- Di tích lịch sử đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh);
- Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương);
- Di tích lịch sử địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi);
- Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng);
- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn (Chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam);
- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương);
- Di tích lịch sử Thành Điện Hải (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng);
- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội);
- Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An);
- Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Thành Điện Hải, trước đó còn gọi là đồn Điện Hải, khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (năm 1813), nằm ở tả ngạn sông Hàn. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vào bên trong đất liền, xây bằng gạch trên một gò đất cao và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835) được đổi tên là Thành Điện Hải.
Năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm chiếm Việt Nam, Thành Điện Hải trở thành tiền đồn để quân dân ta kìm chân quân giặc trong hơn một năm rưỡi, bẻ gẫy ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân viễn chinh xâm lược với tàu to, súng lớn hòng tiến thẳng ra kinh đô Huế. Căn cứ vào những giá trị lịch sử đặc biệt đã diễn ra tại đây, Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988 và nay được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Cùng với di tích Thành Điện Hải, hiện bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải cũng đang được đề nghị công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Bộ sưu tập súng thần công này gồm 7 khẩu, chất liệu đúc bằng gang – sắt, còn nguyên hình dáng, được phát hiện trong khuôn viên thành Điện Hải và đang được Bảo tàng Đà Nẵng quản lý.