ĐAI THỜ ĐỒNG DƯƠNG (BTC 168)
Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam | Cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X | Sa thạch | [BTC 168]
Đây là đài thờ được tìm thấy tại khu tháp chính phía tây nơi được cho là thờ bồ tát Lakshmindra Lokeshvara – vị thần chủ của Phật viện.
Đài thờ gồm 24 khối đá ghép lại với nhau tạo nên cấu trúc đài thờ với bốn bộ phận: phần đế đặt dưới cùng, tiếp đến là bệ thờ lớn mặt bằng hình vuông; trên bệ thờ lớn là một bệ thờ nhỏ cũng hình vuông và một bệ thờ cao hơn áp vào mặt sau của bệ thờ lớn.
Về nội dung miêu tả của Đài thờ, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay đã có nhiều cách giải thích khác nhau:
Ở tài liệu công bố đầu tiên về đài thờ này, Henri Parmentier miêu tả hình dáng, động tác của các nhân vật được chạm khắc trên các thành bậc cấp và trên các pa-nô trang trí chung quanh bệ thờ lớn, không nêu ý nghĩa các hình ảnh, không nói gì về sự tích đức Phật.
Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu về nghệ thuật Champa sau này nhiều tác giả đã nghiên cứu và cho biết các cảnh chạm chung quanh đài thờ nói về sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như tác phẩm “La Statuaire du Champa” (Nghệ thuật tạc tượng của Champa) của Jean Boisselier, xuất bản năm 1963, đã so sánh các bức ảnh của đài thờ này với các bức chạm nổi ở di tích Phật giáo Borobudur (Indonesia) và cho rằng các nghệ nhân Champa đã chạm khắc các cảnh trên đài thờ Đồng Dương theo chủ đề trong các kinh, truyện về cuộc đời Đức Phật.
Ông chỉ ra ý nghĩa một số pa-nô thể hiện cảnh Hoàng hậu Maya sinh Thái tử Tất Đạt Đa ở vườn Lumbini (Lâm tỳ ni), cảnh Thái tử cắt tóc và thay y phục, cảnh người hầu Chandaka (Xa nặc) và con ngựa Kanthaka (Kiền trắc) quay về kinh thành, đội quân của Ma vương và các con gái của Ma vương đến quấy rối quá trình tu tập của Đức Phật. Trong cuốn sách Phật viện Đồng Dương xuất bản năm 2015, tác giả Ngô Văn Doanh cũng đưa ra cách giải thích ba mặt của đài thờ mô tả ba giai đoạn của cuộc đời Đức Phật.
Đài thờ Đồng Dương (BTC 168) là một bằng chứng vật chất độc đáo minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IX – X. Đây là giai đoạn Phật giáo thịnh hành và phát triển nhất trong lịch sử phát triển của vương quốc và đánh dấu một giai đoạn phát triển riêng biệt so với các thời kỳ khác. Những đường nét điêu khắc và hoa văn trang trí trên đài thờ được xem là một trong những yếu tố đặc trưng tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Champa, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thống nhất đặt tên cho một giai đoạn, một phong cách nghệ thuật riêng biệt – phong cách Đồng Dương. Đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc và điêu khắc của giai đoạn này nói riêng và tổng thể tiến trình phát triển của vương quốc Champa nói chung.
Đài thờ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 12 năm 2018.
Các nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG