Phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm trong tổng thể các giá trị văn hóa, lịch sử của danh thắng Ngũ Hành Sơn

0 48

Trong khuôn khổ Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn năm 2024, chiều 27-3, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức Tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Lễ hội tôn giáo được tổ chức quy mô

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội lớn diễn ra hằng năm tại thành phố Đà Nẵng, gắn liền với quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt là Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Trong những năm qua, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được đánh giá là một trong những Lễ hội tôn giáo được tổ chức quy mô, trang trọng và được nhiều tăng, ni, phật tử, người dân, du khách về dự, để lại dấu ấn tốt đẹp.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình, năm 2024 cũng là năm thứ hai Lễ hội được nâng quy mô tổ chức lên cấp thành phố. Để có định hướng tốt hơn về công tác tổ chức Lễ hội hằng năm, với mục tiêu phát triển Lễ hội trở thành kênh thông tin quan trọng, tạo cầu nối để quảng bá hình ảnh du lịch thành phố đến với bạn bè trong nước và quốc tế, buổi Toạ đàm mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chủ thể thực hành di sản và đại biểu tham dự về những giải pháp phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn một cách hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình phát biểu khai mạc

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ cho biết, các hoạt động của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, quảng bá được hình ảnh du lịch của Đà Nẵng và quần thể Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, công tác quản lý và tổ chức Lễ hội luôn có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà chùa, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, gắn kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nên Lễ hội đã đi vào nề nếp, đúng quy định của Nhà nước.

Các nhà nghiên cứu cùng nhau chia sẻ, trao đổi về những giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức, qua đó thu hút sự tham gia đông đảo du khách, đặc biệt là các nghi Lễ theo nghi thức Phật giáo được thực hiện trang trọng đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đồng bào Phật tử, du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung đạt được, ông Hà Vỹ nhìn nhận, Lễ hội vẫn đặt ra cho chủ thể và các cơ quan quản lý những vấn đề nội dung hoạt động để phát huy hơn nữa giá trị của lễ hội trong thời gian tới như: Tạo sự lan toả hơn nữa giá trị vốn có của lễ hội cũng như giá trị văn hoá tự nhiên Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong đời sống văn hoá địa phương và tạo sự liên kết với các địa phương khác trong khu vực; đa dạng hơn nữa các hoat động Lễ hội; mở rộng không gian Lễ hội gắn với thực hiện Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phục hồi Danh thắng Ngũ Hành Sơn…

Gắn kết Lễ hội Quán Thế Âm với các di sản văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn

Tại Tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những tham luận, cùng nhau chia sẻ, trao đổi, tiếp thu các ý kiến về những giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Từ đó, đưa ra những định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo.

Theo PGS.TS Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường vụ Hội Di sản Văn hóa thành phố, để Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được nâng tầm xứng đáng là một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là điểm nhấn hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách gần xa thì các cơ quan, đơn vị cần chú ý, đầu tư nhiều hơn nữa tính đặc sắc cho Lễ hội; phải đảm bảo và có nhiều cách biểu đạt hơn nữa để tăng tính thiêng của phần nghi Lễ, giàu ý nghĩa nhân văn, mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng cho cộng đồng.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội lớn diễn ra hằng năm tại thành phố Đà Nẵng

Đặc biệt, phải phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trong phát huy tổng thể các giá trị văn hóa, lịch sử của cả quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bởi, Lễ hội diễn ra tại một quần thể danh lam cùng với nét đẹp vượt trội của cảnh quan thiên nhiên sơn kỳ thủy tú.

“Chúng ta phải phát huy tốt hơn nữa các giá trị này để thu hút được các loại hình du lịch như: Du lịch Lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, du lịch lịch sử của du khách và du khách thập phương đến với Lễ hội cũng sẽ kéo dài được nhiều ngày hơn trong cùng một chuyến đi trải nghiệm”, PGS.TS Ngô Văn Minh nói.

PGS.TS Ngô Văn Minh cũng đề xuất, phát triển Lễ hội phải gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước và các dịch vụ đi kèm. Nhất thiết phải quan tâm đến quy hoạch không gian Lễ hội. Bởi có một thực tế là thời gian qua Lễ hội Quán Thế Âm chỉ cơ bản diễn ra trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm nên rất khó có nhiều hoạt động quy mô lớn.

Theo Ths Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố, để phát triển du lịch tâm linh theo hướng gắn kết Lễ hội Quán Thế Âm với các di sản văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thì các ngành chức năng cần tiến hành công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc họ…. tại địa phương. Những di sản này sẽ là điểm gắn kết, thu hút du khách khi đến với Lễ hội Quán Thế Âm.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được đánh giá là một trong những Lễ hội tôn giáo được tổ chức quy mô, trang trọng và được nhiều tăng, ni, phật tử, người dân, du khách về dự

Cùng với đó, cần nghiên cứu mở tour du lịch tâm linh kết nối hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các di tích chùa, đình, miếu ở địa phương; mở rộng hơn nữa là kết nối với các địa điểm tham quan như chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bà Nà, Hội An trong thời gian trước và sau khi diễn ra Lễ hội. Chủ động khai phá các tour mới liên quan đến văn hóa, ví dụ như tour “Tìm hiểu dấu tích văn hóa Chăm”, “Trải nghiệm lễ hội đình làng xứ Quảng”, “Đà thành tứ trấn” (Sơn Trà – Bà Nà – Ngũ Hành Sơn – Hải Vân)… các tour kết hợp du lịch tâm linh với du lịch nghỉ dưỡng, đối tượng hướng đến không chỉ khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế.

Ths Đinh Thị Trang cho rằng, cần sân khấu hóa các câu chuyện kể, sự tích vùng đất, sự linh thiêng của các vị thần được biểu diễn tại phần hội của Lễ hội Quán Thế Âm. Đặc biệt cần vận dụng những nghi thức, câu chuyện, âm nhạc… hiện hữu trong tôn giáo, tín ngưỡng hợp với các loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những nghi thức, câu chuyện, âm nhạc này không chỉ là nét riêng có của một tôn giáo, một tín ngưỡng mà còn thể hiện văn hóa của một địa phương.

Ngoài ra, cần sản xuất sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương; tác phẩm mỹ thuật – văn hóa – tôn giáo gắn với lễ hội; đặc sản ẩm thực… với giá cả thích hợp cho nhiều đối tượng; kích thước nhỏ gọn tiện cho việc đóng gói, vận chuyển… Đầu tư phát triển đá mỹ nghệ thành dòng sản phẩm riêng phục vụ du khách du lịch văn hóa tâm linh.

Theo danang.gov.vn

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​