Phu nhân APEC chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia ở Đà Nẵng
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm về vương quốc Chăm-pa.
Đoàn phu nhân của các đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vừa có chuyến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Nơi đây lưu giữ gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà Bảo tàng. Các phu nhân được giới thiệu văn hoá đặc trưng của vùng đất này, cùng lịch sử phát triển của thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay, các giai đoạn lịch sử Việt Nam… Trên ảnh là phu nhân Peru (áo trắng). Ảnh: Bảo tàng Chăm.
Phu nhân Papua New Guinea (áo trắng) đồng thời là nước chủ nhà APEC 2018 đang lắng nghe các thuyết minh viên giới thiệu. Ảnh: Bảo tàng Chăm.
Lối đi nhỏ vào khu tham quan trồng nhiều cây cối, hoa lá. Bảo tàng được xây dựng từ tháng 7/1915, khánh thành vào năm 1919. Trải qua gần một thế kỷ, nơi đây cũng được tu sửa nhiều lần.
Những dấu tích Chăm-pa được sắp đặt dọc lối vào. Đây là bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới khi chỉ trưng bày các hiện vật từ thời Chăm-pa.
Ngay lối vào tham quan là tượng Thần gác cửa bằng chất liệu sa thạch, được xác định niên đại vào thế kỷ thứ X tại kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam).
Bảo tàng đang trưng bày 3 bảo vật quốc gia. Đài thờ Trà Kiệu được phát hiện ở kinh đô Trà Kiệu, làm bằng chất liệu sa thạch. Hiện vật vẫn được giữ nguyên khối từ phần đế, thân đài thờ với những đường nét điêu khắc tiêu biểu cho phong cách Trà Kiệu trong văn hóa Chăm-pa. Gắn với Đài thờ là câu chuyện về đám cưới của hoàng tử Râm và công chúa Sita trong trường ca Ramayana huyền thọai, thể hiện trên thân đài.
Bảo vật thứ hai được đặt ngay trung tâm của Bảo tàng là khối Đài Thờ Mỹ Sơn E1, có nguồn gốc từ Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam, với niên đại khoảng thế kỷ VII – VIII.
Giá trị của bảo vật này thể hiện ở các hoạt cảnh sinh hoạt được chạm khắc xung quanh đài thờ, tái hiện đời sống thường ngày đến các nghi thức tín ngưỡng.
Tượng Bồ tát Tara là bảo vật thứ 3 ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tượng cao 1,15m, chất liệu đồng và được xem là bức tượng đồng lớn nhất, đặc trưng cho phong cách Đông Dương thế kỷ IX.
Khu sắp đặt đài thờ, tượng Phật được phát hiện qua nhiều lần khai quật ở Đồng Dương, Quảng Nam.
Hầu hết các hiện vật ở bảo tàng này đều mang trong mình một câu chuyện. Các hiện vật được sắp đặt có hệ thống, kèm chú thích ngắn gọn để người xem theo dõi.
Du khách tham quan không được sờ vào hiện vật. Nhiều du khách đến đây đã tỉ mẩn ghi chép lại khi được nghe về những dấu ấn văn hóa một thời.
Du khách lưu lại những pho tượng nghệ thuật trong chuyến thăm bảo tàng. Trải qua hàng nghìn năm, những hiện vật Chăm-pa vẫn tồn tại để người dân và du khách ngưỡng vọng về nghệ thuật điêu khắc.