đại của nó.
Theo Jean Przyluski, bốn cảnh xung quanh đài thờ kể về truyền thuyết hình thành nước Phù Nam. Trong khi theo George Cœdès, nội dung đài thờ nói về truyền thuyết thần Krisna chữa bệnh cho người gù tên là Trivaka và chuyện Krisna kéo gãy cung thần Kamsa.
Sau này, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng bốn cảnh chạm quanh đài thờ là những trích đoạn trong trường ca Ramayana.
Trong đó, mặt A miêu tả việc đạo sư Visvamitra cùng với hoàng tử Rama (con của vua Dasaratha) và em trai là Lakshman từ thành phố Ayodhya đến kinh thành Mithila của vua Janak để thi tài bẻ cong cây cung thần theo lời thách cưới của vua Janak, người đã hứa gả công chúa Sita cho ai làm được việc đó. Tại đây, Rama đã kéo gãy cánh cung thần trước sự sửng sốt và khâm phục của vua Janak cùng triều thần.
Mặt B miêu tả việc vua Janak cử đoàn sứ giả đến thành phố Ayodhya để báo tin cho vua Dasaratha và mời vua Dasaratha đến kinh thành Mithila dự lễ cưới của Rama và Sita.
Mặt C tả cảnh vua Dasaratha đến Mithila dự lễ cưới Sita. Tại đây, Rama đến chào đón vua cha và sau đó vua Janak đưa công chúa Sita đến ra mắt vua Dasaratha trong lễ cưới.
Mặt D tả cảnh các Apsara múa chúc mừng lễ cưới của Rama và Sita.
Các nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG