Đình Mân Quang hiện thuộc khối phố Mân Quang II, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
1. Tên gọi: Đình Mân Quang.
2. Địa điểm phân bố, đường đi đến:
Đình Mân Quang hiện thuộc khối phố Mân Quang II, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đình Mân Quang cách danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng 6km về phía Tây Nam.
3. Loại hình di tích: Đình Mân Quang là di tích lịch sử.
4. Khảo tả di tích:
Đình Mân Quang đã bị giặc san phẳng năm 1972. Dân làng Mân Quang đã cùng nhau chung tay góp sức dựng lại ngôi đình mới để thờ thần và các vị tiền hiền cùng những người có công với quê hương, đất nước. Đình được khánh thành vào ngày 21 tháng 12 năm 2003 bằng các loại vật liệu hiện đại và kết cấu bê tông cốt thép, nhưng theo kiểu dáng cũ. Đình có chiều dài 12,34m, chiều rộng 8,15m trên một khuôn viên rộng 696m.
Đình được xây dựng theo hướng Tây Bắc, gồm chính điện với 3 gian 2 chái và hậu tẩm. Phía trước đình là hai trụ biểu lớn, trên mỗi trụ biểu có một con lân. Hai bên là hái trụ biểu nhỏ, trên mỗi trụ biểu có hình một bầu rượu. Tiếp theo là bình phong cao 2m, rộng 2,5m. Mặt trước bình phong đắp nổi hai con hạc đứng trên mình rùa. Mặt trong đắp nổi hình long mã, tất cả đều ghép sành sứ. Hai bên đình có hai ngôi miếu nhỏ, miếu bên phải thờ vị tướng họ Nguyễn, miếu bên trái thờ vị tướng họ Võ. Theo truyền thuyết thì đây là hai vị tướng đã tiêu diệt được con thủy quái quấy phá cuộc sống của cư dân nơi đây.
Bậc tam cấp dẫn lên phần tiền đình có hai cột tròn được trang trí hai con rồng cuốn. Hai cột hai đầu hiên hình vuông có hai câu đối. Trước kia đình cũ có bốn cột đá xanh khắc bốn câu đối. Hiện nay, đình vẫn còn giữ được hai cột hiên bằng đá xanh.
Bên trong đình, phần hậu tẩm thờ thành hoàng làng. Hai bên tả ban, hữu ban thờ tiền hiền.
Mái đình lợp ngói, hậu tẩm có mái riêng. Bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”. Hai đầu mái đình trang trí hình hai con phụng. Chính giữa phía trên diềm mái có ba chữ “Mân Quang đình”. Hai bên có hai con rùa. Tất cả các đồ trang trí này đều được ghép bằng sành sứ. Diềm mái được gắn một hàng đĩa men lam nhỏ. Hai đầu bậc tam cấp là hai con lân lớn. Sân đình đã được tráng xi măng. Đình cũng đã được xây hàng rào xung quanh. Đình nằm giữa cánh đồng nên bốn mặt đều rất thoáng.
6. Các hiện vật trong di tích:
Đình bị đốt phá và cày ủi nhiều lần nên các đồ thờ cúng và các sắc phong đã bị mất. Hiện đình chỉ còn giữ được 3 sắc phong của 3 tộc họ Đinh, Lê và Trần có niên đại Khải Định thứ 2 (1917).
7. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, dân gian, lễ hội truyền thống:
Hàng năm dân làng tổ chức cúng cầu an vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Các kỳ cúng tế đều do dân làng đóng góp.
8. Giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, văn hóa:
Mặc dù ngôi đình đã bị giặc phá hủy trong chiến tranh, các hiện vật trong đình bị mất mát, thất lạc nhưng các tộc họ vẫn còn giữ được 3 sắc phong tiền hiền. Ngoài ra, các tộc họ còn giữ được bài văn tế. Có một điều đặc biệt ở đình Mân Quang là họ đã đưa vào bài văn tế tên tuổi Anh hùng LLVT Trần Minh Thiệt, nguyên là thiếu tướng, Phó tham mưu trưởng Quân khu V. Điều này thể hiện tấm lòng của người dân làng Mân Quang không bao giờ quên những người có công với quê hương đất nước cho dù họ sống ở thời đại nào. Trong ngôi đình mới xây còn khắc một bài văn nói về quá trình tới vùng đất này của các bậc tiền nhân đã được dịch sang tiếng Việt.
Việc xây dựng lại ngôi đình mới vào năm 2003 cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đi trước vì điều kiện kinh tế của nhân dân làng Mân Quang còn rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống mà mọi cư dân trong làng đều có nghĩa vụ tiếp tục phát huy và truyền lại cho các thế hệ sau.
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG