Thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đạt được sự phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong 3 trụ cột có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế thành phố đồng thời lan tỏa kích thích phát triển các ngành khác, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Với những ý tưởng sáng tạo, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp, Đà Nẵng đã có hành trình 15 năm tổ chức thành công nhiều sự kiện lễ hội đặc sắc và tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á (ABG5), Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race…
Đặc biệt, từ năm 2016, du lịch Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc, tạo được dấu ấn khi lần đầu tiên nhận danh hiệu Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á – là giải thưởng du lịch danh giá do Tổ chức du lich thế giới (Word Travel Award) trao tặng nhằm tôn vinh các thành tựu của điểm đến mang tầm quốc tế. Năm 2017, Đà Nẵng đã vinh dự được chọn đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC.
Năm 2022, Đà Nẵng đã xuất sắc vượt qua nhiều điểm đến nổi tiếng Bangkok (Thái Lan), Macao, Hong Kong, Thượng Hải, Trung Quốc, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore… để lần thứ hai vinh dự tiếp tục nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến hàng đầu châu Á” .
Năm 2022, Đà Nẵng đạt 04 danh hiệu, giải thưởng danh giá trong đó có 03 danh hiệu do các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng: (1) Tháng 5/2022, Đà Nẵng được xướng tên trong Top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang TripAdvisor công bố dựa trên sự bình chọn của du khách khắp nơi trên thế giới (Traveller’s Choice[1]) bởi các yếu tố về điểm đến thoải mái và thân thiện, có ẩm thực hấp dẫn, là nơi đáng để trải nghiệm văn hoá. Trang TripAdvisor còn gợi ý du khách khám phá danh thắng Ngũ Hành Sơn và thưởng thức đồ ăn đường phố. Đây là giải thưởng được TripAdvisor tổ chức hằng năm để tôn vinh các điểm lưu trú, điểm tham quan trên thế giới.
(2) Tháng 7/2022, Đà Nẵng vinh dự được xếp vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch tốt nhất Đông Nam Á năm 2022 tại Giải thưởng du lịch Asia’s Best Awards 2022 của tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure[2] (New York, Mỹ) với các tiêu chí đánh giá cho danh lam thắng cảnh, văn hoá, ẩm thực, sự thân thiện của người dân địa phương và mua sắm. Đây là một trong những thành tích đáng nổi bật của ngành du lịch thành phố khi chỉ vừa bắt đầu giai đoạn khôi phục với nhiều khó khăn và thách thức.
(3) Đến tháng 9/2022, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với danh hiệu Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022 tại Lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA). Đây là lần thứ 2 (từ năm 2016), thành phố Đà Nẵng đạt giải thưởng tại hạng mục này, góp phần ghi danh Đà Nẵng vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu. Trong năm 2022 và 2023, du lịch Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới bởi nhiều sự kiện mang tầm quốc tế đã được đăng cai tổ chức thành công như: Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, Lễ hội Khinh khí cầu 2022, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship, Lễ hội Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF , Lễ hội Tận hưởng mùa hè Enjoy Danang, Liên hoan phim Châu Á – Đà Nẵng …cùng với nhiều sự kiện, cuộc thi quốc tế khác. Các sự kiện thường niên đã được đổi mới, sáng tạo về nội dung, kịch bản, đầu tư về chất lượng hình ảnh, đa dạng các loại hình vui chơi – giải trí, hấp dẫn đông đảo người dân và du khách tham gia, trải nghiệm.
Cũng trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards 2022, Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng cũng tiếp tục khẳng định sức hút với 3 giải thưởng “Hệ thống cáp treo hàng đầu thế giới”, “Điểm du lịch hấp dẫn biểu tượng hàng đầu thế giới” và “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới” dành cho Cầu Vàng; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng) tiếp tục được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới”.
Tiếp đến, ngày 15/11/2023, Tạp chí Condé Nast Traveller (CN Traveller), tạp chí du lịch nổi tiếng chuyên dành cho phân khúc du lịch sang trọng, cao cấp có trụ sở chính tại Anh, đã công bố Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024. Để lọt vào danh sách này, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe của đội ngũ biên tập CN Traveller và các chuyên gia uy tín về du lịch trên toàn thế giới khi Đà Nẵng sở hữu nhiều cây cầu độc đáo như cầu Vàng, cầu Rồng, cầu sông Hàn và là “cây cầu” kết nối với phố cổ Hội An và cố đô Huế. Ngoài ra các trải nghiệm mới, các sự kiện, lễ hội, điều kiện về cơ sở hạ tầng của các khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng chính là một trong những lý do thuyết phục các chuyên gia du lịch trên toàn thế giới để bình chọn.
Năm 2023 được xem là năm bội thu về danh hiệu của du lịch Đà Nẵng, bên cạnh những giải thưởng trên, thành phố tiếp tục được bầu chọn là: Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023 trên trang Booking.com. Điểm đến đứng thứ 2 trong số điểm đến “du mục kỹ thuật số” (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới (theo Tạp chí du lịch Outlook Traveller) bởi Đà Nẵng có dịch vụ wi-fi miễn phí ở khu vực trung tâm thành phố với tốc độ Internet nhanh, phong cảnh tươi đẹp, không khí trong lành, khả năng xin thị thực dễ dàng, môi trường chính trị, an ninh công cộng cùng một số yếu tố khác. Tháng 2/2023, Thời báo NZ Herald News của New Zealand xếp hạng bãi biển Đà Nẵng là một trong những địa điểm lý tưởng trong kỳ nghỉ mát vào mùa hè…. Theo đó, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố biển sầm uất với dải cát dài, trắng mịn uốn lượn nhẹ nhàng trên bờ biển, phù hợp với nhiều người thích tắm nắng, có không gian rộng rãi cho mọi người gần trung tâm thành phố nhất. Trong đó bãi biển Mỹ Khê là nơi lý tưởng để đi dạo trên bãi cát và tham gia các môn thể thao dưới nước, Bãi biển Non Nước có làn nước trong xanh phẳng lặng, bãi biển Bắc Mỹ An có dãy resort 05 sao với không gian biển dành riêng cho du khách.
Tháng 2/2023 Biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á do trang Tripadvisor công bố. Đây là một phần giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best, vinh danh các điểm đến, khách sạn, nhà hàng. Kết quả dựa trên bình chọn của độc giả và chuyên gia khắp thế giới trong 12 tháng. Giải thưởng đạt nhiều tiêu chí do ban tổ chức đề ra như: Đà Nẵng xuất hiện trên Tripadvisor trong ít nhất một năm, có lượng bình chọn cao nhất. Theo đó, biển Mỹ Khê được đánh giá là nhộn nhịp nhất và quen thuộc với cả người dân lẫn du khách, khoảng cách di chuyển đến trung tâm thành phố ngắn, Mỹ Khê có cát mịn, độ dốc thoai thoải, nước trong và ấm quanh năm, sóng nhẹ, phù hợp để bơi lội và là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, sức hút của Đà Nẵng còn được khẳng định bằng sự tin tưởng và yêu thích lựa chọn của du khách trong nước và quốc tế khi lượng khách từ 1,3 triệu lượt (năm 2010) tăng lên 8 triệu lượt (năm 2019), tăng gấp 6 lần năm 2010 và phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 đạt 7,39 triệu lượt (phục hồi 92% so với 2019); trong đó lượng khách quốc tế từ 199 ngàn lượt năm 2010, tăng lên 3,2 triệu lượt (năm 2019), tăng gấp 16 lần so với 2010 và phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 đạt 1,98 triệu lượt (phục hồi gần 62% so với năm 2019).
ĐÀ NẴNG ĐÃ LÀM GÌ ?
Sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ ngành TW: Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 43-NQ/TW). Đây là văn kiện có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố phát triển trước chặng đường phát triển mới là giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Bộ Chính trị xác định “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên …”
Sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng hành của doanh nghiệp và người dân cùng tham gia phát triển du lịch. Thành phố tập trung quan tâm quy hoạch định hướng phát triển du lịch bền vững và đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua chiến lược quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể: Kế hoạch hành động số 10652/KH-UBND ngày 30/12/2017 của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; Chương trình số 38- CTr/TU ngày 31/01/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”; Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2030; – Kế hoạch số 2984/KH-UBND ngày 07/5/2020 của UBND thành phố về việc triển khai Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”; Quyết định số 3613/QĐ-UBND ngày 28/9/2020 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 3860/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16/11/2020 của UBND thành phố về phát triển du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025; – Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 19/10/2022 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND thành phố về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2024; Quyết định số 2936/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND thành phố về việc ban hành Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, trong đó thu hút được các nhà đầu tư chiến lược (như Sun Group, Vin Group, DHC, Alphanam, TMS Group, BRG Group, Sovico Holdings, Mikazuki…) đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo du lịch Đà Nẵng. Thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch với việc hoàn chỉnh hạ tầng xã hội hiện đại với đường sá, Nhà ga hành khách quốc tế – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (3.500 tỷ đồng), các công viên, vườn dạo, cải tạo cảng Sông Hàn thành cảng đón khách du lịch… Tính đến tháng 12 năm 2023, trên địa bàn thành phố có 16 khu, điểm du lịch, tăng 09 khu, điểm so với năm 2010; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46 ngàn phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40 ngàn phòng so với năm 2010.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng Intercontinenal, Hyatt, Sheraton, Marriotte, Pullman, Novotel, Mercure… được quản lý điều hành bởi các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới như IHG, Accor, Hilton …. Các khu, điểm tham quan, du lịch, công viên chủ đề được các nhà đầu tư tập trung phát triển gắn với các dịch vụ đặc sắc như Sun World Danang Wonder, Sun World Bà Nà Hills, Cầu Vàng độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, sân golf Bà Nà, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Khu du lịch Mikazuki Japanese Resorts & Spa, Công viên nước 365; 02 sân golf BRG; Cung hội nghị Ariyana[3]…
Các nguồn lực cho các hoạt động phát triển du lịch được huy động bao gồm ngân sách của thành phố (hỗ trợ cho các hoạt động tổ chức sự kiện, lễ hội, xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác, đào tạo…), nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư… Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và công bố Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố vào tháng 5/2020 và đang tiếp tục nghiên cứu hình thành Quỹ tổ chức sự kiện của thành phố.
Sản phẩm du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng có chiều sâu, đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, khẳng định vị thế của du lịch Đà Nẵng. Đà Nẵng phát triển sản phẩm du lịch tập trung theo các nhóm: sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng, định hướng chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp, hình thành trung tâm tổ chức sự kiện, hội nghị quốc tế. Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành 9 nhóm sản phẩm du lịch đang thực sự thu hút khách đến với Đà Nẵng, gồm: Du lịch lễ hội/sự kiện[4]; Du lịch văn hóa – lịch sử, vui chơi giải trí; Du lịch biển gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Du lịch về đêm; Du lịch đường thủy; Du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp; Du lịch MICE; Du lịch Golf; Du lịch Cưới.
Công tác truyền thông quảng bá điểm đến, xúc tiến khai thác thị trường liên tục được đổi mới, được thực hiện chuyên nghiệp, sáng tạo bằng nhiều hình thức và nội dung, kết hợp cập nhật thị hiếu du khách, xu hướng du lịch toàn cầu (truyền thông trên nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, báo chí trong nước và quốc tế, người nổi tiếng, kết hợp với các sự kiện xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến đường bay, đường biển, liên kết vùng, hợp tác quốc tế…). Trong đó, thương hiệu “Đà Nẵng FantastiCity” ra đời cùng với bộ nhận diện chung cho du lịch Đà Nẵng, các mascot, ứng dụng chat bot du lịch, ứng dụng Danang FantastiCity trên nền tảng di động; xây dựng MV ca nhạc Tuyệt vời Đà Nẵng và các video clip quảng bá đặc sắc góp phần không nhỏ định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí TW, địa phương đồng hành cùng với các hoạt động du lịch và các sự kiện, lễ hội của thành phố.
Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng và chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách. Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ và duy trì thực hiện các Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch; hàng năm tổ chức 20-30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực du lịch (tập trung vào tập huấn về thái độ phục vụ khách chuyên nghiệp, nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, quản lý khách sạn, e-tourism, nghiệp vụ du lịch tàu thuyền, lái xe, hướng dẫn viên, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho lao động tham gia kinh tế ban đêm, tập huấn Chế biến chuẩn bị món ăn vùng miền, kỹ năng bán hàng trực tuyến, tập huấn về chuyển đổi số, tập huấn nghiệp vụ nấu ăn – buồng phòng phục vụ trong du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn…). Định kỳ tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động ngành du lịch để đưa ra kế hoạch đào tạo phù hợp. Tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề cho nhân viên lễ tân, buồng phòng, đầu bếp, hướng dẫn viên… Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế cho nguồn nhân lực du lịch; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, liên kết đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp. Tiếp tục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch theo nhiều hình thức; duy trì trang website e-learning daotaodulichdanang.com; phối hợp với Hiệp hội du lịch và các hội thành viên tổ chức các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, Sở Du lịch định kỳ tham mưu UBND thành phố tổ chức các tọa đàm để trao đổi, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân lực du lịch.
Môi trường du lịch được đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác cứu hộ, cứu nạn. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của thành phố 5 không 3 có, 4 an. Đà Nẵng đã luôn đi đầu trong các mô hình nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hướng đến điểm đến thân thiện với hệ thống nhà vệ sinh công cộng được đầu tư hoàn thiện, dự án nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà” (Comfort as home) tại các khu vực tập trung đông du khách được đánh giá cao; tổ chức nhiều đợt ra quân hàng năm dọn vệ sinh, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, được quan tâm thực hiện. Trung tâm hỗ trợ du khách đã hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ trung bình 40 – 50 ngàn lượt du khách hàng năm với hàng ngàn cuộc gọi, email, tin nhắn từ du khách. Tổ phản ứng nhanh du lịch triển khai tốt nhiệm vụ từ khi được thành lập vào năm 2016 đến nay, đã tiếp nhận trung bình hàng năm gần 100-150 cuộc gọi phản ánh từ tổ chức, công dân và du khách và đã phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ, xử lý kịp thời; thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh chưa đúng quy định, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, chống thất thu thuế, quản lý hoạt động người nước ngoài. Công tác cứu hộ cứu nạn được tích cực đảm bảo với hàng chục trường hợp du khách đuối nước tại các bãi biển du lịch, đi lạc tại bán đảo Sơn Trà được cứu vớt, hỗ trợ tìm kiếm kịp thời.
Tầm nhìn đến năm 2045 – hướng đến Đà Nẵng trở thành Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á, là một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung triển khai theo các định hướng, giải pháp chính:
- Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững. Phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng: ven Bờ Đông, Vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông, sinh thái phía Tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm/dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển hình thành 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm du lịch chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục).
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch cho thị trường nội địa và thị trường quốc tế; trong đó, khôi phục lại và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, Mỹ và Bắc Âu, xúc tiến khai thác thêm một số thị trường mới: Trung Đông, Kazaktan, Uzerbekistan…
- Mở rộng quy mô ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động quản lý và khai thác du lịch. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch. Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch. Đảm bảo môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
[1] Travellers’ Choice (bình chọn của khách du lịch) là giải thưởng được TripAdvisor tổ chức hằng năm để tôn vinh các điểm lưu trú, tham quan và nhà hàng với chất lượng dịch vụ xuất sắc. Ngoài việc đánh giá trên toàn thế giới, giải thưởng chia danh sách theo các khu vực châu Á, châu Âu, Mỹ, Nam Thái Bình Dương dựa trên các tiêu chí như: điểm đến tạo xu hướng, điểm đến mới nổi, điểm đến cho người mê ẩm thực, người mê hoạt động ngoài trời… Kết quả cuối cùng dựa trên chất lượng và số lượng bình chọn của hàng triệu người dùng từ khắp nơi trên thế giới.
[2] Travel & Leisure là tạp chí du lịch hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York, Mỹ với hơn 16 triệu lượt độc giả mỗi tháng. Giải thưởng Asia’s Best Awards 2022 do tạp chí Travel & Leisure phiên bản Đông Nam Á giới thiệu lần đầu tiên với công chúng vào tháng 3/2022, giúp du khách trên toàn thế giới có những lựa chọn tốt nhất về các điểm đến, các khu điểm lưu trú, dịch vụ du lịch…, đặc biệt khi các đường biên giới đã mở cửa trở lại.
[3] Radisson Hotel Danang, Le Sands Oceanfront Danang, Nesta, Gold Plaza Đà Nẵng, Cordial Grand, khách sạn Fusion, Golden Lotus Grand, Wink hotel Danang Centre, Wink Hotel Trần Hưng Đạo, Hilton Garden Inn, Mangata Beachfront, Golden Lotus Luxury, Voco Ma Belle Danang, Mercy Emerald Hotel…
[4] Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã thu hút khoảng hơn 942 ngàn lượt khách, tăng 29% so với dịp Lễ hội pháo hoa năm 2019, riêng tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong 5 ngày cao điểm diễn ra sự kiện đạt khoảng 321,7 nghìn lượt; Lễ hội Tận hưởng mùa hè đã tạo cú hích kích cầu du lịch hè với gần 782 nghìn lượt khách lưu trú trong tháng 7/2023, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022; Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2023 thu hút hơn 38.000 lượt khán giả theo dõi trực tuyến; Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 đã đón 9.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới).