Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 2019
Lễ hội Quán thế Âm 19/02 – Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng diễn ra vào dịp thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/03/1975 – 29/03/2019).
- Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Lễ Chính thức): 24/03/2019
Đây là Lễ hội văn hóa, tôn giáo, tâm linh được tổ chức hằng năm dịp 19 tháng 02 (Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Cùng với các lễ hội khác diễn ra trên khắp cả nước, đây là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian.
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1820/QĐ-TTg công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là Di tích quốc gia đặc biệt thứ hai trên địa bàn Đà Nẵng, tiếp sau Thành Điện Hải được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cuối năm 2017. Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 2019 là Lễ hội gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt này.
Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật. Đó là Lễ vía Đức Phật Quan Thế Âm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hằng năm. Qua lễ hội Quán Thế Âm, hình ảnh du lịch TP Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn ngày càng được quảng bá rộng rãi đến với du khách trong và ngoài nước.
Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn đã được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó, lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trở thành một lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa truyền thống cùng những nội dung phong phú không chỉ thu hút nhiều tăng ni, đạo hữu, phật tử Phật giáo trong cả nước mà còn thu hút du khách thập phương không phải là tín đồ đạo Phật đến thưởng thức, chiêm bái và tham quan.
Lễ hội được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
– Phần lễ: mang màu sắc lễ nghi Phật Giáo
– Phần hội: Diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hoá – thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hoá trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng… các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay…