ĐÀI THỜ MỸ SƠN E1
Tháp E1, Mỹ Sơn, Quảng Nam | Thế kỷ VII – VIII | Sa thạch | [BTC 6]
Đài thờ gồm 16 khối đá, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 14 khối do 02 khối đã bị mất sau khi khai quật. Bên trên đài thờ nhiều khả năng đặt một bộ ngẫu tượng thờ là Linga – Yoni bằng sa thạch (nay đã bị thất lạc).
Đây là đài thờ duy nhất được tìm thấy cho đến nay mô tả những hoạt cảnh đời sống của các tu sĩ với nhiều hoạt động như tu tập, hành lễ, giảng đạo, thiền định, nghỉ ngơi trong rừng sâu, núi thiêng. Một số chi tiết mô phỏng kiến trúc của một ngôi tháp như các bậc cấp, vòm cửa, trụ cửa, các họa tiết trang trí dải hoa lá. Phía trước bậc tam cấp còn thể hiện các vũ công đang trình diễn điệu múa khăn chiêm bái thần linh vô cùng mềm mại và sinh động ngay tại bậc cửa của đền tháp.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 mang nhiều hình ảnh có tính biểu tượng cho một đền tháp thờ, thể hiện hình ảnh của ngọn núi Meru linh thiêng trong thần thoại Ấn Độ. Núi Meru với đỉnh núi Kailasa là nơi ở của các vị thần linh và thần Shiva ngự trị trên đỉnh núi, được thể hiện qua biểu tượng thờ Linga – Yoni.
Một số dạng thức trang trí dải hoa cùng các kiểu trang phục của nhân vật gợi ra những điểm tương đồng với các tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan và tiền Angkor (Campuchia) vào thế kỷ VII – VIII.
Đài thờ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.
Các nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trang tin điện tử của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chammuseum.vn.
2. Các pa-nô thông tin và chú thích hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
3. Sách Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture.
4. Tập thông tin giới thiệu 20 hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
5. Bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/bao-tang-cham/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG