Tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023

Da Nang Duoc Xep Hang La Diem Den Duoc Tim Kiem Nhieu Nhat Tren Trang Skyscanner An Do
0 494

I. BỐI CẢNH KINH TẾ TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI

6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn; lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; tăng trưởng thương mại chậm lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm. Triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn không chắc chắn khi bị ảnh hưởng bởi tốc độ và trình tự thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc xung đột tại U-crai-na và những căng thẳng địa chính trị khác đe dọa gián đoạn lên chuỗi cung ứng toàn cầu… Thời điểm tháng 6 năm 2023, đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Ở trong nước, kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số kết quả tích cực: dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt và giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh là hai động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương trên cả nước. Nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP khá cao như: Hậu Giang (+14,21%); Bắc Giang (+10,94%); Hải Phòng (+9,94%); Quảng Ninh (+9,46)%; Cà Mau (+8,61%); Nam Định (+8,50%)… Ở chiều ngược lại, tăng trưởng GRDP của một số địa phương giảm gồm: Bắc Ninh (-12,59%); Quảng Nam (-9,16%), Lai Châu (-6,32%) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (-3,47%). GDP cả nước 6 tháng 6 tháng ước tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2022.

TẢI BẢN PDF TẠI ĐÂY

II. KINH TẾ XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Đối với thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, UBND thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương hướng đến mục tiêu đảm bảo thực hiện thành công Chủ đề năm 2023: “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. 2 Sơ bộ một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

1. Tăng trưởng toàn nền kinh tế

Kinh tế thành phố Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I năm 2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-20221, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2023 ước tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82%; khu vực dịch vụ tăng 0,95%; ở chiều ngược lại,
khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 2,36% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,26%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.

Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp
4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,40%, đóng góp 0,04 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,60%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp – xây dựng mở rộng gần 17 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 363 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 346 tỷ đồng).

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%. (Cùng kỳ năm 2022, cơ cấu của các khu vực tương ứng: 2,14%; 20,37%; 67,29% và 10,20%).

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 01 bậc so với cùng kỳ năm 20222 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

GRDP quý II/2021 tăng 10,29% so với cùng kỳ năm 2020; quý II/2022 tăng 12,59% so với cùng kỳ năm 2021.

2. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị tăng thêm toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính quý II/2023 tăng 2,82%; tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 1,22%. Trong đó, VA lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng tăng 0,14%; lĩnh vực lâm nghiệp tăng 8,54% nhờ hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp phát triển tốt, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác tăng; VA hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng nhẹ ở mức 1,12%, yêu cầu tuân thủ các quy định trong hoạt động khai thác hải sản bền vững ngày càng được thắt chặt.

2.1. Lĩnh vực nông nghiệp

Tính đến ngày 15/6/2023, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 5.985 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, diện tích giảm hầu hết ở các loại cây trồng. Tuy nhiên, nhờ năng suất cao nên sản lượng lúa thu hoạch vụ Đông – Xuân đạt 16,1 nghìn tấn, tăng 8,0% so với cùng vụ năm trước.

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Nhìn chung, chăn nuôi gia súc có xu hướng giảm, trong khi chăn nuôi gia cầm tăng trưởng khá và giá bán thịt gia cầm tương đối ổn định.

Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.865,3 tấn giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

2.2. Lĩnh vực lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố phát sinh 580,5 ha diện tích rừng trồng mới, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó toàn bộ là rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng được chăm sóc ước đạt 2.900 ha, tăng 0,5%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 50,1 nghìn m3 , tăng 2,2%; sản lượng củi khai thác ước đạt 41,5 nghìn Ster, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

2.3. Lĩnh vực thủy sản

Thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá xăng dầu tiếp tục giảm tạo điều kiện cho các đội tàu tích cực vươn khơi bám biển. Tổng sản lượng các loại thủy sản khai thác và nuôi trồng 6 tháng ước đạt 20,1 nghìn tấn, tăng 1,9% so
với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 19.267 tấn, tăng 1,8%, chủ yếu là thủy sản biển (chiếm 99,6%); thủy sản nuôi trồng ước đạt 833 tấn, tăng 5,5%.

3. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng

Đơn hàng xuất khẩu giảm, đầu ra sản phẩm không thuận lợi là nguyên nhân làm cho chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn, bão giá nguyên vật liệu, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tăng cao… khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành xây dựng giảm sút.

Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của Đà Nẵng xếp thứ 18 cả nước; xếp thứ 2 trong vùng Duyên hải miền Trung (sau Quảng Ngãi).

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 2,60% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, VA toàn ngành công nghiệp 6 tháng tăng 1,47% (quý I tăng 1,28%, quý II tăng 1,64%); VA hoạt động xây dựng giảm 12,98% (quý I giảm 13,42%, quý II giảm 12,62%).

Trong mức tăng 1,47% của VA toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng qua, chủ yếu nhờ sự đóng góp của ngành khai khoáng tăng 70,80% (cùng kỳ giảm 29,61) và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 28,39% (cùng kỳ giảm 2,16%). Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,06%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,88% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhu cầu xây dựng dân dụng ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng đạt thấp; giá nguyên liệu tăng cao, tín dụng bất động sản bị siết chặt khiến số thu liên quan đến hợp đồng xây dựng giảm và thời gian thu hồi công nợ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gia tăng. Với mức giảm 12,98% so với cùng kỳ, VA toàn ngành xây dựng 6 tháng đã làm giảm 0,72 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP chung. Điểm sáng của ngành xây dựng trong 6 tháng qua là mảng xây dựng hạ tầng với việc thành phố nỗ lực đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tích cực giải ngân và tháo gỡ các điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 6 tháng ước giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,5%; riêng hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải và hoạt động khai khoáng có mức tăng khá cao, lần lượt tăng 24,4% và 63,6%. Một số ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng cũng như nguyên liệu sản xuất, điển hình như: ngành dệt (-11,5%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-24,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-17,5%)… Ở chiều ngược lại, một số ngành then chốt cũng đang dần được hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng, cụ thể: sản xuất chế biến thực phẩm (+11,3%); sản xuất đồ uống (+27,5%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+29,3%); sản xuất xe có động cơ (+27,3%)…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng giảm gần 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ bình quân 6 tháng sụt giảm khá sâu như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-45,6%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-35,4%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-20,4%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,0%… Bên cạnh nhiều nhóm ngành có mức tiêu thụ giảm, một số nhóm ngành đạt được mức tiêu thụ tăng cao phải kể đến như: công nghiệp dệt (+37,7%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+69,6%); sản xuất xe có động cơ (+55,5%)…

Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo dự kiến đến cuối tháng 6 năm 2023 ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành có lượng hàng tồn kho khá cao phải kể đến: sản xuất chế biến thực phẩm (+158,6%); sản phẩm dệt (+35,9%); sản xuất trang phục (+72,8%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+151,1%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+47,4%)… Bên cạnh đó, có một số mặt hàng tìm được nguồn cung đầu ra ổn định nên lượng hàng tồn khá thấp so với cùng kỳ, như: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất kim loại; công nghiệp chế biến, chế tạo khác…

Chỉ số s dụng lao động 6 tháng đầu năm 2023 giảm 5,2% so với cùng kỳ, trong đó, ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 2,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,8%; riêng công nghiệp khai khoáng tăng 26,4% so với cùng kỳ.

4. Tăng trưởng khu vực thương mại và dịch vụ

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Tuy nhiên, tăng trưởng của một số ngành có xu hướng chậm lại trong quý II, đặc biệt một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế có mức giảm khá sâu.

Trong mức tăng 0,21% toàn nền kinh tế quý II năm 2022, khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng 0,95%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,13% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, VA khu vực dịch vụ ước tăng 6,15% so với cùng kỳ, đóng góp 4,18 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có VA tăng khá cao phải kể đến như:

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+62,2%); dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng (+38,0%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (+32,8%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+19,0%); vận tải kho bãi (+12,3%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (+7,0%)… Ở chiều ngược lại, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm gần 25,0%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 8,0%.

4.1. Thương mại và du lịch

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 59.642 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ (tăng 11,85% sau khi trừ trượt giá), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 39,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 174,2% (là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với
cùng kỳ năm trước); dịch vụ tiêu dùng khác tăng 33,9%. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng ước đạt 3.508 nghìn lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 930 nghìn lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ; khách trong nước đạt 2.578 nghìn lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,71 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,21 ngày/lượt; khách trong nước là 1,42  ngày/lượt (cùng kỳ năm 2022: 2,57 ngày/lượt đối với khách chung; 1,96 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,61 ngày/lượt đối với khách trong nước).

Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 6 tháng ước đạt 632,9 nghìn lượt, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 186 nghìn lượt, cao gấp 11,1 lần; khách trong nước đạt 422,4 nghìn lượt, tăng 188,4%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 24,3 nghìn lượt.

4.2. Hoạt động vận tải; bưu chính và chuyển phát

Tổng doanh thu toàn ngành vận tải kho bãi; bưu chính và chuyển phát 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 16.613 tỷ đồng, tăng 31,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ, đường sắt đạt 3.770 tỷ đồng, tăng 4,0%; đường thủy đạt 58,7 tỷ đồng, tăng 28,8%; đường hàng không đạt 7.121 tỷ đồng, tăng 56,9%; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 5.098 tỷ đồng, tăng 29,0%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát đạt 565 tỷ đồng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Vận chuyển và luân chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy 6 tháng đầu năm 2023 tăng lần lượt 18,3% và 14,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 8,8% và luân chuyển tăng 6,5%.

4.3. Hoạt động thông tin và truyền thông

Xác định lĩnh vực thông tin, truyền thông luôn có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, truyền thông là một trong những động lực truyền cảm hứng cho sự phát triển của thành phố để hướng đến mục tiêu ”Thành phố Thông minh”. Hoạt động thông tin và truyền thông liên tục duy trì đà tăng trưởng nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực; các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hiệu quả các phương án bảo đảm thông tin liên lạc xuyên suốt.

Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.737 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông ước tăng 3,8%; lập trình máy tính và các dịch vụ liên quan ước tăng 13,1%.

Quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành ước đạt 4.336 tỷ đồng, mở rộng hơn 267 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 6,7% trong cơ cấu GRDP toàn nền kinh tế. Tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá so sánh 2010 ước đạt 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế thành phố.

4.4. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

Bám sát chương trình, mục tiêu đề ra, trong 6 tháng đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng VA toàn ngành 6 tháng ước đạt 7,01% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I tăng 7,61%; quý II tăng 6,47%), đóng góp 0,46 điểm phần trăm, tương đương với tỷ trọng đóng góp 12,18% trong mức tăng GRDP toàn nền kinh tế.
ớc đến cuối tháng 6 năm 2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt là 179 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4,0% so với cuối năm 2022 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi trên địa bàn có xu hướng tăng trong 06 tháng đầu năm. Nguồn tiền gửi từ dân cư được thu hút mạnh vào hệ thống ngân hàng.

Dư nợ cho vay trong 06 tháng đầu năm 2023 không có nhiều biến động. Tuy nhiên, dư nợ cho vay ngắn hạn có sự tăng trưởng, tỷ trọng cho vay ngắn hạn trên tổng dư nợ tăng, dòng vốn tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. ớc đến cuối tháng 6/2023, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 211 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2022, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

5. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Uớc tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.427 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 534,4 triệu USD, giảm 23,3%.

Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Đà Nẵng có xu hướng giảm trong 6 tháng qua như: hàng dệt may ước giảm 11,0% so với cùng kỳ năm 2022; thủy sản chế biến giảm 12,3%; hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ giảm 9,3%; đồ chơi trẻ em giảm 7,7%; động cơ điện, thiết bị điện tử giảm 10,0%…; riêng cao su thành phẩm dự kiến tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 với giá trị xuất khẩu ước đạt 65 triệu USD.

Đối với hoạt động nhập khẩu, thành phố đã đẩy mạnh chủ trương khuyến khích nhập khẩu các hàng hóa công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu khó khăn và hàng tồn kho nguyên vật liệu ở mức cao.

