Chợ Cồn Đà Nẵng là một trong những khu chợ lớn nhất ở Đà Nẵng, chợ Cồn tọa lạc tại ngã tư đường Quang Trung và Ông Ích Khiêm, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
TỔNG QUAN
Chợ Cồn có quy mô lớn gồm 1 dãy nhà 3 tầng, 2 dãy nhà 2 tầng, 6 khu nhà cấp 4. Tên gọi chợ Cồn được bắt nguồn từ khi mới lập chợ, lúc đó chợ được xây trên một cồn cát, người dân gọi là “chợ Cồn”, dần dần thành tên chính thức như ngày nay.
Cũng giống như chợ Hàn, chợ Cồn có các mặt hàng rất đa dạng, từ quần áo, đồ dùng gia đình cho tới đặc sản địa phương, các món ăn, trái cây tươi, đồ khô, hải sản… Tuy nhiên, nổi bật nhất ở chợ Cồn có lẽ là mảng ẩm thực. Khu ẩm thực chợ Cồn bao gồm 2 khu: khu trong chợ và khu ngoài chợ. Khu ẩm thực trong nhà được gọi là Food Court, được chia thành dãy nhìn gọn gàng và sạch sẽ.
Du khách có thể thưởng thức thoải mái các món ngọt ở dãy đồ ngọt như sinh tố, chè, trái cây dầm… hoặc thỏa thuê ăn đồ mặn bên dãy đồ mặn với các món như bánh bèo, bánh xèo, bánh căn, ốc hút, mì quảng… Khu ẩm thực ngoài trời được gọi là Street Food với các hàng ăn nằm san sát nhau rất đông đúc. Ở khu này, du khách có thể thấy rất nhiều món ăn vặt được yêu thích của Đà Nẵng như bánh canh, mì quảng, chè chuối, bánh bột lọc, ram cuốn cải, mực nướng…
Ngoài ra, chợ Cồn còn có khu thực phẩm khô, bày bán các loại như khô mực, tôm khô, khô cá, các loại mắm… Khách du lịch thường ghé khu này để mua đặc sản về làm quà.
LỊCH SỬ CHỢ CỒN
Trên các hình ảnh xưa của Đà Nẵng trước năm 1975 thì chợ Cồn là một địa điểm kinh tế – văn hóa tiêu biểu. Chợ Cồn được lập trên một cồn cát cao hơn so với xung quanh vào những năm 1940, với các gian hàng tạm bợ. Tuy nhiên, chợ Cồn chính thức nổi lên khi được xây dựng mới thời kỳ Ngô Đình Diệm và sau đó gắn liền với “ngã tư quốc tế” Đà Nẵng sôi động một thời.
Xây dựng chợ Cồn trước năm 1975
Đến năm 1957, chợ Hàn – một chợ lớn ở trung tâm Đà Nẵng bị quá tải nhưng vẫn chưa có chợ khác được xây cất để phân luồng hoạt động nội thương. Trong chương trình hoạt động 5 năm 1962-1966 của thành phố Đà Nẵng cho biết: “trước 1958 ở nội ô Đà Nẵng có một chợ chính là chợ Hàn, chợ này đã lập lâu năm sau này quá hẹp. Năm 1958 để giải tỏa chợ Hàn, thành phố đã xây dựng chợ Cồn được chia ra từng đợt và đã xây cất 2 đình chợ bằng vật liệu nhẹ. Năm 1960, chương trình khuếch trương kinh tế có cấp ngân khoảng 1.000.000 đồng làm hệ thống mương cống”[1]. Như vậy, năm 1956, trước tình trạng chợ Hàn bị quá tải kéo dài trong nhiều năm, Tòa thị chính Đà Nẵng phải tìm cách khắc phục khi đề nghị lập một khu mới của chợ Hàn cách khu cũ 200m nhưng không được thực hiện. Đến năm 1958, để giảm tải chợ Hàn thì chợ Cồn chính thức được Toà thị chính Đà Nẵng quyết định đầu tư xây dựng với hai đình chợ bằng vật liệu nhẹ, nằm về phía tây tây bắc và cách chợ Hàn khoảng 1 km trên cơ sở “chợ Cồn” tạm trước đó.
Khi chợ Cồn chính thức được đầu tư xây dựng lần đầu tiên và hoạt động được 4 năm 1958-1962, với quy mô nhỏ hơn chợ Hàn gồm hai dãy nhà chính. Đến lúc này, chợ Cồn cũng bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải khi dân số ở các khu vực xung quanh ngày càng tăng trước sự mở rộng và phát triển của đô thị Đà Nẵng. Trước tình hình đó, Tòa thị chính Đà Nẵng trong chương trình hoạt động năm 1962 đề ra mục tiêu xây dựng và hoàn thành chợ Cồn vào năm 1966. “Để tương xứng với một thành phố lớn, việc xây cất chợ Cồn được chia ra từng đợt như sau: Năm 1962: Không dự trù. Năm 1963: Xây cất một nửa chợ: 4.000.000 đồng. Năm 1964: Không dự trù. Năm 1965: Xây cất một nửa chợ còn lại: 4.000.000 đồng. Năm 1966: Xây thêm cống rãnh và trang bị điện nước và các gian hàng bên trong: 2.000.000 đồng”[2]. Chương trình này của Đà Nẵng đã hoàn thành như kế hoạch đề ra. Đến năm 1966, chợ Cồn có quy mô lớn hơn chợ Hàn và có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế nội thương của Đà Nẵng. Từ đó, chợ Hàn và chợ Cồn có những đặc điểm riêng và hỗ trợ cho nhau trong hoạt động buôn bán và lưu thông hàng hóa, trở thành một trục quan trọng nhất trong hệ thống chợ Đà Nẵng.
Tiếp theo đó, trong chương trình kiến thiết năm 1972, để nâng đỡ giới lao động và tiểu thương, Tòa thị chính Đà Nẵng thực hiện các dự án lớn; trong đó xây cất, kiến thiết chợ Cồn là ưu tiên số 1; kiến hiết chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa là ưu tiên số 2[3]. Năm 1972, nguồn lợi thu được tại các chợ của Đà Nẵng như sau: “Chợ Cồn: 1971 là 12.864.000 đồng, 1972 là 14.580.000 đồng. Chợ Hàn: 1971 là 7.224.000 đồng, 1972 là 5.280.000 đồng. Chợ Hòa Thuận: 1971 là 4.563.600 đồng, 1972 là 5.406.000 đồng. Chợ An Hải: 1971 là 4.572.000 đồng, 1972 là 5.124.000 đồng”[4]. Năm 1971, chợ Cồn có nguồn lợi gần hai lần chợ Hàn, năm 1972 thì gần ba lần chợ Hàn. Chợ Cồn trở thành chợ lớn nhất thành phố Đà Nẵng nhờ vị trí thuận lợi của mình trong lòng Đà Nẵng trước năm 1975[5].
Câu chuyện tái thiết chợ Cồn trước và sau năm 1975
Sau khi quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam, trong đó Đà Nẵng là đô thị lớn thứ 2 sau Sài Gòn thì chợ Cồn cùng với ngã tư quốc tế trở thành một địa điểm nhộn nhịp bậc nhất thành phố. Lúc này, dân số Đà Nẵng giai đoạn 1965-1971 tăng lên rất nhanh chóng từ 164.274 người năm 1965 tăng lên 430.639 người năm 1971[6], mở ra nhu cầu tiêu thụ hàng hoá lớn. Đến năm 1973 thì “sinh hoạt của chợ này hết sức tập nập, hằng ngày có từ 5.000 đến 10.000 người mua bán tại đây. Có thể nói chợ Cồn là nơi tập trung tất cả mọi dịch vụ mua bán không những cho thị xã Đà Nẵng mà còn cho các tỉnh thuộc Quân khu I”[7].
Bởi vì sự nhộn nhịp như vậy, cần đầu tư xây dựng chợ Cồn thành một trung tâm thương mại lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ. Năm 1972, theo sáng kiến của Hội đồng thị xã Đà Nẵng muốn biến ngôi chợ cũ xây cất đã gần 20 năm thành một trung tâm thương mại tối tân, có đầy đủ tiện nghi để có thể chứa 20 ngàn người buôn bán bằng cách kêu gọi tư nhân bỏ vốn đầu tư. Ngày 17-6-1972, Tòa Thị chính Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 104-HCTQ/I thành lập Ủy ban Tái thiết chợ Cồn gồm có 5 nghị viên trong Hội đồng thị xã, 5 đại diện các cơ quan chuyên môn, 2 đại diện nghiệp đoàn, để nghiên cứu kế hoạch và phương thức tái thiết Chợ Cồn cho thích ứng với nhu cầu hiện tại và tương lai.
Ngày 7-10-1972, Ủy ban Tái thiết chợ Cồn đệ trình Tòa Thị chính Đà Nẵng dự thảo thông cáo kêu gọi các nhà đầu tư tham gia công tác tái thiết Chợ Cồn và đã được Tòa Thị chính ban hành Thông cáo số 247-HC/2 ngày 29-10-1972 kêu gọi tư nhân bỏ vốn đầu tư. Theo đó, hồ sơ của hai ông Trần Văn Thật và Lê Bá Khiêm trúng thầu: “Chợ gồm 1.794 gian hàng rộng 2 x 2m. Giá nhượng cho bạn hàng: từ 60.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi gian hàng tùy theo địa điểm và cho bạn hàng trả góp làm 4 đợt. Thời hạn xây cất 8 tháng. Tổng cộng số tiền nhà thầu thu lại: 325.000.000 đồng. Trước khi khởi công, nhà thầu sẽ xây cất 1 ngôi chợ tạm để bạn hàng có chỗ buôn bán. Khi xây cất xong, chợ mới sẽ được giao ngay cho thị xã làm sở hữu chủ và thâu hoa chi”[8].
Tuy nhiên qua năm 1973, hai ông Trần Văn Thật và Lê Bá Khiêm xin điều chỉnh thiết kế và Hội đồng thị xã đã chấp thuận, với những điểm khác biệt với các đề nghị đưa ra lúc dự đấu: “Tăng giá nhượng lại gian hàng từ 325.000.000 đồng lên đến 763.750.000 đồng (tăng 135%)”[9]. Chính vì việc điều chỉnh này đã gây ra trình trạng khiếu nại của các nhà thầu khác và dư luận không hay. Cuối cùng, kế hoạch tái thiết được đề ra đầu năm 1973 vẫn không được thực hiện và đến năm 1975 chợ Cồn vẫn trong trình trạng như cũ.
Đến tháng 12-1984, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng (cũ) đã chủ trương xây dựng, tái thiết lại chợ Cồn được – là một công trình trọng điểm kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng[10]. Công trình bao gồm một dãy nhà 3 tầng, hai dãy nhà 2 tầng, một khu nhà cấp 4 với diện tích 14.000 m2. Sau 4 tháng thi công, ngày 27-3-1985, chợ Cồn được khánh thành với tên mới: Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng. Tuy nhiên, tên “chợ Cồn” đã in sâu vào trong trái tim của người dân Đà Nẵng, do vậy, để phù hợp với tên gọi quen thuộc, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 quyết định đổi tên Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng thành chợ Cồn[11].
Việc đổi tên chợ Cồn thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng theo quan điểm nỗ lực tìm cách đầu tư chợ Cồn theo hướng hiện đại với nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế dân sinh, tạo cực tăng trưởng mới cho trung tâm đô thị cũ Hải Châu – Thanh Khê. Tuy nhiên, qua khảo sát tiểu thương cho thấy, đa phần muốn giữ lại chợ Cồn thay vì xây mới trung tâm thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy ý kiến tiểu thương cho thấy thành phố có hướng tiếp cận đúng, đặt tiểu thương làm chủ thể – người chủ thật sự của chợ. Điều này rất cần thiết để tránh lặp lại bài học “chủ quan, duy ý chí, thiếu thực tế” ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn. Đó là đầu tư chợ mới hàng chục tỉ đồng nhưng tiểu thương không vào chợ vì chợ mới không phù hợp vị trí, phương án kinh tế của tiểu thương, thói quen mua sắm và nhất là thay đổi sự ổn định vốn rất cần cho kinh doanh.
[1] Chương trình hoạt động 5 năm 1962-1966 của thành phố Đà Nẵng. Hồ sơ 21123. Phông ĐICH. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Chương trình hoạt động 5 năm, đã dẫn.
[3] Hồ Hàng (1972), Phát triển thị xã Đà Nẵng, Luận văn tốt nghiệp, Đốc sự 17, 1969-1972, Học viện Quốc gia hành chính, tr.50.
[4] Ngọc Đà (1971), Đà Nẵng trên đường xây dựng, 1969-1971.
[5] Chợ Cồn cùng với Nhà hát Trưng Vương, Ngã tư Quốc Tế đã trở thành nơi ghi dấu kỷ niệm một thời của những người dân Đà Nẵng trước năm 1975.
[6] Cụ thể từng năm như sau: năm 1965: 164.274; năm 1966: 228.035; năm 1967: 269.087; năm 1968: 314.532; năm 1969: 398.627; năm 1970: 411.932; năm 1971: 430.639. Theo Ngọc Đà (1971), đã dẫn, tr.50.
[7] Trần Gia Hiếu (1973), Vấn đề phát triển thị xã Đà Nẵng, Luận văn tốt nghiệp, Học viện quốc gia hành chính, Đà Lạt, tr.66.
[8] Tờ trình của Giám đốc Nha tài nguyên công sản quốc gia gửi Tổng Thư ký Bộ Tài chính ngày ngày 23-11-1973. Hồ sơ 714. Phông Nha Tài nguyên công sản. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Tờ trình của Giám đốc Nha tài nguyên công sản quốc gia gửi Tổng Thư ký Bộ Tài chính ngày ngày 23-11-1973. Hồ sơ 714, đã dẫn.
[10] Cùng với phá bỏ toàn bộ cấu trúc chợ Cồn cũ, xây dựng mới thành “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng”, thì thành phố Đà Nẵng có 2 công trình nữa là: xây dựng tượng đài “Mẹ dũng sĩ Thanh Khê” trên đường Điện Biên Phủ; xây dựng Vườn hoa Diên Hồng; chỉnh trang Công viên 29-3. Riêng chợ Cồn, từ năm 1979 đến cuối năm 1982, thành phố thực hiện gần 2 triệu đồng đầu tư xây dựng 700m cống thoát nước đường chợ Cồn và Thanh Sơn.
[11] Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 về đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 1, năm 2012.
Nguồn tham thảo:
Trang thông tin điện tử Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng: https://socongthuong.danang.gov.vn/
Trang thông tin điện tử thành uỷ Đà Nẵng: https://dangbodanang.vn/
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG