Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được công nhận là Văn hóa phi vật thể quốc gia
Sáng 20/2, trong khuôn khổ Lễ hội Cầu ngư truyền thống năm Kỷ Hợi – 2019, được Quận Thanh Khê tổ chức thường niên, đã diễn ra nghi thức vinh danh “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ, phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư là nhiệm vụ chính trị lớn, cấp thiết
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: Đây là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng và đồng thời cũng khẳng định việc bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư là nhiệm vụ chính trị lớn, cấp thiết theo chỉ đạo của Ban chấp hành Trung Ương Đảng tạiNghị quyết Hội nghị lần thứ 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Được biết, từ bao đời nay, Lễ hội cầu ngư đã dần định hình là nghi thức văn hóa tâm linh đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (Thần linh Nam Hải) – được người đi biển xem là vị Thần hộ mệnh của ngư dân và ghe thuyền.
Trong nếp nghĩ, trong thâm sâu tình cảm, với cộng đồng cư dân miền biển, lễ hội cầu ngư là lễ trọng, lễ lớn nhất trong năm. Vừa là lễ hội cầu mùa – cầu ngư, đặc biệt là với lòng thành cẩn cáo nghinh tế Ngư thần, cầu xin Thần linh Nam Hải ban cho một năm “Trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “Tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”.
Ở một số làng chài, trong nội dung bài cáo hay văn tế, còn cầu xin “Thần linh Nam Hải” bảo hộ cho tài sản (ghe, thuyền) và tính mệnh ngư dân “Cầu xin có đi, có về. Thuận buồm xuôi gió. Đi mạnh khỏe, về bình an, đầy khoang mực, tôm, cá”. Và hơn thế nữa, lễ hội cũng “Cầu cho Quốc thái – Dân an”.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của chính quyền, ngành chức năng thành phố, cũng như UBND các Quận (Thanh Khê, Sơn Trà), các phường Xuân Hà, Nại Hiên Đông, Thọ Quang cùng nhiều quận, phường ven biển khác của Đà Nẵng…. Nhất là lòng thành kính, cùng chung sức giữ gìn các tập tục đã trở thành nếp sống, nếp văn hóa của miền biển ở bà con ngư dân; Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương gắn với “sống bên biển, sống với nghề biển”.
“Điều đó chứng tỏ rằng, Lễ hội Cầu ngư chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh ở cộng đồng vạn chài.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.” – ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định thêm.
Một bằng chứng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam
Có một điểm nhấn hiện hữu từ cội nguồn văn hóa, lịch sử của truyền thống xa xưa ở lễ hội cầu ngư, rất đáng quan tâm, trong xem xét, giải quyết các vấn đề của lịch sử đương đại… Đó chính là “Lễ hội cầu ngư còn là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Lễ hội đã khẳng định cả hàng ngàn năm qua, dân tộc ta đã có tầm nhìn thoáng mở, luôn hướng và tiến ra biển, đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đồng thời vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc”.
Được biết, tháng 7/2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 6144/KH-UBND, về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ “Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.
Lễ hội cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Danh mục quốc gia tại Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Lễ hội cũng hội đủ các yếu tố nội dung, lẫn hình thức để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, giới thiệu, truyền bá nét đặc sắc trong dòng chảy văn hóa biển của thành phố Đà Nẵng. Qua đó góp phần mang lại nhiều tác động tích cực và lợi ích trong phát triển kinh tế, xã hội đối với địa phương đăng cai, chủ trì nghi lễ (cũng như hoạt động mang tính hội), lẫn cộng đồng.
Hát bả trạo là nội dung không thể thiếu, nếu không muốn nói là linh hồn của nghi lễ cầu ngư. Đầu năm 2016, Hát bả trạo đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hát bả trạo từ một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã dần trở thành một nghi thức tâm linh trong lễ hội. Đặc biệt là lễ hội cầu ngư, lễ tế thần linh Nam Hải (tức lễ tế cá Ông), diễn ra dọc vùng duyên hải, vào dịp tiết Nguyên tiêu.
Hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hát bạn chèo đưa linh. Theo phương ngữ miền biển Trung bộ, bả là cầm chắc, nắm chắc ; còn trạo chính là mái (dầm) chèo.
