Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Đà Nẵng, Chợ Hàn là một trong những khu chợ lớn nhất ở Đà Nẵng.Nơi đây tập trung đầy đủ tất cả những mặt hàng phục vụ cho người dân lẫn khách du lịch. Hàng hóa ở đây luôn tươi ngon và hấp dẫn.
TỔNG QUAN
Chợ Hàn là nơi thuận tiện về giao thông đường bộ và đường thủy, lại được người Pháp chú trọng đầu tư nên đã có chiều dài lịch sử khá phát triển. Ngày nay, chợ Hàn với vị trí trung tâm thành phố, gần cầu quay sông Hàn, bốn mặt tiếp giáp bốn đường phố lớn: Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Chợ Hàn là địa chỉ mua sắm lớn, quen thuộc không chỉ với người dân mà còn cả du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng.
Năm 1990, chợ Hàn được xây mới hoàn toàn với hai tầng khang trang trên nền diện tích 3.000 m2. Kiến trúc chợ đẹp và thoáng cùng cách bố trí các kios đi theo ngành hàng một cách gọn gàng, ngăn nắp tạo thuận lợi cho người tham quan, mua sắm. Hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ, xe du lịch tấp nập đổ khách xuống tham quan, mua sắm. Cả khu vực chợ là một khung cảnh mua bán sôi động nhưng vẫn đảm bảo trật tự, ngăn nắp, rất ít tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi mua bán.
Chợ Hàn bày bán rất đa dạng các mặt hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, vải vóc đến quà lưu niệm…Đặc biệt, chợ nổi tiếng với áo dài Việt Nam may và lấy liền trong vòng hơn nửa giờ và các mặt hàng thực phẩm, hải sản tươi sống, trái cây và các loại mắm, hàng khô đặc trưng của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung được du khách rất ưu thích lựa chọn. Đến với chợ Hàn, người dân và du khách có thể yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như văn minh thương mại. Đến chợ Hàn, người ta không chỉ được mua sắm, lựa chọn những món hàng ưng ý mà còn được giao lưu, trò chuyện, đồng thời trải nghiệm cuộc sống thường ngày mang nét đặc trưng lịch sử, văn hóa của thành phố bên sông Hàn.
LỊCH SỬ CHỢ HÀN
Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư được lập vào thế kỷ XVII, ghi rõ lộ trình từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam như: “Ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng (tức chợ Hàn), trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An”. Cùng với đó, tấm bia chùa Long Thủ do ông Lê Gia Phước người xã Hải Châu khắc vào năm 1657, thì xã Hải Châu tồn tại cùng thời với chợ Hàn. Đầu thế kỷ XIX, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí đã đề cập đến chợ Hải Châu (chợ Hàn), phía Đông của chợ là bờ sông Hàn.
Tuy vậy, đến khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp vào cuối thế kỷ 19, thì chợ Hàn mới bắt đầu được người Pháp xây dựng kiên cố với các đình chợ và kios để bán cho các hộ tiểu thương. Hàng hóa buôn bán ở chợ Hàn thời Pháp thuộc, được chia làm hai khu vực, khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ nằm dọc hai bên chợ Hàn, chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực với quy mô lớn, tập trung những cửa hàng, cửa hiệu độc lập của tư nhân người Hoa và một ít của người Việt. Bên cạnh đó, người Pháp cũng xây dựng ga xe lửa trung chuyển Tourane Marché (Ga chợ Hàn) để cho chuyên chở hàng hóa đến ga chính của thành phố. Năm 1990, chợ Hàn được xây mới hoàn toàn với hai tầng khang trang trên nền diện tích 3.000 m2.
Trích lược bài viết từ Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG
Xem bản đồ