Nhằm vận động toàn thể người dân và huy động các lực lượng xã hội tham gia truyền thông và phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tạo ra phong trào quyết liệt, toàn diện trong phạm vi toàn thành phố, nhằm giảm nhanh sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết, ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh do vi rút Zika; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, duy trì thói quen thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy ngay tại nơi sinh sống, học tập, lao động, làm việc của người dân, ngày 14-7, UBND thành phố ban Kế hoạch số 131/KH-UBND về Triển khai Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu: 100% xã, phường đồng loạt tổ chức Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy với 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở kinh doanh dịch vụ,… trên địa bàn được kiểm tra và diệt lăng quãng, bọ gậy sau phát động Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy của quận, huyện; Duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/1 lần; hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 2 tuần/1 lần; các hộ gia đình tại các khu vực còn lại được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tháng/1 lần; 100% cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin thành phố, quận, huyện, xã, phường đồng loạt tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước, trong và sau Chiến dịch;
Sau Chiến dịch, các chỉ số gồm: chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng tại hộ gia đình (BI) giảm < 30, số liệu ca bệnh, ổ dịch SXH giảm tại các địa phương có số ca mắc cao trước Chiến dịch và duy trì bền vững.
Từ 7h00 ngày 17/7/2022: 100% quận, huyện, xã, phường đồng loạt tổ chức Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn.
Sau ngày 17/7/2022, duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/1 lần, hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 2 tuần/1 lần, các hộ gia đình tại các khu vực còn lại được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tháng/1 lần.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội.
Tại địa phương, lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Chính quyền địa phương: UBND các quận, huyện, xã, phường giữ vai trò nòng cốt, tổ chức chỉ đạo thực hiện Chiến dịch gồm Lãnh đạo UBND quận, huyện, xã phường, Tổ trưởng Tổ dân phố; Cơ quan Y tế: Trung tâm Y tế, Trạm Y tế có vai trò tham mưu về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), hướng dẫn kỹ thuật, nội dung giám sát, tuyên truyền tại địa phương; Các ban ngành đoàn thể tại địa phương: Giáo dục: Giáo viên, học sinh, sinh viên; Hội Liên hiệp phụ nữ; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Chữ thập đỏ; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh; Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Dân quân, dân phòng; Cộng tác viên Dân số – Y tế;…
*Các hoạt động chính
Trong 1 tuần trước khi ra quân Chiến dịch (vòng 1), các đơn vị liên quan phải hoàn thành các hoạt động: Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, phân công cán bộ, nhân sự chỉ đạo, quản lý, điều hành, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện Chiến dịch; Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến dịch, họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, thành phần.
Đồng thời, huy động nhân lực tham gia: UBND các xã, phường căn cứ số hộ dân và phạm vi địa bàn để huy động nhân lực trực tiếp thực hiện Chiến dịch: khoảng 100-150 hộ thì tổ chức 01 nhóm, mỗi nhóm 03 – 04 người là nhân viên y tế, cộng tác viên, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên… Địa phương vận động và tổ chức cho người dân tham gia vệ sinh môi trường công cộng tại các nơi công cộng tại khu/ấp, tổ dân phố, những hộ gia đình neo đơn, già yếu…; Phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh thoát nước, lấp các nơi ao tù, nước đọng, dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng, phế liệu có tiềm năng ứ đọng nước sau mưa…
Đến từng nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân kỹ năng, kỹ thuật phát hiện, xử lý các dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước, các vật dụng có lăng quăng, bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà, hướng dẫn diệt và không để phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy, dấu hiệu nhận biết bệnh SXH và cách xử lý.
Về truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến xã, phường đồng loạt tổ chức tuyên truyền liên tục trước khi ra quân thực hiện Chiến dịch. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thời gian, địa điểm tổ chức chiến dịch, tầm quan trọng của việc diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống dịch SXH, quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại cộng đồng dân cư.
Các Sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và các Trường đại học, cao đẳng, trung học,… chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân chuẩn bị tham gia các hoạt động trong Chiến dịch tại địa phương và chủ động tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường tại nơi sinh sống, học tập, lao động, làm việc.
Trong chiến dịch, về tổ chức Lễ phát động/ra quân Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy: UBND các quận, huyện chọn địa bàn tổ chức Lễ phát động ra quân Chiến dịch trên phạm vi toàn quận; 100% xã, phường đều tổ chức Lễ ra quân sau Lễ phát động của quận, – huyện. Kết thúc Lễ ra quân, lực lượng tham gia Chiến dịch được phân công phụ trách khu dân cư, tổ dân phố, thôn nào thì trở về khu dân cư, tổ dân phố, thôn đó để bắt đầu triển khai các hoạt động của Chiến dịch.
Về thực hiện Chiến dịch tại các khu dân cư, tổ dân phố, thôn: Đến từng nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân kỹ năng, kỹ thuật phát hiện, xử lý các dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước, các vật dụng có lăng quăng, bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà, hướng dẫn diệt và không để phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy, dấu hiệu nhận biết bệnh SXH và cách xử lý.
Địa phương vận động các hộ gia đình, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở kinh doanh dịch vụ và thanh niên, học sinh tham gia vệ sinh môi trường công cộng, kể cả tại các công viên, vườn – nhà dân vắng chủ – bỏ hoang, các nơi vứt bỏ sản phẩm bị hư hỏng,… để diệt lăng quăng và triệt phá nơi sinh sản của muỗi, kết hợp việc quét dọn, thu gom rác làm sạch sẽ môi trường). Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, lấp các nơi ao tù, nước đọng, thu gom – dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước sau mưa… và vệ sinh các hồ, lu/vại không nắp chứa nước sinh hoạt. Các đợt tiếp theo nếu có sẽ kiểm tra lại và huy động thực hiện bổ sung. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát trước và trong Chiến dịch.
Tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích và ý nghĩa của Chiến dịch. Lập biên bản đề nghị xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế đối với các hành vi không phối hợp với cơ quan chức năng diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch SXH hoặc cố tình làm phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy.
Sau chiến dịch, các đơn vị báo cáo kết quả triển khai Chiến dịch: Ban chỉ đạo (BCĐ) xã, phường báo cáo kết quả từng đợt Chiến dịch cho BCĐ quận, huyện huyện để tổng hợp báo cáo Sở Y tế (thông qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật). Thời gian báo cáo không quá 05 ngày sau khi thực hiện Chiến dịch.
Các quận, huyện, xã, phường tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm tra, giám sát (ngẫu nhiên) vật chứa nước tại các hộ gia đình thuộc các khu vực có số ca mắc cao trước chiến dịch, khu vực nguy cơ cao.
Trung tâm Y tế quận, huyện, Trạm Y tế xã, phường phối hợp với các lực lượng địa phương tổ chức điều tra các khu vực có số ca mắc cao trước chiến dịch, khu vực nguy cơ cao điều tra trước Chiến dịch; đồng thời giám sát, thống kê các ca bệnh thời điểm sau Chiến dịch (điều tra trước và sau chiến dịch).
Kinh phí thực hiện kế hoạch được trích từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Theo danang.gov.vn