Sẵn sàng cho Lễ hội Quán Thế Âm 2024

0 213

Từ ngày 26/3/2024 đến ngày 29/3/2024 (nhằm ngày 17/2 đến ngày 20/2 Âm Lịch), tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm và các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến sẽ diễn Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn năm 2024 với nhiều hoạt động tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hấp dẫn. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đang được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Đa dạng các hoạt động

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn so với mọi năm để xứng tầm là Lễ hội cấp thành phố và xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được phong tặng.

Ông Bình cho biết, các hoạt động chính diễn ra tại Lễ hội năm nay gồm: Lễ Khai mạc diễn ra vào lúc 17 giờ 30 ngày 26/3/2024 (nhằm ngày 17/02 âm lịch); Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Lễ Chính thức) diễn ra lúc 7 giờ 00 ngày 28/3/2024 (nhằm ngày 19/02 âm lịch); Lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, Lễ tế Xuân cầu Quốc thái – Dân an;…

Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm

Cùng với đó là các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như: Khóa tu Hạnh nguyện Quán Âm; Trại ngành Thanh Ban Hướng dẫn phật tử; thuyết giảng, thiền tọa, pháp đàn… sẽ được Chùa Quán Thế Âm tổ chức thường xuyên trong Lễ hội.

Đặc biệt, Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới như: Hội thi đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử trên sông, thi trực họa về Lễ hội Quán Thế Âm; thi viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh; chạy bộ Olympic “Vì hòa bình” và nhiều hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian…

Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra Tọa đàm về phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm và các di sản văn hóa trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, đây là dịp để các chuyên gia thảo luận, trao đổi về các giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Lễ hội đua thuyền năm nay không còn là hoạt động thể thao thuần túy mà còn tái hiện lại hoạt cảnh tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa

Đồng thời, sẽ diễn ra các gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; các gian hàng OCOP giới thiệu sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Nẵng…

Xuyên suốt Lễ hội là các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như các chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội do Chùa Quán Thế Âm biểu diễn đêm 27/3/2024 và Nhà hát Trưng Vương biểu diễn đêm 28/3/2024; biểu diễn nghệ thuật của các đoàn quốc tế như Nhật Bản, Thái Lan; Hội hô hát Bài chòi; các góc Trà thư kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; Triển lãm ảnh về Danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, tranh ảnh, thư pháp; hội hoa đăng, lửa trại; Không gian “Ẩm thực chay Việt”; các trò chơi dân gian… của các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện.

Tại Lễ hội năm nay sẽ có hoạt động diễu hành xe hoa trên các tuyến đường của thành phố

“So với mọi năm, những hoạt động văn hóa, giải trí tại Lễ hội năm nay được tổ chức đa dạng, quy mô và bài bản hơn. Cụ thể, Lễ hội đua thuyền không còn là hoạt động thể thao thuần túy mà còn tái hiện lại hoạt cảnh tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa hoặc sự kiện Ngày chạy Olympic vì hòa bình, vì sức khỏe toàn dân năm 2024 cấp thành phố, dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 2.600 người”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, Lễ hội năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2024) nên UBND quận sẽ tổ chức hoạt động Diễu hành xe hoa chào mừng trên các tuyến đường của thành phố.

An toàn, văn minh

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm công tác tổ chức từ các mùa Lễ hội trước, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội đề nghị các tiểu ban giúp việc tập trung phối hợp đồng bộ để mang lại một lễ hội an toàn.

Cùng với đó, Ban Tổ chức Lễ hội sẽ tập trung cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm góp phần tổ chức Lễ hội đặc sắc, văn minh  với tiêu chí 5 không (không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan).

Ông Bình cho biết thêm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm tổ chức các hoạt động trong thời gian diễn ra lễ hội sẽ được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng; các nhà vệ sinh di động cũng được bố trí tại đường Sư Vạn Hạnh và xung quanh khu vực diễn ra Lễ hội để phục vụ du khách.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật

“Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường các tổ kiểm tra liên ngành ra quân kiểm tra, rà soát các gian hàng kinh doanh nước nước, thực phẩm tại Lễ hội, không để tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chèo kéo khách, ép giá”, ông Bình nói

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, Công an thành phố đã lập trung tâm chỉ huy tiền phương tại địa điểm diễn ra Lễ hội để kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến vấn đề an ninh trật tự.

Ngoài ra, Công an thành phố đã phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn tổ chức 4 tổ tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường, khu vực diễn ra Lễ hội để đảm bảo trật tự giao thông được diễn ra thông suốt, kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng xấu lợi dụng nơi đông người để thực hiện hành vi móc túi, trộm cắp tài sản.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật, là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, cũng như thể hiện nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội cũng là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 Lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.

Theo danang.gov.vn
You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​