Địa chỉ: Phường Hòa Hiệp, Quận Liên Chiểu, T.P Đà Nẵng
Tổng quan:
Làng nghề nước mắm Nam Ô được hình thành đầu thế kỷ XX. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Từ lâu nước mắm Nam Ô đã có tiếng tăm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Nước mắm Nam Ô không chỉ nức tiếng thơm mà còn sực nức cả một quãng đường cái quan xuyên Việt dài hơn cây số. Khách thập phương ngang qua đây nghe dậy lên mùi nước mắm không lẫn vào đâu được, cứ vương vất người xe qua lại.
Khám phá:
Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì có độ đạm rất cao), lựa con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối. Giá cá cơm bình thường khoảng 2.500-3.000 đồng/kg, cá cơm than ở Nam Ô lên đến 6.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có. Chum muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm. Một chum thường chứa được 200-300 kg cá, sau 12 tháng được khoảng 100-150 lít nước mắm loại 1. Còn lại lọc thành nước mắm loại 2, loại 3 bán với giá rẻ.
Khi trộn cá chú ý, sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát, xếp từ từ từng lượt vào chum vại, đựng cá muối. Phía trên cùng đặt một lần vỉ đan bằng tre, hoặc mo cau khô gài lại. Đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn cá muối lại. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men mầu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra. Cá muối vào tháng ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm, nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc mắm. Nước mắm chảy từ từ, có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn.
Và một điều quan trọng nữa là muối ướp cá phải là thứ muối lấy từ Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ngãi, Bình Thuận, hạt trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo, trong năm đến bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm trước khi đem làm.
Hiện nay, Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã được thành lập và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp Giấy chứng nhận nhãn mác tập thể cho Hội làng nghề.
[wptab name=”Địa chỉ các cơ sở phân phối nước mắm Nam Ô”]
– Siêu thị đặc sản Đại Lộc Phát:
Địa chỉ: 11 Hoàng Hoa Thám, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: (+84)511.3750467-
Email : dacsanmientrung.dlp@gmail.com
– Siêu thị đặc sản miền Trung:
Địa chỉ:61 Hải Phòng, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (+84)511. 3839 222
[/wptab]
[end_wptabset]