THẦN SHIVA
Tháp C1, Mỹ Sơn, Quảng Nam | Thế kỷ VII – VIII | Sa thạch | [BTC 26]
Khi tìm thấy tại tháp C1 vào năm 1903, tác phẩm đã không còn nguyên vẹn. Đầu, hai cánh tay đưa ra phía trước và đôi chân từ đầu gối trở xuống bị gãy.
Theo Henri Parmentier đây là hình ảnh khất thực của thần Shiva do ông căn cứ vào hình dáng, trang phục và đặc biệt là hai cánh tay đưa ra phía trước của bức tượng. Tuy nhiên, tại Champa có tục thờ Thần – Vua, nên có giả thuyết cho rằng đây là chân dung Thần – Vua được thờ cúng tại Mỹ Sơn, là loại tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chăm xuất hiện cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ IX.
Vào đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy bộ đồ trang sức trong tháp C7 gần bên tháp C1 nơi đặt bức tượng. Bộ trang sức bằng vàng cân nặng 1,5kg và có thể đã được sử dụng để trang sức cho thần khi tế lễ (tai bức tượng có đục lỗ, có thể để đeo trang sức – chi tiết này không xuất hiện trong các tác phẩm khác cùng chủ đề).
Hiện nay, vẫn có thể thấy nghi thức tắm tượng và mặc trang phục cho tượng ở một số nơi như Tháp Po Nagar (Nha Trang, Khánh Hòa) và Tháp Po Klongirai (Ninh Thuận).
Các nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG
Comments are closed.