Thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng mở cửa lại du lịch

28/12/2021
In

Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80%, khách nội địa đạt giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, lượng khách tiếp tục sụt giảm trong nội địa 57%, doanh số, doanh thu càng sụt giảm nghiêm trọng. Hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh du lịch rút giấy phép hoặc ngừng hoạt động.

Cùng với những giải pháp số hoá nguồn tài nguyên về du lịch, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững… trong thời gian tới, các địa phương cần đảm bảo những biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn, trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba và bảo đảm có đủ thuốc điều trị.

Triển khai các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Đà Nẵng đã ban hành những cơ chế chính sách liên kết phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… quảng bá, truyền thông điểm đến và kết nối trao đổi nguồn khách; hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho lĩnh vực du lịch như: phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp với khai thác du lịch, dịch vụ, đầu tư xây dựng nông thôn mới; sản xuất các sản phẩm lưu niệm; hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư các dự án khởi nghiệp.

Với vị trí là cửa ngõ quốc tế của khu vực miền Trung, Đà Nẵng đã xúc tiến nhiều đường bay quốc tế, mở rộng hướng tiếp cận đến các thị trường phát triển, nâng cao sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong nước và khu vực. Đầu tư cho nghiên cứu thị trường, phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực và phát triển thương hiệu du lịch.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Đà Nẵng đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như: miễn phí tham quan các khu, điểm du lịch do nhà nước quản lý trong năm 2021 và 2022; đào tạo bồi dưỡng miễn phí nguồn nhân lực; hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng; hỗ trợ nhu cầu vay vốn của người lao động ngành du lịch; thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch…

Để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và phát triển, tại hội thảo, thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến du lịch như: ban hành quy định hướng dẫn chi tiết quản lý tài sản kết cấu hạ tầng du lịch; quy định về quản lý kinh doanh bất động sản du lịch như condotel, shophouse và các loại hình mới; quy định hướng dẫn về bảo đảm an toàn tại các khu vui chơi, giải trí có trò chơi mạo hiểm. Về cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển du lịch, cần ban hành cơ chế chính sách ưu đãi về đất, thuế, tín dụng để thúc đẩy đầu tư vào du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như sân bay, cảng biển, bến tàu, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp.

​Song song với đó, Chính phủ ban hành một số cơ chế đột phá thí điểm phát triển du lịch, chính sách phát triển kinh tế ban đêm; cho phép thí điểm để doanh nghiệp thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích, điện chiếu sáng, điện trang trí và tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng kết hợp kinh doanh du lịch tại một số khu vực đất công cộng, đất bãi bồi ven sông, ven biển. Đặc biệt, bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc nối Đà Nẵng với các địa phương trong vùng và các vùng trong cả nước, cũng như hệ thống đường bộ, cửa khẩu đi Lào.

Thực hiện biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn

​Về cơ chế chính sách để thu hút khách du lịch, thành phố cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ khôi phục lại các đường bay quốc tế, miễn giảm các dịch vụ tại sân bay quốc tế. Đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, cho phép khôi phục lại việc miễn thị thực đối với du khách du lịch từ một số thị trường; đẩy mạnh việc miễn thị thực cho khách du lịch tại những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam để tạo nhu cầu cho du khách và tăng khả năng cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực.​

Về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn khôi phục hoạt động kinh doanh, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, được giảm giá bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Ngân Hà

Ý kiến (0)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận