Thần Ganesha

Than Ganesha Bao Tang Dieu Khac Cham Danang Fantasticity Com 04
2.767

THẦN GANESHA

Tháp E5, Mỹ Sơn, Quảng Nam | Thế kỷ VII | Sa thạch | [BTC 5]

Có thể bạn thích?

Gajasimha

Rồng

Than Ganesha Bao Tang Dieu Khac Cham Danang Fantasticity Com 04

Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, tri thức và văn học, là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và cũng là một trong số những vị thần được yêu mến nhất vì thần có khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thần được thờ cúng rất rộng rãi trong cộng đồng những người theo Hindu giáo đến tận ngày nay.

Trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, thần Ganesha thường được thể hiện trong hình dạng một người đàn ông thấp béo, bụng phệ, có đầu voi với hai tay, hoặc bốn tay hoặc nhiều hơn. Ở tác phẩm này, thần được thể hiện trong tư thế đứng với bốn tay hoặc nhiều hơn.

Khi tượng được tìm thấy ở tháp E5 và được ghi chép lại, Thần có cầm một chiếc rìu bên tay trái phía trên và một cây gậy (hoặc củ cải) ở cánh tay phải bên dưới. Sau thời điểm đó, phần cánh tay trái phía trên và cả phần tay phải phía dưới đều đã bị thất lạc. Vì thế, cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể khẳng định rằng thần Ganesha cầm vật gì trên hai tay này.

Được mô tả như một người háu ăn trong các tài liệu cổ, Ganesha gần như luôn cầm trên tay một chiếc bát đựng đầy đồ ngọt. Vật cầm tay thứ tư của thần Ganesha trong tác phẩm này là một chuỗi tràng hạt, mặc dù hiện vật đã bị vỡ một phần.

Trong số những đặc điểm  tiếu tượng học nổi bật ở  tác phẩm  này  là  tấm  da hổ (vyaghracarman) quấn quanh hông của thần (có lẽ là hình ảnh vay mượn từ đặc điểm tiếu tượng học của thần Shiva), và con mắt thứ 3 nằm ngay trên chỗ nổi lên của chiếc vòi (một chi tiết cũng được thấy ở nhiều vị thần khác). Các trang sức còn lại có thể thấy bao gồm vòng tay, vòng bụng, sợi dây Balamon được tạo nên từ rắn được tạo hình một cách thực tế và khéo léo.

Ngoài tấm da hổ, trang  phục  của  thần  Ganesha  là  một  tấm  vải choàng cầu kỳ. Tà váy buông ra phía trước và mép vải được giữ lại ở hông bằng chiếc thắt lưng tạo thành hình chiếc túi mở ra ở chân trái. Đầu vải còn lại được quấn giữa hai chân và được giữ chặt bởi một chiếc dây lưng ở dưới hông, mép vải rủ xuống tạo thành những nếp gấp xếp ly nhỏ. Loại trang phục này khá giống với trang phục của các nhân vật thể hiện trên bậc cấp đầu tiên của đài thờ Mỹ Sơn E1.

Chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách của nền nghệ thuật điêu khắc Champa giai đoạn sớm.

Các nguồn tài liệu tham khảo:

1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/

TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG

You might also like

Comments are closed.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​