PHÒNG TRƯNG BÀY THÁP MẪM
Tháp Mẫm là tên gọi một phế tích Champa nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Một cuộc khai quật quy mô lớn đã được tiến hành tại vị trí này vào năm 1934, phát hiện nền móng một quần thể nhiều tháp trong một khu vực có tường bao quanh. Niên đại của di tích Tháp Mẫm được xác định vào khoảng thế kỷ XII – XIII.
Khối lượng hiện vật thu thập được trong cuộc khai quật năm 1934 lên đến 58 tấn, bao gồm những tượng kích thước lớn và nhiều bộ phận trang trí kiến trúc bằng đá. Một cuộc khai quật khác được tiến hành tại đây vào năm 2011 và đã phát hiện thêm một số hiện vật tương tự.
Phong cách nghệ thuật của các hiện vật thu thập từ di tích Tháp Mẫm có nét chung ở tính phức tạp, nhiều chi tiết, nhưng thường khuôn mẫu, ít mềm mại, linh hoạt nếu so sánh với các giai đoạn trước. Danh xưng “Tháp Mẫm” sau đó đã được dùng để đặt tên cho một phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa có cùng đặc trưng với nhóm hiện vật này.
Sau giai đoạn Tháp Mẫm, nghệ thuật điêu khắc Champa từng bước suy thoái dần.
Các nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG