Địa chỉ: Xã Hòa Tiến, Huyện Hòa Vang, T.P Đà Nẵng
Giá: Miễn phí
Thời gian tham quan: 01h00
Chi tiêu bình quân: Miễn phí
Tổng quan:
Làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía Tây-Nam, nằm giữa một vùng đồng bằng do phù sa sông Cẩm Lệ bồi tạo nên. Chẳng những người quanh vùng mà cả người ở xa tận Huế, Đông Hà ngoài Quảng Trị cũng biết cái tên của làng quê nhỏ bé này : Làng Cẩm Nê. Bởi làng có nghề dệt chiếu truyền thống và nổi tiếng từ nhiều đời nay
Theo nhiều tài liệu thì nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa, được truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỷ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sát nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam- Đà Nẵng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bị cạnh tranh gay gắt, nghề chiếu Cẩm Nê vẫn tồn tại và phát triển đến nay.
Khám phá:
Các làng nghề thường gắn liền với vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất, thế nhưng ở Cẩm Nê không có chỗ nào trồng cây đay và lác (cói) – nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt chiếu. Do đó, người dân Cẩm Nê phải đi đến các vùng khác để thu mua nguyên liệu.
Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Chiếu trơn dệt loại lác dài không chắp, sợi nhỏ bán đắt tiền hơn loại dệt lác chắp, dệt hai sợi lác ngắn tiếp nối nhau. Loại chiếu trơn trắng này dùng loại lác phơi khô vừa phải, khi khô còn ửng màu xanh, đem vào dệt. Chiếu dệt xong đem phơi nắng, vừa để cho lá chiếu trắng sáng bóng, vừa cho khô giòn những đầu thừa thòi ra trên mặt lá chiếu của sợi lác, sợi đay, để dùng dao sắc, phạt cho đứt hết.
Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo người chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng, màu ngại …Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem chiếu hoa.
Một công phu của nghề dệt chiếu là chọn cây để làm khổ và thoi dệt. Phải chọn cây nào thật thẳng, nhẹ và bền. Vùng Cẩm Nê, người ta thường dùng cây cau già để làm khổ và thoi dệt. Hai người, một người giữ khổ, một người cầm thoi, dệt liên tục trong mười tiếng đồng hồ được một đôi rưỡi hoặc hai đôi chiếu, tùy loại đó là chiếu hoa hay chiếu trơn, khổ rộng hay khổ hẹp. Chiếu dệt xong đem trải khắp sân, khắp vườn, phơi để cho chiếu nguội và hoàn tất một phần công việc cuối cùng :ghim các đầu dây đay để cho các sợi lác hai đầu chiếu khỏi bung ra. Công việc này cũng phải khéo tay và có cặp mắt mỹ thuật, không thì chiếc chiếu sẽ lệch.
Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay tại làng thông qua bán buôn. Giá cả đa dạng tuỳ theo kích cỡ. Chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Ngày nay, chiếu làng Cẩm Nê đang gặp khó khăn với sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề dệt chiếu truyền thống Cẩm Nê, người dân nơi đây giúp nhau kinh nghiệm, giúp vốn và nhất là sản phẩm làm ra phải có uy tín về mẫu mã, chất lượng và hiệu quả sử dụng thì mới tồn tại và phát triển được .