Triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

0 667
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch quán triệt tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Anh

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (gọi tắt là Nghị quyết số 08-NQ/TW) nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực…

Để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 30/12/2017, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 10652/KH-UBND về hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, theo đó đối với Đà Nẵng sẽ đặt ra mục tiêu, như: đổi mới tư duy phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội.

Đến năm 2020, phấn đấu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển cao cấp, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, tăng cường huy động xã hội hóa; Xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện. Xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩn du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch sinh thái, văn hóa…  Phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát huy các giá trị văn hóa, cộng đồng địa phương; phát huy giá trị thương hiệu và kết quả của Tuần lễ cấp cao APEC 2017,  danh hiệu Đà Nẵng – Điểm đến lễ  hội hàng đầu Châu Á; giữ gìn bảo vệ môi trường và thiên nhiên bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Phát huy liên kết vùng với tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên – Huế, vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Xác định thị trường ưu tiên: Đến năm 2020 tiếp tục đẩy mạnh phát triển các thị trường Đông Bắc Á; duy trì và phát triển thị trường khách truyền thống khu vực Đông Nam Á-ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ, mở rộng thị trường các nước Úc, Ấn Độ, Nga. Tiếp tục tập trung phát triển thị trường khách nội địa, chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng và du lịch MICE.

Phấn đấu đến năm 2020, thành phố đón được 8,90 – 9,35 triệu khách du lịch (3,0-3,5 triệu khách quốc tế và 5,85 triệu khách nội địa), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,7-14,8%. Tổng thu du lịch đạt 36.400 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 22-23,2% (Chi tiết tại Phụ lục 1). Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt khoảng 25% (đóng góp trực tiếp là 13,9%).

Đến năm 2030, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, thị trường du lịch rộng mở, sản phẩm du lịch chất lượng cao thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế…

Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Cơ chế chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Chính phủ; của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của thành phố đến người dân cũng như du khách để có nhận thức đúng và nhận thức rõ về vai trò của ngành.

Trong những năm qua, ngành Du lịch thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến thành phố bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 20,97%; trong đó khách quốc tế 28,65%, khách nội địa 18,46%; tổng thu du lịch đạt 31,59%. Năm 2016, đóng góp của du lịch vào GRDP Đà Nẵng năm 2016 đạt 23,72% (16.544 tỷ đồng), trong đó: đóng góp trực tiếp là 13,24% (9.234 tỷ đồng ) và đóng góp gián tiếp (lan tỏa) là 10,48% (7.310 tỷ đồng). Đối với du lịch Việt Nam, theo báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2016 – Tổng cục Du lịch, chỉ số đóng góp trực tiếp trong GDP cả nước năm 2015 là 6,33% và năm 2016 là 6,96% và theo Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ chính trị đóng góp cả nước trực tiếp ước đạt 6,8%, cả trực tiếp và lan tỏa là 14% GDP.

Mặc dù đã có những kết quả nhất định song ngành Du lịch thành phố còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: Thiếu cầu tàu, bến du thuyền, thiếu cảng biển chuyên phục vụ du lịch; chậm hình thành chợ đêm và các khu mua sắm – ẩm thực – giải trí tập trung quy mô lớn; Thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm; Nguồn nhân lực du lịch mặc dù đã được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn, condotel; một số thị trường khách quốc tế tăng nhanh (Trung Quốc, Hàn Quốc) dẫn đến quá tải, không đáp ứng kịp về cơ sở hạ tầng và nhân lực; Các doanh nghiệp du lịch thiếu chủ động kết nối trong chuỗi dịch vụ cung ứng; doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh yếu; Công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh Đà Nẵng mặc dù đã được cải thiện song công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài vẫn còn hạn chế….

Đà Nẵng sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phần quy hoạch về du lịch, ngành sẽ lồng ghép đưa phát triển du lịch vào trong tổng thể của thành phố; các sở, ban, ngành có trách nhiệm tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể theo các nhiệm vụ tại kế hoạch hành động và lồng ghép các nội dung liên quan đến phát triển du lịch vào kế hoạch công tác dài hạn, trung hạn và hằng năm của đơn vị. Các tổ chức hiệp hội du lịch cần tiếp tục đổi mới hoạt động, làm cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp để tranh thủ sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch.

(Theo Sở Du lịch Đà Nẵng)

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​