Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại phiên toàn thể Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề ‘Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển’ chiều ngày 25-12.
Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, tính đến ngày 24-11 nước ta đã tiêm mũi 1 cho hơn 98% dân số trên 18 tuổi và trên 86% người đã tiêm mũi 2. Trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt bao phủ 79%.
Sau các đợt bùng phát dịch, hệ thống y tế cơ sở, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin (người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin) của 77 quốc gia và đề nghị các nước công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam.
Với những cơ sở dữ liệu trên, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng hướng dẫn các hãng hàng không, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch các giải pháp thay đổi theo từng cấp độ dịch.
Theo ông Tuyên, từ ngày 1-1-2022 sẽ bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, có xét nghiệm RT-PCR âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly, mà chỉ theo dõi sức khỏe 3 ngày tại nơi lưu trú.
Với du khách chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm vắc xin sẽ cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7. Trong thời gian cách ly sẽ được tiêm miễn phí.
Là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách du lịch sử dụng hộ chiếu vắc xin, ông Nguyễn Lưu Trung – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết đến nay tỉnh này đã có 3 chuyến bay đón hơn 400 du khách quốc tế đến du lịch theo hình thức khép kín và được du khách đánh giá hài lòng về chất lượng dịch vụ.
Theo ông Trung, chủ trương thí điểm đón khách du lịch của Bộ Chính trị theo nghị quyết 128 là đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện định hướng mở đường khôi phục ngành du lịch sau thời gian dài bị đóng băng.
“Qua các đợt đón khách du lịch vừa qua, chúng tôi thấy còn một số tồn tại như tâm lý e ngại dịch bệnh của một số người dân và doanh nghiệp, ứng dụng cài đặt khai báo y tế khi xuất nhập cảnh chưa thống nhất.
Chúng tôi kiến nghị cho mở rộng phạm vi đón khách đường biển, đường bộ, cho phép khai thác thị trường ngoài nước, đưa khách du lịch Việt Nam tới các thị trường đã có khách tới Việt Nam, giảm thủ tục cho doanh nghiệp lữ hành, rà soát quy định cách ly y tế đối với khách du lịch…”, ông Trung nói.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, người lao động hoạt động du lịch chịu tác động do dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và hiện tại đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở hai định hướng để phục hồi và phát triển du lịch nhằm thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”: thứ nhất là đẩy mạnh du lịch nội địa, du lịch dân gian hướng tới phát triển du lịch cộng đồng; thứ hai là khẩn trương số hóa nguồn tài nguyên văn hóa du lịch…
“Các doanh nghiệp lớn và địa phương phải bắt tay liên kết, đầu tư giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn văn minh, thế giới vào tận vùng sâu vùng xa”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: chúng ta mở cửa để đón khách quốc tế khôi phục và phát triển du lịch nhưng không được nóng vội, mà cần có lộ trình từng bước chắc chắn.
“Mở ra đóng vào không tốt bằng làm chắc chắn rồi mới mở. Muốn vậy, chúng ta phải tiêm vắc xin mũi 3 cho thật nhanh, gọn. Khách du lịch nếu có rủi ro lây nhiễm phải có thuốc men, y tế sẵn sàng”, Phó thủ tướng yêu cầu.