6. Hoạt động của doanh nghiệp

Nhu cầu tiêu dùng giảm sút; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập, khẩu  và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Tính đến ngày 20 tháng 6 năm 2023, toàn thành phố có 2.103 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 9.185,4 tỷ đồng, giảm 11,0% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về số vốn so với cùng kỳ 2022. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,6% so với cùng kỳ; có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua, tăng 15,2% trong khi số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với 1.055 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có đến 41% số doanh nghiệp được phỏng vấn nhận định tình hình SXKD quý II/2023 khó khăn hơn so với quý trước; 27% doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD vẫn giữ nguyên, không thay đổi và 32% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn quý trước. Về triển vọng của quý III, có 38% doanh nghiệp lạc quan nhận định tình hình sẽ tốt hơn; 28% doanh nghiệp đánh giá SXKD quý III sẽ không thay đổi so với quý II và 34% cho rằng tình hình vẫn sẽ tiếp tục tệ hơn trong quý III năm 2023.

7. Đầu tư thực hiện toàn xã hội

Sự sụt giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ cả trong và ngoài nước; thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế; một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục, pháp lý… là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không đạt được như kỳ vọng.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.783 tỷ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực nhà nước đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện khu vực ngoài nhà nước ước đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 28,0% so với cùng kỳ, trong đó cả 2 đối tượng tham gia đầu tư đều giảm khá sâu với mức giảm 22,2% đối với nguồn vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp và giảm 42,2% từ nguồn đầu tư của hộ dân cư; vốn thực hiện khu vực FDI ước đạt 1.690 tỷ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá ấn tượng, tính đến 20/6/2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 6.617 tỷ đồng, tăng 116,7% số dự án và tăng 110,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, có 6 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn đăng ký 1.166 tỷ đồng giảm 5,1%. Có 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 32.265 tỷ đồng gấp 78 lần so với cùng kỳ. Như vậy tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 6 tháng đạt gần 38.882 tỷ đồng, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến 20/6/2023, thành phố đã cấp mới chứng nhận cho 64 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 45 dự án và tăng 47,1% về số vốn đăng ký); có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 2,77 triệu USD (so với cùng kỳ giảm 01 dự án và chỉ bằng 5% giá trị vốn góp); có 20 dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với phần vốn tăng thêm 13,94 triệu USD (cùng kỳ năm 2022 có 16 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm -17,5 triệu USD). Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 27,31 triệu USD, bằng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022.

8. Thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn

Hoạt động thu chi ngân sách trên địa bàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và các chính sách mới được ban hành trong năm 2023 đã tác động làm giảm nguồn thu trong những tháng đầu năm 2023.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/06/2023 đạt 9.679 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 2.705 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 6.974 tỷ đồng. Với tỷ trọng chiếm gần 84% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn, hoạt động thu nội địa gần như giữ vai trò quyết định đến mọi hoạt động chi ngân sách. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 thu nội địa đạt 8.115,3 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hoá sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu cân đối xuất, nhập khẩu trên địa bàn, tính đến ngày 20/6/2023 khoản thu này mới chỉ đạt 1.232,8 tỷ đồng, bằng 48% so với cùng kỳ (giảm gần 1.337 tỷ đồng).

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/6/2023 đạt 13.121 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt xấp xỉ 5.160 tỷ đồng, chiếm 39,3% trên tổng chi và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động chi thường xuyên đạt gần 7.941 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số khoản chi có mức tăng khá cao như: chi cho sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình (+22,7%); chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình (+19,8%); chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (+21,4%)…

9. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số CPI tháng 6 năm 2023 tăng 0,12% so tháng trước và tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II và dự ước 6 tháng đầu năm 2023 tăng lần lượt 4,87% và 6,74% so với cùng kỳ năm 2022.

Những nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng bình quân 6 tháng cao hơn mức tăng chung, đó là: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+16,68%); giáo dục (+11,39%); may mặc, mũ nón và giày dép (+7,06%). Những nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng thấp hơn mức tăng chung: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+6,39%); đồ uống và thuốc lá (+6,24%); hàng hóa và dịch vụ khác (+6,03%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+5,77%); văn hóa, giải trí và du lịch (+4,04%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,94%). Bên cạnh đó, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với bình quân cùng kỳ, nhóm giao thông (-6,74%); bưu chính viễn thông (-0,42%) so cùng kỳ năm trước.

10. Lĩnh vực xã hội

10.1. Lao động và việc làm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu lực lượng lao động, số lao động đang làm việc, thu nhập của người lao động làm công hưởng
lương tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 634,7 nghìn người, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo ước đạt 50,6%, cao hơn tỷ lệ 46,3% của cùng kỳ năm 2022.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 6 tháng ước đạt 624,3 nghìn người, tăng 2,2%; tăng chủ yếu ở khu vực thành thị. Thu nhập của người làm công hưởng lương 6 tháng đầu năm có mức tăng khá, ước đạt 8.113 nghìn đồng/người/tháng, tăng 13,0% (tương ứng tăng 931,3 nghìn đồng/người/tháng) so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng, tỷ lệ lao động phi chính thức đạt 48,7%, thấp hơn tỷ lệ 52,8% của cùng kỳ năm 2022.

Tình trạng thất ngiệp đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng trong độ tuổi bình quân 6 tháng năm 2023 ước tính 1,69%, thấp hơn tỷ lệ 2,11% của cùng kỳ năm 2022.

10.2. Trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, tạo môi trường xã hội ổn định, bình yên. Số vụ cháy có xu hướng gia tăng, ngược lại, tai nạn giao thông được kiểm soát tốt, giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 45 vụ cháy, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2022, không có người chết và bị thương, giá trị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 77,2 tỷ đồng.

Toàn thành phố xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 13 người, bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm 2022: giảm 29 vụ, giảm 23 người chết, giảm 15 người bị thương. Không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy. 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 166 vụ vi phạm về môi trường và an toàn thực phẩm với 167 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt gần 1,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 09 vụ vi phạm, giảm 11 đối tượng vi phạm, số tiền xử phạt giảm gần 354 triệu đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới kém khả quan do nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm; nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,74%. Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh… ở mức thấp. Bên cạnh những mặt tích cực, trong 6 tháng qua, kinh tế – xã hội của thành phố vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như sau:

– Tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng và còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; thị trường xuất khẩu không thuận lợi; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số
lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ.

– Tiêu dùng trong dân đang có xu hướng tăng chậm, người dân chỉ tập trung chi tiêu đối với các nhu cầu thiết yếu. Hoạt động du lịch mặc dù đã được phục hồi nhưng do lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách; số ngày lưu trú bình quân của khách trong nước đang có xu hướng giảm dần.

– Lãi suất ngân hàng mặc dù đã được điều chỉnh giảm theo chủ trưởng của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn cao và có độ trễ do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động trước đó với lãi suất cao. Tăng trưởng tín dụng thấp trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, một phần nguyên nhân do các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; mặt khác, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn.

– Giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên những khó khăn khách quan trong nhiều năm qua về quy trình, thủ tục, giải phóng mặt bằng… vẫn chưa chấm dứt. Sự sụt giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ cả trong và ngoài nước; thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế; một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục, pháp lý… dẫn đến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không đạt như kỳ vọng.

III. DỰ BÁO TÌNH HÌNH VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

Với con số tăng trưởng 3,74% của 6 tháng đầu năm 2023, mục tiêu tăng 7% cả năm nay theo kế hoạch được đánh giá là thách thức trong bối cảnh các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng…

Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý III và 6 tháng cuối năm của Đà Nẵng còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng khả năng sẽ cải thiện hơn so với quý II và 6 tháng đầu năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

(2) Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, làm chủ công nghệ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng gia nhập thị trường quốc tế nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử…

(3) Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

(4) Tiếp tục tổ chức Chương trình kích cầu du lịch năm 2023, các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; chú trọng xây dựng nhiều thương hiệu với các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch thành phố; có những chính sách ưu tiên trong công tác hỗ trợ và chào đón những đoàn khách du lịch MICE; gắn kết việc phát triển sản phẩm du lịch với các yếu tố về văn hóa, lịch sử để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Đà Nẵng.

(5) Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với diễn biến, nhu cầu của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Đẩy mạnh công tác huy động vốn với các mức lãi suất linh hoạt, phù hợp với quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất.

(6) Chủ động tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức các hội thảo để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đang hoạt động hoặc có ý định đầu tư vào Việt Nam. Tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.

(7) Phối thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố; tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời giữ vững và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ trong nước.

(8) Tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, quan trắc, bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả Đề án ”Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021-2030.

(9) Nhân rộng mạnh mẽ các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra chống chặt phá, khai thác rừng trái phép; phòng cháy và chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.

(10) Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội./.

CỤC THỐNG KÊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​