Tròn 160 năm kể từ ngày liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng (năm 1858), thành Điện Hải – dấu tích cuộc chiến oai hùng – đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến thành cổ, hé lộ những câu chuyện thú vị chưa từng được nhắc đến.
“Con đẻ” của vua Gia Long
Nhiều tài liệu ghi lại thành Điện Hải, trước là đồn Điện Hải, xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền và trấn giữ Đà Nẵng.
Thời bấy giờ, đồn được xây dựng trên một gò đất cao cách chỗ cũ 150 trượng (637,5 m). Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đồn được đổi là thành. Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành Điện Hải được xây bằng gạch có chu vi 139 trượng (556 m).
Cũng vì kiểu thức, lối kiến trúc hình vuông, 4 góc cửa biển nên đã bị hư hại. Sau 10 năm (1823), đồn được dời vào phía trong (chỗ lồi theo dạng hình thoi mà nhiều tài liệu về sau đều cho rằng thành được xây dựng theo phong cách Vauban – tên một kỹ sư quân sự, thống chế người Pháp) dưới sự giúp sức của Oliver de Puymanel. Tuy nhiên, tại hội thảo về thành Điện Hải vừa tổ chức hồi cuối năm 2017, các nhà sử học đã bác bỏ điều này.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế – Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho biết kiểu thành quân sự Vauban có từ thế kỷ 17 và theo chân đội quân xâm lược người châu Âu “lan rộng” ra ngoài.
Ông Hải cho rằng có một thời gian dài, các nhà nghiên cứu ở VN thiếu nguồn tư liệu lại dựa theo tư liệu của người Pháp, nên nhận định rằng kiểu thành quân sự đầu thế kỷ 19 là do vua Gia Long cho xây dựng với sự cố vấn của người Pháp. “Tuy nhiên, khi thẩm tra lại tư liệu thì không phải như thế”, ông Hải nói và cho biết, năm 2016 bà Thụy Khuê (nhà báo VN sống ở Pháp) đã viết và giới thiệu cuốn sách, trong đó đề cập thành Điện Hải là do vua Gia Long sáng tạo.
Ông Hải cho biết: “Thực tế, các thành trì VN vào đầu thế kỷ 19 đều do người VN xây nên. Trong các sách quan trọng về triều Nguyễn đều ghi rõ việc này. Một trong những người đóng vai trò quan trọng là vua Gia Long”. Vua Gia Long là người cực kỳ am hiểu, được linh mục Bá Đa Lộc giúp đỡ ngay từ những buổi đầu nên tiếp cận người Pháp rất sớm. “Từ mẫu đóng thuyền đến thành trì, vua đều tự mày mò thiết kế. Do đó, các mẫu thành trì lúc đó là của vua Gia Long”, ông Hải nhận định.
Kiểu thức độc đáo
Phân tích thêm về kiểu kiến trúc thành Điện Hải, ông Phan Thanh Hải cho hay kiểu thành của VN vào thế kỷ 19 “chỉ ảnh hưởng” phong cách Vauban. Cấu trúc thành Vauban ít nhất phải có 5 cạnh trở lên, còn hầu hết thành trì của VN là kiểu thành tứ giác. Ảnh hưởng của Vauban là cho các pháo đài vào 4 góc thành.
“Ví dụ, kinh thành Huế gần như là hình chữ nhật, cái Vauban là việc gắn vào 24 pháo đài cho 4 cạnh, làm lồi ra lõm vào. Nhìn bên ngoài thì rất giống kiểu thành Vauban, nhưng không phải. Đó chính là việc tăng cường tính chất quân sự kiểu Vauban vào kiểu thành phương Đông. Các thành trì thời Nguyễn đều mang phong cách này. Đây là ý chí của vua Gia Long mà ông đã học hỏi để áp dụng vào thành trì của VN chứ không phải sao chép”, ông Hải nhấn mạnh.
Bác bỏ sự giúp đỡ của người Pháp trong việc giúp nhà Nguyễn xây dựng thành Điện Hải, theo ông Hải, đơn cử người được cho là kiến trúc sư thành nhà Nguyễn (Oliver de Puymanel) lại… không có chuyên môn về thiết kế. “Trong thời gian Puymanel giúp vua Gia Long, ông chỉ giúp hậu cần chứ không giúp những việc nòng cốt trong triều đình. Điều này phủ nhận vai trò của Puymanel trong xây dựng thành Điện Hải. Puymanel cũng giúp vua Gia Long khi chưa lên ngôi chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Nói Puymanel cố vấn giúp Gia Long xây dựng kinh đô Huế vào năm 1805 là điều vô lý, vì ông đã chết trước đó 6 năm, vào năm 1799″, ông Hải nhấn mạnh. Vị “cố vấn” đó thậm chí chết trước cả khi Nguyễn Ánh lên ngôi vào năm 1802 và lấy niên hiệu Gia Long.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế) khẳng định, lịch sử ghi nhận Puymanel không phải người được đào tạo gì về kiến trúc. Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng, cũng ủng hộ quan điểm thành Điện Hải có sự tiếp thu phong cách thành Vauban, chứ không phải sao chép nguyên mẫu.