Chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam: “Hồn Việt” nhằm làm phong phú và đa dạng sản phẩm du lịch địa phương đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng như giới thiệu giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước.
ĐỘC ĐÁO CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM: “HỒN VIỆT”
Thời gian biểu diễn:
- 19h45 các ngày trong tuần
- 17h30 Chủ nhật
- Thứ Năm nghỉ
Giá vé công bố tại nhà hát
- * 300.000đ / vé – áp dụng cho cả khách Việt Nam và Quốc Tế
Liên hệ mua vé tại:
- Phòng Hành chính Tổng hợp: 02363.561292
- Ms Nhung: 0975393006
“Hồn Việt” là chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và vùng Quảng Nam – Đà Nẵng. Nội dung và phương thức biểu diễn dựa vào nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, đồng thời lồng ghép những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc trưng của các vùng miền khác.
Chương trình diễn ra trong 60 phút với 7 tiết mục được lựa chọn và dàn dựng chuyên nghiệp, “Hồn Việt” sẽ giới thiệu đến cho khán giả những nét tinh túy của nghệ thuật Tuồng truyền thống thông qua các trích đoạn kinh điển và nghệ thuật hóa trang đặc trưng của Tuồng xứ Quảng, đưa khán giả về với không khí rộn ràng của những ngày hội tại các làng quê, cùng lắng đọng với những bản hòa nhạc trầm hùng của dàn nhạc dân tộc Việt Nam.
Ngoài thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thông Việt Nam “Hồn Việt”, du khách còn được trải nghiệm thực tế không gian văn hóa với các loại hình đặc trưng, mặc các trang phục diễn viên Tuồng, tìm hiểu các loại mặt nạ trong các vở Tuồng, kỹ thuật vẽ mặt nạ và tự tay sáng tạo những nét vẽ trên chiếc mặt nạ xinh xắn, tham quan phòng trưng bày nghệ thuật Tuồng tại nhà hát…
TIẾT MỤC BIỂU DIỄN CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM: “HỒN VIỆT”
1. Hòa tầu đàn Đá “Cội Nguồn”
2. Hoạt cảnh: Ngày hội quê tôi
3. Độc tấu đàn Bầu
4. Múa Apsara/ Trăng trên tháp cổ
5. Trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”
6. Múa “Bến nước tình yêu”
7. Giới thiệu hóa trang các nhân vật Tuồng
Đàn Đá: Là bộ nhạc cụ gõ cổ nhất Việt Nam và là một trong những nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm từ những thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.
Hoạt cảnh – Ngày hội quê tôi: Ông già cõng vợ đi xem hội. Ngày hội làng, ông già cõng cô vợ trẻ đi xem hội, trên đường đi gặp công tử con nhà quan đón đường giở trò chọc ghẹo, để bảo vệ vợ mình ông già đã đánh cho công tử một đòn chí tử.
Đàn Bầu: là một nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam, đàn chỉ có một dây duy nhất song nó có thể thể hiện được nhiều cung bậc và thể loại âm nhạc khác nhau…
Nguyệt cô hóa Cáo: Nguyệt cô là một con Cáo trong rừng sâu, nhờ tu luyện ngàn năm mà hóa thành một cô gái đẹp; vì có được viên ngọc thần cô trở thành người bất khả chiến bại. Trong một lần đánh nhau với địch, cô đã si mê Tiết Giao một tướng giặc đẹp trai và bị Tiết Giao lừa lấy đi viên ngọc quý…mất ngọc Nguyệt Cô trở lại về thành con Cáo.
Múa Chăm: Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Chăm đã để lại một kho tàng Văn hóa, Nghệ thuật vô cùng to lớn, phong phú và đặc sắc…các điệu Múa Chăm có nguồn gốc từ rất lâu đời…
Hóa trang, phục trang và vũ đạo tuồng:
Nghệ thuật tuồng là một trong các bộ môn sân khấu truyền thống của Việt Nam, có nhiều điểm tương đồng với các bộ môn sân khấu khác. Nhưng tuồng có điểm đặc biệt khác với các bộ môn sân khấu khác chỗ: với những bộ môn sân khấu khác một nhân vật xuất hiện khi thông qua hành động, qua một lớp, một hồi có khi đến hết vở diễn khán giả mới hiểu được nhân vật đó thuộc loại nào.
Trái lại nghệ thuật tuồng không cho phép như vậy mà khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu lần đầu tiên thì khán giả hiểu ngay nhân vật đó thuộc loại nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, xấu hay tốt, nóng nảy cục cằn hay nhân từ đức độ… không để cho khán giả mất thời gian suy đoán nhân vật mà làm cho khán giả đi ngay vào việc thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của diễn viên vì đây là loại nghệ thuật biểu hiện. Cách hóa trang kẻ mặt nhân vật là một yếu tố quan trọng của nghệ thuật tuồng.
Trong nghệ thuật biểu diễn Tuồng, người diễn viên kẻ mặt thành những nhân vật sân khấu; họ không dùng bút vẽ mà dùng những dụng cụ đặc biệt được làm từ mảnh tre và dùng các loại phấn màu dặm lên mặt để thể hiện những mô hình nhân vật (Đào; Kép; Tướng; Lão; Mụ…) họ sử dụng những màu sắc rất đậm để thể hiện tính cách nhân vật:
– Màu trắng dành cho những nhân vật nho nhã thư sinh (Đào, kép trắng)
– Màu đen: là nhân vật tướng nói chung.
– Màu đỏ tươi: Nhân vật trí tướng, trung can, nghĩa khí.
– Màu đỏ bầm: Nhân vật có sức mạnh hơn người.
– Màu xám: là nhân vật có tính tình bộc trực, trung can nghĩa khí nhưng rất nóng nẩy.
1/ Nhân vật Đào Tam Xuân, đại diện cho mô hình nhân vật Đào. Là nhân vật nữ tướng trong vở tuồng “Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân”. Đào Tam Xuân là người con gái xinh đẹp, tài giỏi, khí phách hơn người. Đúng ra phải vẽ mặt trắng hồng xinh xắn đẹp đẽ, tuy nhiên nguồn gốc xuất thân là người dân tộc thiểu số do vậy kẻ mặt nửa xanh, nửa trắng là để nói lên cái đẹp riêng mang tính vùng miền của nhân vật.
2/ Đây là Đổng Kim Lân (kép), là nhân vật trong vở tuồng “Sơn Hậu” Là một nhân vật thuộc loại trí tướng, trung can, nghĩa khí, kiên nghị chín chắn nên vẽ mặt với màu đỏ tươi làm chủ đạo.
3/ Đây là “Yêu Cá” là nhân vật trong vở tuồng “Lý Phụng Đình” là loại nhân vật hư cấu mang tính thần thánh, tà ma, yêu đạo. Các nhân vật yêu đạo, yêu tinh trong Tuồng đều kẻ theo hình các loại thú. Vì xuất thân từ loài cá nên vẽ theo hình mặt cá, do tu luyện lâu năm nên đầu có sừng có gạc…
4/ Loan Dung (Đào cảnh): là nhân vật đài các, cầm- kỳ- thi- họa giỏi dang, dáng đi nhẹ nhàng duyên dáng, trên tay thường cầm thêm cái quạt để tôn thêm vẻ đài các.
5/Đây Khương Linh Tá (Kép xéo): là nhân vật trong vở tuồng “Sơn Hậu” Là một nhân vật trung can, nghĩa khí, kiên nghị, rất giỏi võ nghệ nhưng không chín chắn như Kim Lân, mặt kẻ tròng lõa thể hiện dũng khí hơn người nhưng cũng báo hiệu là một người iểu mệnh.
6/Tạ Ôn Đình (tướng ngụy): là nhân vật trí tướng, có sức mạnh hơn người nhưng lại là loại phản nghịch.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng được thành lập năm 1967, với chiều dài hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, nhà hát có nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công có trình độ chuyên môn cao nổi tiếng trên cả nước Việt Nam, nhiều người đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Trong suốt chiều dài lịch sử của đơn vị, nhà hát đã lưu giữ được hơn 100 vở tuồng cổ và trích đoạn đặc sắc nhất của nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam: “Hồn Việt” là một trong những hoạt động đặc sắc của nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG