Năm 2016 đã qua. Dòng thời gian theo tháng năm khép lại, để chúng ta lại đón một năm mới, với nhiều cảm xúc mới, dự định mới. Với ngành Thông tin và Truyền thông TP, năm vừa qua có nhiều sự kiện rất đáng ghi nhớ ! Chúng ta đang trong những ngày đầu năm mới 2017, mời độc giả nhìn lại những sự kiện nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng năm qua. Đây là những sự kiện mà chúng tôi cho rằng dư âm, ảnh hưởng cũng như giá trị sẽ không chỉ hiện hữu trong một năm…
1. Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) năm 2016 tổ chức tại Đà Nẵng
Trong 2 ngày 27 và 28/10/2016, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản tổ chức ngày CNTT Nhật Bản , thu hút hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện 10 năm hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản, đánh dấu sự phát triển, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp tại địa phương và các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản, là diễn đàn để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kết nối, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
2. Khai trương Trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất khu vực miền Trung – FPT Complex
Sau hơn 4 năm khởi công xây dựng, ngày 22/4/2016, Tập đoàn FPT khánh thành và đưa vào vận hành khu FPT Complex, với diện tích 5,9 ha, nằm trong Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (FPT City, có tổng diện tích là 181 ha) tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Công trình có tổng vốn đầu tư là 952 triệu USD, do tập đoàn FPT làm chủ đầu tư. Hiện nay có khoảng 2.000 kỹ sư, chuyên gia đang làm việc tại khu này.
Tòa nhà FPT Complex Đà Nẵng là 1 trong 2 công trình đầu tiên nhận được chứng chỉ EDGE cho thiết kế công trình tại Việt Nam. EDGE dành cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả đạt được mức tiết kiệm ít nhất 20% đối với cả ba tiêu chí năng lượng, nước và vật liệu so với các công trình điển hình.
3. Đưa vào hoạt động “Ứng dụng Góp ý” (egov.danang.gov.vn) và đường dây nóng thống nhất chung của TP (0511) 1022
Từ đầu năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND TP đưa vào hoạt động Cổng góp ý và đường dây nóng thống nhất 1022, thay thế hơn 200 đầu số đường dây nóng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP, tạo thêm kênh thông tin hữu dụng để các cơ quan TP lắng nghe và kịp thời xử lý các ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân, giúp chính quyền gần với người dân hơn.Trung bình mỗi tháng tiếp nhận gần 600 góp ý, các cơ quan hữu quan đã xử lý và phản hồi kết quả đạt hơn 99% ý kiến tiếp nhận.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều ứng dụng hữu ích phục vụ người dân thông qua Tổng đài dịch vụ công TP, cụ thể:
Tiện ích “Tra cứu cơ sở kinh doanh đạt chuẩn về an toàn thực phẩm” qua tin nhắn SMS, ứng dụng Zalo hoặc gọi đến đường dây nóng (0511)1022, giúp người dân có thông tin rõ tên cơ sở kinh doanh, địa chỉ, thời hạn giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng.
Tiện ích “Hẹn giờ giao dịch hành chính” nhằm giúp người dân chủ động trong quỹ thời gian của mình để đến cơ quan hành chính; đồng thời, giảm áp lực cho cán bộ bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính TP, góp phần đáng kể trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Trên cơ sở thành công trong việc triển khai Đề án số hóa truyền hình trên địa bàn TP Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề xuất và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận thiết lập Tổng đài tư vấn, hỗ trợ và giải đáp thông tin số hóa truyền hình cho người dân trên toàn quốc. Thông qua Tổng đài, người dân được nắm rõ thông tin, lợi ích của số hóa truyền hình. Đưa vào vận hành từ tháng 6/2016, Tổng đài đã tiếp nhận và tư vấn cho hơn 14.000 lượt cuộc gọi.
Ứng dụng Góp ý (Gopy.danang.gov.vn) sẵn sàng tiếp nhận các góp ý, phản ánh từ người dân và du khách ngay trên nền tảng của Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng.
4. Đề án Đường sách được UBND TP phê duyệt
UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án đường sách theo Quyết định số 8270/QĐ-UBND ngày 30/11/2016. Đường sách Đà Nẵng sẽ được xây dựng tại khu đất trống 3 mặt tiền đường Bạch Đằng, Thành Điện Hải, Trần Phú, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng 4/2017.
Theo đó, sẽ có không gian đảm bảo khoảng 10–16 ki-ốt sách hoạt động, mỗi ki-ốt 30m2, có vị trí để tổ chức các gian hàng cà phê sách, các hoạt động phụ trợ phù hợp với chức năng nội dung hoạt động của Đường sách, như trưng bày, giới thiệu, mua bán sách và các sản phẩm văn hóa của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành; nơi giao lưu giữa các tác giả, độc giả, giới thiệu xu hướng, trào lưu sách mới, sáng tác mới.
Đường sách là một không gian văn hóa mở, phục vụ cho các hoạt động văn hóa nhằm mục đích tạo lập thói quen đọc sách, qua đó cổ vũ cho tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Đường sách được tạo dựng không chỉ thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân TP mà còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Việc hình thành một con đường sách mang tính biểu tượng của thế giới sách tại trung tâm TP là hình mẫu cho việc quy hoạch phạt triển văn hóa đọc trong tương lai ở các quận, huyện khác, hứa hẹn sẽ là sức hút du lịch mới của Đà Nẵng.
5. Thành lập Tổ công tác thông tin báo chí, nâng cao tương tác với các cơ quan truyền thông trên địa bànTP.
Được thành lập theo Quyết định 9843/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, Tổ công tác thông tin báo chí TP có 11 thành viên do ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP làm Tổ trưởng. Năm 2016, Tổ công tác đã cung cấp hơn 50 thông cáo báo chí về 34 vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của TP, và đề nghị các cơ quan đơn vị chủ động cung cấp thông tin cho báo chí các nội dung liên quan
6. Lần đầu tiên xuất bản “Cẩm Nang Nhà đầu tư” trong lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ thông tin TP.
“Cẩm nang đầu tư Công nghiệp Công nghệ thông tin Đà Nẵng” được xuất bản phục vụ giới doanh nhân và Nhà Đầu tư đang hướng đến lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ thông tin.
Tập sách được biên soạn công phu, thông tin khá phong phú, đa dạng. Nhiều văn bản thể hiện tính nhất quán về tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững của Đà Nẵng, những cam kết của chính quyền TP về môi trường đầu tư, giúp Nhà Đầu tư an tâm, tin tưởng khi muốn hơp tác cùng địa phương để xúc tiến các dự án vào lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ thông tin của TP Đà Nẵng. Nội dung tập sách do các chuyên gia, những người am hiểu công nghệ và truyền thông thực hiện. Ban Biên soạn dành nhiều trang để xây dựng một Cẩm nang tra cứu phong phú về hành chính công, quy trình xúc tiến một dự án đầu tư, các nhu cầu đi lại, ăn, ở, nhu cầu sinh hoạt và các đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp cho người nước ngoài…
Ấn phẩm gồm 208 trang và lần lượt xuất bản bằng 3 ngôn ngữ : Việt – Anh – Nhật.
7. Công an TP đấu tranh thành công chuyên án công nghệ cao
Chiều ngày 21/11, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã đến động viên, khen thưởng Công an TP Đà Nẵng vì thành tích điều tra, bắt giữ thành công đối tượng “hack facebook” Việt kiều chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời thưởng “nóng” cho Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP Đà Nẵng 20 triệu đồng.
Đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy nhấn mạnh, đây là cụ án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, do đó việc phá án thành công đã góp phần bảo đảm trật tự an ninh của TP, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ cao để phục vụ và nâng cao chất lượng đời sống, đồng thời thiết thực chào mừng Kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Đây là chuyên án sử dụng công nghệ cao phát hiện có tổng số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất và nhiều bị hại nhất trên toàn quốc từ trước đến nay.
8. Các “Kỹ sư Robot nhí Đà Nẵng” đạt danh hiệu “Vô địch Robothon quốc tế 2016”
Các em học sinh là thành viên các đội Robothon thuộc các trường tiểu học Trần Cao Vân, Lê Quý Đôn, Hoa Lư, Lý Công Uẩn và Phù Đổng (Đà Nẵng), đã xuất sắc đạt các thành tích Vô địch sơ cấp, trung cấp; giải Nhì sơ cấp, trung cấp và giải Khuyến khích hạng trung cấp, tại cuộc thi Robothon Quốc tế vừa diễn ra tại Malaysia vào đầu tháng 12/2016.
Đây là lần thứ 2, các “Kỹ sư Robot nhí Đà Nẵng” mang vinh quang về cho Nhà trường và cho quê hương, khẳng định Đà Nẵng là địa phương “có chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT” ở vị trí dẫn đầu (và đã 7 năm liền, Đà Nẵng xếp đầu bảng chỉ số ICT Index 2009-2015).
9. Đà Nẵng ra mắt ứng dụng “Danang FantastiCity”
Ứng dụng “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động” (Danang FantastiCity”) đã chính thức ra mắt người dùng vào ngày 6/12. Đây là một ứng dụng hoàn toàn mới mẻ về du lịch Đà Nẵng, hứa hẹn sẽ mang TP biển đến gần hơn bao giờ hết với các tín đồ du lịch trên khắp thế giới.
Ứng dụng dụng do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng phối hợp với công ty TNHH MTV Gola xây dựng ứng dựng, có thể tải về trên các hệ điều hành IOS và Android, với hai ngôn ngữ Việt – Anh.
Trên ứng dụng này, người dùng chỉ cần chọn thành phố, thời gian du lịch, mức chi phí và sở thích, “Danang FantastiCity” sẽ tự động “tư vấn” một lịch trình phù hợp, và trên cơ sở đó, người dùng có thể dễ dàng thay đổi các địa điểm và thời gian theo sở thích và nhu cầu cụ thể.
Khi đã lên lịch trình cụ thể tại nhà thông qua ứng dụng “Danang FantastiCity”, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần kết nối wifi, 3G, đây cũng được xem là một trong những ưu điểm lớn nhất của ứng dụng. Thông qua offline map miễn phí, người dùng sẽ luôn biết mình đang ở đâu, đi đến điểm kế tiếp thế nào…
Bên cạnh đó, khi đã tải app “Danang FantastiCity”, những ảnh chụp và bài viết sẽ được tự động lưu lại ở từng địa điểm mà không cần mạng wifi, giúp du khách dễ dàng chia sẻ với bạn bè và gia đình khi trở về.
Ứng dụng “Danang FantastiCity” sẽ được sử dụng thử nghiệm trong 6 tháng (từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017), song song với việc tiếp tục cập nhật và bổ sung các cơ sở dữ liệu, trên cơ sở kết nối với đơn vị kinh doanh du lịch, hãng hàng không… để làm phong phú thêm thông tin du lịch cho ứng dụng.
10. Trao các Giải thưởng báo chí về Môi trường, An toàn vệ sinh thực phẩm, Văn hóa giao thông
Sáng ngày 23/12, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Giao ban Công tác QLNN về báo chí và Trao giải báo chí năm 2016.
Tại Hội nghị, Sở Thông tin & Truyền thông đã báo cáo tình hình hoạt động báo chí trên địa bàn TP và công tác QLNN về báo chí năm 2016. Theo đó, tính đến tháng 12/2016, toàn TP có 109 cơ quan báo chí (8 cơ quan địa phương, 101 cơ quan đại diện TƯ và địa phương khác).
Đến nay, số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TP vào khoảng 1.150 người. Trong đó, có khoảng 400 phóng viên được cấp thẻ nhà báo, chiếm 35% tổng số người làm báo.
Trong năm 2016, ước tính có khoảng 44 ngàn tin, bài liên quan đến TP Đà Nẵng được đăng tải trên các cơ quan báo chí. Một số vấn đề, sự kiện đã được báo chí đặc biệt quan tâm như An toàn vệ sinh thực phẩm (khoảng 1000 tin, bài), An toàn giao thông (khoảng 1000 tin, bài), ABG5 (khoảng 900 tin, bài), Bầu cử HĐND TP các cấp (khoảng 500 tin, bài); Đua thuyền Clipper (khoảng 350 tin, bài)…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Thông tin & Truyền thông đã tổ chức tổng kết và trao thưởng các Giải báo chí tuyên truyền về chủ đề “Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, các tác phẩm tiêu biểu được bình chọn trên các lĩnh vực nội dung ATGT và ATVSTP.
Đây là điểm mới trong công tác hỗ trợ truyền thông sự kiện năm nay, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cơ quan báo chí.
Cùng với Giải báo chí tuyên truyền về chủ đề “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” năm 2016, việc bình chọn tác phẩm báo chí về ATVSTP, ATGT được tổ chức năm nay diễn ra trong thời điểm rất có ý nghĩa khi TP đang quyết tâm thực hiện chủ trương xây dựng “Thành phố 4 an”, các nội dung thực hiện “Năm văn hóa – Văn minh đô thị” theo tinh thần Chỉ thị 43 của Thành ủy đang tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng thuận rất lớn từ các tầng lớp nhân dân.
Thông qua báo chí, những nội dung đó được cụ thể hóa và đi vào đời sống một cách gần gũi nhất, giúp cho các chủ trương lớn, đầy tính nhân văn của TP được lan tỏa và hiệu quả hơn.
(Theo ictdanang.vn)