Sáng 14-7, UBND xã Hòa Tiến tổ chức Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dự buổi lễ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tặng hoa chúc mừng thôn La Bông, xã Hòa Tiến
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chúc mừng thôn La Bông, xã Hòa Tiến và cho biết, Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông là di tích đầu tiên của thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận sau khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Đây không chỉ là niềm vinh dự của địa phương mà còn là niềm vui chung của cả thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại buổi lễ
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, dù lịch sử có nhiều thăng trầm, địa danh hành chính có đổi thay, Đình làng cùng với miếu Bà La Bông vẫn tồn tại cùng năm tháng, tiếp tục là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ. Đây không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh mà còn là nơi gặp gỡ, kết nối các thế hệ con cháu, nhắc nhớ về cội nguồn và hun đúc niềm tự hào quê hương, đồng thời là sự minh chứng cho chiều sâu và bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất La Bông, xã Hòa Tiến.
“Việc xếp hạng Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông là di tích lịch sử cấp thành phố không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận của UBND thành phố đối với những đóng góp của chính quyền, Nhân dân xã Hòa Tiến trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi trao Bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố đối với Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chính quyền thành phố sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông.
Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền và Nhân dân xã Hòa Tiến cần kế thừa và phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của mình trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông.
Trong đó, quan tâm việc thực hiện phục hồi, duy trì và trao truyền các giá trị di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu gắn liền với Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông. Đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị 03 tấm bia đá tại Miếu Bà vì đây là di sản tư liệu quý của địa phương, đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giáo dục truyền thống tại di tích, đưa nơi đây trở thành một không gian văn hóa gần gũi hơn và là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống văn hóa – lịch sử của địa phương, từ đó hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Nghiên cứu các phương án nhằm phát huy giá trị di tích để khai thác phát triển du lịch.
Lãnh đạo thành phố và các đơn vị dâng hương tại Đình làng La Bông
Cụm di tích Đình và Miếu Bà La Bông thuộc tổ 3, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 16 km về phía Tây – Nam.
Đình làng La Bông là một địa điểm sinh hoạt cộng đồng và tâm linh tín ngưỡng quan trọng của làng La Bông, thờ Thần Hoàng Làng, Quan Thánh, Bà Ngũ Hành cùng các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng. Nơi đây là chứng tích và địa điểm ghi đấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.
Miếu Bà La Bông là nơi thờ Dương Phi phu nhân. Sự tồn tại của miếu Bà La Bông đến tận ngày nay gắn liền với một bối cảnh lịch sử – văn hóa giữa Chăm – Việt và “hệ thống” những câu chuyện kể mang đậm yếu tố linh thiêng tạo một không gian văn hóa có chiều sâu và thần bí xung quanh sự tồn tại của miếu Bà La Bông. Đây có thể xem là một di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân La Bông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi dâng hương tại Miếu Bà
Trong khuôn viên miếu Bà hiện nay có đặt ba tấm bia được lập vào các năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), Duy Tân thứ 3 (1909) và Duy Tân thứ 10 (1916). Những văn bia này đã đồng hành và trở thành minh chứng cho những biến thiên lịch sử của vùng đất La Bông.
Sự hình thành và tồn tại của miếu Bà La Bông là không thể tách rời với lịch sử chung của làng La Bông và vùng đất Hòa Tiến, đây là minh chứng cho công cuộc khai canh, lập làng, dung hợp và tiếp biến văn hóa bản xứ để xây dựng đời sống tại đây của các bậc tiền nhân trong hành trình mở cõi xuống phía Nam của dân tộc.
THEO CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
https://danang.gov.vn/vi/web/dng/w/cum-di-tich-dinh-va-mieu-ba-la-bong