Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là “xương sống” của các nền kinh tế APEC

358

Một trong bốn ưu tiên thiết thực của APEC năm 2017 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”. Vì thế, cần có sự đầu tư đúng đắn cho khối MSMEs phát triển trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – cuộc cách mạng hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT)…, khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ (MSMEs) và vừa sẽ trở thành mũi nhọn tiên phong trong cuộc cách mạng này. Vì thế, Việt Nam đã chọn một trong bốn ưu tiên thiết thực của APEC năm 2017 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay.

doanh-nghiep-sieu-nho-nho-va-vua-la-xuong-song-cua-cac-nen-kinh-te-apec
ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch ABAC 2017.

Phóng viên Infonet đã có cuộc tiếp xúc với ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) Việt Nam, để tìm hiểu hơn về vai trò định hướng của APEC đối với sự phát triển của khối MSMEs trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Một trong những ưu tiên của APEC Việt Nam 2017 là thúc đẩy sự tham gia của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào sự tăng trưởng kinh tế của APEC nói chung và các nền kinh tế thành viên nói riêng. Vậy, APEC sẽ hỗ trợ ra sao cho sự phát triển của nhóm doanh nghiệp MSMEs tại Việt Nam?

Ông Hoàng Văn Dũng: MSMEs là xương sống trụ cột của các nền kinh tế. Có thể nói, đối với Việt Nam, 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, APEC là môi trường thương mại, kinh doanh. Vì thế, việc đầu tiên chúng ta đã trong những năm qua cũng như phải làm là tạo cơ hội thuận lợi nhất cho MSMEs phát triển, để tận dụng cơ hội trong năm APEC Việt Nam 2017. Để làm được việc đó, phải có sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ cần sự đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách từ phía doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi  nhất để doanh nghiệp phát triển.

Thứ hai, kỷ nguyên của chúng ta là kỷ nguyên kỹ thuật số thì chúng ta phải sử dụng kỹ thuật số để kết nối doanh nghiệp MSMEs của Việt Nam với thế giới. Chỉ có thể làm như thế thì chúng ta mới phát triển được doanh nghiệp với thế giới.

Thứ ba, trong chuỗi giá trị toàn cầu, sự tham gia của MSMEs cộng với doanh nghiệp lớn cần có sự hài hòa phát triển. Nếu chỉ có doanh nghiệp lớn phát triển thì không phải là mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu là tất cả các doanh nghiệp cùng phát triển, tạo ra sự phát triển bền vững. Lấy ví dụ điển hình, trên thế giới, bình quân 20 người dân có một doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 600.000 doanh nghiệp, tiến tới đây chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020. Tức là, trung bình khoảng 100 người dân Việt Nam mới có một doanh nghiệp.

Muốn kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh, doanh nghiệp MSMEs phải là ưu tiên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua đã có quyết tâm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Với tư cách nguyên là lãnh đạo VCCI, ông đánh giá như thế nào về việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào xu hướng toàn cầu hóa cũng như ưu tiên của APEC 2017?

Có thể nói, 20 năm qua, các nền kinh tế trong khu vực APEC đã phát triển nhanh chóng. GDP bình quân của APEC đã tăng gấp 5 lần, điều đó thể hiện rất rõ hợp tác khu vực, hợp tác APEC đã đem lại kết quả cụ thể cho doanh nghiệp và người dân. Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội này, chúng ta phải làm sao đưa các thông tin, cơ hội hợp tác, làm ăn giữa các nền kinh tế APEC và đưa các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thế giới. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa không sử dụng công nghệ thông tin, chúng ta sẽ không nắm bắt được cơ hội này. Điều chúng tôi rất quan tâm là đào tạo các doanh nghiệp sử dụng thông tin, để làm sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hiểu được và tận dụng cơ hội này để kết nối với thế giới.

Đặc biệt, năm nay là cơ hội lần thứ 2 của Việt Nam được tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đà Nẵng. Sẽ có khoảng 1000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới vào làm ăn, hợp tác với VIệt Nam. Kể từ năm 2006 đến nay, đã hơn 11 năm hợp tác khu vực và thế giới mang lại hiệu quả to lớn đối với Việt Nam. Cụ thể, đã có trên 20.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN với số vốn trên 300 tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Vấn đề là chúng ta tận dụng cơ hội này như thế nào để có thể tiếp cận được thông tin, tiếp cận cơ hội, làm chủ khoa học công nghệ, đứng lên bàn chân mình để phát triển, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế đem lại, đặc biệt là trong năm nay.

Mỹ là thành viên của APEC nhưng lại có xu hướng phân chia chứ không đi theo xu hướng hội nhập như định hướng của APEC. APEC nói chung và ABAC nói riêng dự đoán như thế nào về xu hướng đầu tư của Mỹ trong khu vực trong tương lai như thế nào và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm thế nào để thu hút nguồn đầu tư từ Mỹ quay trở lại bất chấp xu hướng này của chính quyền mới ở Mỹ?

Chúng tôi rất tiếc sau 5 năm đàm phán, Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ TPP.  Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn Mỹ sẽ tham gia một hình thức hợp tác mới trong tương lai, vì Mỹ là nước dẫn đầu trong khu vực APEC. Mỹ có thị trường rộng lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ USD, khoa học công nghệ phát triển, nguồn tài chính dồi dào, công nghệ quản lý rất tốt. Vì thế, nhiều nước trong khu vực APEC được hưởng lợi.

Nếu Mỹ từ bỏ cuộc chơi này, bắt buộc Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC phải tìm một phương án hợp tác mới. Gần đây, người ta nói nhiều đến Khu vực tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), mục tiêu đến 2025 sẽ biến khu vực này thành Khu vực mậu dịch tự do. Trước mắt, chúng ta có RCEP gồm 10 nước ASEAN và 6 nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand là phương án thay thế cho TPP.

Lịch sử thế giới đã chứng minh, càng hội nhập thì càng phát triển, những nước đóng cửa, bảo hộ thì không phát triển. Phải mở cửa, hội nhập thì chúng ta mới có cơ hội hội nhập sâu hơn, càng phát triển. Điều đó mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và cả thế giới.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn: infonet.vn

You might also like

Comments are closed.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​