Hát bả trạo bao gồm nội dung hát (người lĩnh xướng chính) của 3 nghệ nhân đứng đầu đội hát (còn gọi là 3 ông Tổng), vừa có sự tham gia của đại diện cộng đồng cư dân bạn chài (gọi là con trạo), với số lượng từ 12 con trạo trở lên. Con trạo thường là trai trẻ hoặc trung niên.
Trái lại, 3 ông Tổng thường là người lớn tuổi, đã vào hàng cao niên. Đầu tiên là Tổng mũi (hay Tổng tiền), đó là người hát (lĩnh xướng) chính. Tổng mũi luôn cầm trên tay cặp sanh (sinh), giữ nhịp. Nhân vật thứ hai là Tổng khoang (hay Tổng thương; Tổng khậu), tay cầm (hoặc giắt. mang sau lưng) cần câu, gàu tát nước (bởi đây là người chăm lo việc “bếp núc” trên ghe thuyền trong mỗi chuyến ra khơi). Cuối cùng là Tổng lái, tay cầm mái chèo như các con trạo.
Đội hình con trạo cầm chèo vừa hò vừa thực hiện các động tác khua mái chèo, tát nước. Động tác hòa nhịp theo lời ca sinh động như một hình thức múa dân gian.
Do kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 yếu tố hát (bao gồm cả vận dụng lối hát nam, hát khách, tán, nói lối) – hò – múa dân gian trong Hát bả trạo, nên Hát bả trạo còn được xem là hình thức diễn xướng quan trọng trong thực hành nghi lễ.
Hát bả trạo cũng được ghi nhận là loại hình trình diễn tổng hợp (gồm nghệ thuật kết hợp yếu tố văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển), diễn ra trong bối cảnh nghi lễ thiêng liêng trước lúc ra khơi của ngư dân các tỉnh miền Trung.
Ca từ trong Hát bả trạo mộc mạc, gần gũi nhưng thể hiện được tâm linh, cảm xúc và khát vọng của người dân miền Biển. Trước hết, lời ca thể hiện lòng thành tâm tri ân công lớn của Đức Ông (Thần linh Nam Hải) đã luôn kịp thời lấy thân mình cứu người, cứu ghe thuyền trong lúc gặp nạn giữa trùng khơi. Tiếp đó, cầu xin Ông ban phước, cho điềm lành những lúc xa khơi và nhất là dẫn đường cho bạn chài đánh bắt được nhiều hải sản và sau cùng cầu mong sự bình yên, may mắn đến với người thân ở đất liền.
Cuối bài, bao giờ cũng là lời kêu gọi ngư dân, bạn chài hãy đoàn kết, hết lòng tương thân, tương trợ trên hành trình mưu sinh đầy nhọc nhằn, hiểm nguy trên biển; kêu gọi cộng đồng lạc quan, tin tưởng, ra sức làm lụng để có cuộc sống ấm no.
Hát bả trạo ra đời từ những khúc hát dân gian mang đậm sắc thái các làn điệu dân ca Trung bộ, trở thành một thể loại dân ca độc đáo trong nghệ thuật văn nghệ dân gian miền biển. Với nhiều thế hệ, bả trạo rất dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc, dễ nghe và dễ đi vào lòng người …
Ở mỗi địa phương vùng biển miền Trung đều hình thành một Đội Hát bả trạo. Đội dành thời gian tập luyện mỗi khi ngư nhàn và sẵn sàng đến phục vụ các lễ, hội của làng, của phường nhà. Có lúc, Đội còn đến nơi khác để phục vụ theo yêu cầu.
Ảnh: Đội Hát bả trạo của bác Đỗ Em (ảnh trên, trên tay, ông đang cầm đôi sanh tiền), năm nay đã 75 tuổi ở Cửa Đại – Hội An tỉnh Quảng Nam đến diễn xướng tại Lễ hội Cầu Ngư Quận Thanh Khê Kỷ Hợi – 2019 (ảnh tiếp theo), cũng như nhiều năm trước). Bác Đỗ Em chia sẻ: Nhà tôi đến 5 đời đi biển, ai ai cũng biết hát bả trạo. Riêng tôi, đi diễn bả trạo đã 40 năm rồi …