(50nam.danang.gov.vn) Hoàng Sa không chỉ là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là ký ức không thể phai mờ trong lòng những người từng gắn bó với vùng biển đảo này. Những câu chuyện về một thời gian khó nhưng kiên cường vẫn được kể lại, như những trang sử sống động về lòng yêu nước. Và dù thời gian trôi qua, vẫn có những con người âm thầm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền bằng nỗ lực bền bỉ, lan tỏa ngọn lửa yêu nước đến muôn đời sau.
Mong ước trở lại Hoàng Sa
Một sáng đầu năm se lạnh. Bên những kỷ vật nhuốm màu thời gian, trong căn nhà nhỏ của mình, ông Huỳnh Văn Thính (quận Cẩm Lệ) – nhân chứng từng công tác tại huyện đảo Hoàng Sa đưa chúng tôi quay về với những ký ức của gần chục năm về trước, khi ông sinh sống, làm việc trên đảo Hoàng Sa – nơi luôn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Thính bồi hồi nhớ lại, năm 1964, ông nhận lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào trung đội lính Hoàng Sa làm nhiệm vụ tại đảo Hoàng Sa. Hồi đó đi ra đảo, bản thân ông mới 20 tuổi, còn trẻ lắm nhưng hình ảnh và cuộc sống trên những hòn đảo của Hoàng Sa ngày ấy vẫn in đậm trong tâm trí của ông, thành một phần ký ức không thể nào quên.
“Trong con mắt của một đứa trẻ lần đầu được ra đảo Hoàng Sa, dĩ nhiên cái gì cũng lạ lẫm. Hồi ấy, vừa đặt chân đến đảo, tôi phải choáng ngợp trước thiên nhiên nơi đây. Ngày rời đảo, tôi mang theo vô số kỷ vật. Giờ nhìn lại, tôi mới biết rằng, bản thân mình đã góp phần lưu giữ những bằng chứng quan trọng về việc khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa”, ông Thính chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thính xúc động kể về những kỷ niệm ngày còn sống và làm việc tại Hoàng Sa
Cũng như ông Thính, trong tâm trí của ông Phạm Thọ (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), Hoàng Sa là một phần máu thịt thân yêu của Tổ quốc, ký ức về nơi đây với ông có một vị trí đặc biệt và vẫn luôn vang vọng qua thời gian.
Ông Thọ kể, năm 1969, ông đi lính Địa phương quân, khi ấy ông mới 19 tuổi. Cuối năm 1969, ông được cử ra canh phòng quần đảo Hoàng Sa (đóng tại đảo Hoàng Sa – Pattle). Ông có tên trong danh sách trung đội Hoàng Sa 38 (dự trù thay quân ngày 15/10/1969) gồm 35 người do chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng.
“Sống giữa biển, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng với tình yêu Tổ quốc và biển đảo, tôi và đồng đội đã vượt qua mọi trở ngại, sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời nơi đầu sóng”, ông Thọ nói.
Xúc động khi nhắc đến những người đồng đội cũ, ông Thọ rưng rưng: “Hoàng Sa luôn trong trái tim tôi và những đồng đội nằm ở đó, tôi ao ước một ngày nào đó sẽ được trở lại Hoàng Sa để nhìn lại một phần ký ức, một phần tuổi trẻ của mình rồi nhắm mắt mới yên lòng. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay phải luôn ghi nhớ Hoàng Sa mãi mãi là đảo tiên của Tổ quốc, là máu xương của cha ông, gắn liền với ký ức lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Người giữ lửa Hoàng Sa
Nhắc đến Hoàng Sa, người ta thường nhớ ngay đến một vị lãnh đạo tận tâm, một con người trọn đời trăn trở với chủ quyền biển đảo. Đó là nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ – người đã đặt nền móng cho nhiều công trình nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, tổ chức triển lãm trong và ngoài nước, xây dựng các kỷ yếu về Hoàng Sa.
Ông Ngữ vẫn luôn tâm niệm: “Ông cha ta đã giao, lịch sử đã giao, thì chúng ta phải tiếp tục nối bước để đòi cho được chủ quyền của Việt Nam, ít nhất trên mặt luật pháp quốc tế, bằng những biện pháp hòa bình,”. Thời điểm ông mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa khi đó vẫn chỉ là một cái tên trên bản đồ, là những trang tư liệu lịch sử rời rạc, là những ký ức nhạt nhòa của những người từng sống, từng làm việc ở đó.
Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ
Ông hiểu rằng muốn gìn giữ Hoàng Sa, không chỉ là vấn đề địa chính trị, mà còn là trách nhiệm của những người làm công tác lưu giữ lịch sử.
Nhà trưng bày Hoàng Sa – Nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, nhất là thế hệ trẻ về những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Dưới nhiệm kỳ của mình, việc sưu tầm tư liệu, tổ chức triển lãm, tìm gặp nhân chứng sống được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Những chuyến đi không biết mệt mỏi đã đưa ông cùng những cộng sự đến với những con người đã từng gắn bó với Hoàng Sa – những ngư dân, cựu binh, những người từng công tác trên quần đảo này.
Ông lắng nghe, ghi chép, thu thập từng mẩu chuyện, từng bức ảnh, từng tờ tài liệu để dựng nên bức tranh toàn diện về chủ quyền Hoàng Sa trong dòng chảy lịch sử.
Trước khi nghỉ hưu, một trong những việc ông quyết tâm thực hiện là đến viếng gia đình cố Trung tá Ngụy Văn Thà – Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, người đã tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Ông cũng tìm đến gia đình cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, người bị thương nặng và mất trên bè cứu sinh.
Ông không chỉ đến để thắp nén nhang tri ân, mà còn để nói với họ rằng sự hy sinh ấy không bị lãng quên. “Chúng ta có thể mất Hoàng Sa vào tay kẻ khác, nhưng trong trái tim những người yêu nước, Hoàng Sa chưa bao giờ mất.” Ông từng nói như vậy trong một buổi trò chuyện.
Dù không còn đương chức, ông Ngữ vẫn dõi theo từng bước đi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Những nỗ lực trong quá khứ của ông không chỉ là trách nhiệm công việc, mà còn là tâm huyết cả đời.
Ông tiếp tục tham gia các hội thảo, diễn đàn để góp tiếng nói về chủ quyền Hoàng Sa. Với ông, trách nhiệm ấy không chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà là bổn phận chung của mọi người Việt Nam. Như ông từng nói: “Những trăn trở của tôi không phải là trăn trở của riêng cá nhân mình, mà phải là câu hỏi của mỗi người, ở mọi vị trí công tác, vì trách nhiệm đối với Tổ quốc.”
THEO CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
https://danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=63093&_c=3