Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

0 75

Với mục tiêu đón 8,42 lượt khách trong năm 2024, Đà Nẵng đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố bên bờ sông Hàn.

Phát triển các tuyến phố đi bộ 

Quý I/2024, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,88 triệu lượt, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu năm 2024, du lịch thành phố phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, tăng hơn 13,8% so với năm 2023. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu hơn 30,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2023.

Để góp phần đạt được mục tiêu trên, hiện nay, công tác triển khai phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm thực hiện. Trong đó, Đà Nẵng chú trọng phát triển các sản phẩm: đưa Phố đi bộ Bạch Đằng vào hoạt động; dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và Công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi; chợ đêm Sơn Trà giai đoạn 2; triển khai giai đoạn 2 Phố du lịch An Thượng….

Việc triển khai phát triển sản phẩm du lịch luôn được Đà Nẵng quan tâm thực hiện

Liên quan đến phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng cho biết, không gian tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ giáp đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC với chiều dài 1,2 km và sẽ được kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi. Phố đi bộ dự kiến được khai trương trong dịp lễ 30-4 và 1-5 để phục vụ người dân và du khách.

Thời gian tổ chức hoạt động từ 15 giờ đến 0 giờ hằng ngày. Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 3 cụm kiot bán hàng di động với 12 kiot trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng. Các kiot sử dụng container 20 feet khô (dài 6m, rộng 2,5m) và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe nằm trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các kiot.

Cùng với đó, quận sẽ bố trí 5 điểm check-in; xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng; không gian sinh hoạt cộng đồng, có ghế đá ngồi trên vỉa hè; thùng rác cảnh quan và thùng đựng rác tái chế; các trạm phát wifi miễn phí; 4 cụm camera an ninh; trang trí đèn chiếu sáng, nghệ thuật và cây xanh..

Về phương án tổ chức giao thông khi phố đi bộ hoạt động, quận Hải Châu sử dụng 1 làn xe phía Đông đường Bạch Đằng vào các ngày trong tuần, 3 làn còn lại là 1 chiều, đặt biển báo giới hạn 40km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Đối với các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật sẽ cấm toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng (đoạn từ Bình Minh 10 đến Công viên APEC).

Phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng 

Để đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút khách, ngoài việc tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, Đà Nẵng đang triển khai đầu tư dự án Khu phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2).

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã có buổi kiểm tra thực tế và họp xử lý vướng mắc về chủ trương đầu tư của dự án này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường yêu cầu UBND quận Ngũ Hành Sơn rà soát đánh giá hiệu quả đầu tư, khai thác đối với các hạng mục đã đầu tư tại dự án Khu phố du lịch An Thượng. Trong đó tập trung tổ chức lấy ý kiến nhân dân (các chủ cơ sở, hộ kinh doanh, khách du lịch,…) về việc đầu tư, vận hành phố du lịch, các vướng mắc, bất cập cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Cùng với đó, nghiên cứu, có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại khu phố du lịch An Thượng.

Khu phố du lịch An Thượng là địa điểm yêu thích của du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng 

Giai đoạn 2 của khu phố du lịch An Thượng sẽ được khởi công vào cuối năm 2024, triển khai đoạn từ đường Lê Quang Đạo đến đường Mai Thúc Lân. Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại còn có thêm quảng trường trung tâm để tổ chức các sự kiện, nghệ thuật sắp đặt, các tiện ích phục vụ người dân và du khách…

Dự kiến nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra tại khu phố đi bộ An Thượng

Đối với đề xuất việc triển khai tranh tường, bích họa, phù điêu và nghệ thuật sắp đặt của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đề nghị Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật nghiên cứu, triển khai thí điểm việc triển khai tranh tường, bích họa, phù điêu và nghệ thuật sắp đặt tại một phần tường rào xung quanh Trường tại khu vực góc đường Ngô Thì Sĩ – Lê Quang Đạo nhằm tạo cảnh quan, không gian check-in cho người dân và du khách.

Làm mới các hoạt động hai bên bờ sông Hàn 

Năm 2024, hai bên bờ sông Hàn là nơi diễn ra của 55 sự kiện, hoạt động văn hóa – lễ hội định kỳ và thường niên do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. So với những năm trước, năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều hoạt động mới lạ, có tính đột phá, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách.

Theo danh mục các hoạt động văn hóa – lễ hội hai bên bờ sông Hàn được UBND thành phố thống nhất, năm nay, Đà Nẵng có 19 hoạt động định kỳ và 36 hoạt động thường niên: vũ hội đường phố, hát bài chòi, ảo thuật đường phố, chương trình âm nhạc và cuộc sống, giai điệu cuối tuần, tuồng xuống phố… do các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, hội đoàn thể trên địa bàn thực hiện.

Hoạt động chiếu phim ngoài trời được đông đảo người dân hưởng ứng

Bên cạnh đó, năm 2024, Đà Nẵng đưa vào danh mục nhiều hoạt động mới như: chương trình random dance pop, hòa tấu nhạc cụ, thư viện lưu động, chiếu phim ngoài trời và các hoạt động tương tác. Các hoạt động được sắp xếp trải đều các tuần, tháng trong năm, phù hợp thời tiết theo mùa và bảo đảm mỗi tuần đều có chương trình, sự kiện để người dân, du khách tham gia…

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả các hoạt động, mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm ấn tượng, chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện hoạt động hai bờ sông Hàn chủ động khảo sát nhu cầu, thị hiếu người dân và du khách để xây dựng các hoạt động văn hóa, lễ hội chất lượng. Đồng thời, đầu tư, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động cả về nội dung và hình thức, bảo đảm có sự đột phá, mới lạ.

Hai bên bờ sông Hàn là địa điểm được nhiều người lựa chọn để vui chơi, giải trí vào mỗi buổi tối

Hiện nay, tại Đà Nẵng, nhiều sản phẩm du lịch được ra đời. Các sản phẩm này ngày càng mới lạ và tăng độ hấp dẫn đối với người dân và du khách. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng với đầu tư về hạ tầng, chất lượng dịch vụ giúp ngành du lịch Đà Nẵng khẳng định được vị thế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Theo danang.gov.vn

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​