Kết nối thị trường quốc tế qua chuỗi hội thảo trực tuyến

Ket Noi Thi Truong Quoc Te Qua Chuoi Hoi Thao Truc Tuyen
583

Chương trình kết nối với các đối tác du lịch Thái Lan đã diễn ra từ 14:00 – 16:00 ngày 15/10, được tiếp nối với webinar dành cho thị trường Malaysia và Singapore vào ngày 19/10 cùng khung giờ.

Ket Noi Thi Truong Quoc Te Qua Chuoi Hoi Thao Truc Tuyen

Chương trình gặp gỡ trực tuyến Thái Lan do Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM (TAT) tổ chức với sự tham gia của 24 doanh nghiệp lữ hành Thái Lan.

Chương trình được mở đầu bằng bài phát biểu chào mừng của bà Ratiwan Boonprakong, Giám đốc TAT, cung cấp một cái nhìn tổng thể về du lịch outbound Thái Lan trong bối cảnh Covid-19. Phần giao lưu hỏi đáp với lữ hành Thái có sự góp mặt của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

1. Kết nối đối tác, truyền thông điểm đến an toàn

Với nhu cầu kết nối thường xuyên với đối tác du lịch tại các thị trường quốc tế trong bối cảnh Covid-19, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức các Chương trình Gặp gỡ trực tuyến đến các thị trường trọng điểm dự kiến phục hồi sớm, có khả năng mở lại đường bay vào đầu năm 2021.

“Trong giai đoạn tập trung thị trường khách nội địa để giúp du lịch Đà Nẵng vượt khó, chúng tôi vẫn duy trì kết nối với các thị trường quốc tế thông qua các cuộc gặp đối tác từ xa, các Chương trình gặp gỡ trực tuyến để cập nhật diễn biến Covid-19 tại điểm đến và các biện pháp du lịch an toàn. Chúng tôi kì vọng du lịch quốc tế sẽ sớm quay lại từ Quý II/2021 như kịch bản khôi phục lạc quan nhất của ngành du lịch”, bà Mai Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch chia sẻ.

Các thị trường nằm trong kế hoạch kết nối gồm hai nhóm chính là Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore) và Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Nội dung chính của các chương trình xoay quanh việc cập nhật tình hình Covid-19 tại Việt Nam và Đà Nẵng, nhấn mạnh khả năng ứng biến và kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam  trong bối cảnh “bình thường mới”, chấp nhận “sống chung” với Covid-19 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Chương trình sẽ truyền thông điểm đến an toàn với chiến dịch quảng bá “Du lịch an toàn vì sức khỏe” và việc thực hiện cam kết trong toàn ngành du lịch về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong môi trường làm việc và đảm bảo an toàn cho du khách.

Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Trung tâm đã đăng ký tham dự chuỗi hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Du lịch Nhật Bản JATA tổ chức . Đây là cơ hội tốt để điểm đến tiếp cận công chúng và các đối tác du lịch Nhật Bản thông quan kênh phát trực tuyến của JATA. Hội thảo dự kiến tiếp cận 1000 khách mời của JATA, tối đa lên đến 3000 khách mời.

Hội thảo dự kiến kéo dài 3 tiếng vừa cập nhật tình hình kiểm soát Covid-19 và biện pháp du lịch an toàn tại Đà Nẵng, vừa giới thiệu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các sản phẩm chưa được công bố đến du khách quốc tế do ảnh hưởng của Covid-19.

2. Diễn biến Covid-19 tại các thị trường trọng điểm

Thái Lan: Theo bảng xếp hạng GCI được công bố vào ngày 28/07/2020, Thái Lan dẫn đầu 184 quốc gia trên thế giới về chỉ số phục hồi hậu COVID-19. Trong tháng 8/2020, mỗi ngày chỉ ghi nhận từ 1-2 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tính đến 23/8 là 3395 ca. Kinh tế Thái Lan chuyển sang trạng thái ‘bình thướng mới’ và du lịch nội địa đã trở lại. Là quốc gia có 20% GDP từ du lịch, nguồn thu từ du lịch nội địa không thể lấp đầy lỗ hổng quá lớn của du lịch quốc tế. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã lên kế hoạch phục hồi du lịch quốc tế, nổi bật là việc thiết lập “bong bóng du lịch” (“travel bubble”). Thái Lan sẽ thương thảo nối lại du lịch với một số quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh (như Nhật Bản, Hong Kong và Hàn Quốc).

Malaysia: Từ ngày 1/7/2020, Malaysia bắt đầu mở cửa cho du khách y tế thuộc “Khu vực  xanh” (Green Zone), bao gồm các nước Brunei, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, bà Nancy Shukri, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia cho biết có thể đóng cửa biên giới với khách du lịch quốc tế cho đến quý II/2021 để đảm bảo an toàn cho người dân Malaysia trước diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid-19.

Đài Loan: Đài Loan được xem là quốc gia thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, khả năng khôi phục đường bay Đà Nẵng – Đài Loan dự báo sẽ nhanh chóng được triển khai sau khi chính phủ Việt Nam cho phép đón khách quốc tế.

Hàn Quốc: Việt Nam hiện vẫn cho phép khách công vụ Hàn Quốc nhập cảnh. Trong tháng 8/2020, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc cho biết sẽ có hơn 1500 chuyên gia Hàn Quốc đến Việt Nam trên các chuyến bay thuê chuyến và tất cả sẽ thực hiện cách ly tập trung trong 2 tuần. Tuy nhiên, từ ngày 30/8-6/9/2020, do Covid-19 bùng phát, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội cấp độ 2 thêm một tuần tại khu vực thủ đô Seoul với các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt hơn.

Nhật Bản: Nhật Bản xem xét cấp visa cho các đối tượng chuyên gia, người lao động, nhân viên y tế tại Việt Nam từ ngày 29/7/2020. Tương tự, Việt Nam cũng đã thiết lập cơ chế cho phép các chuyên gia nhập cảnh làm việc. Sự kết nối giữa 02 thị trường Nhật Bản – Việt Nam có thể sớm trở lại, bắt đầu từ giao thương song phương.

Các công ty lữ hành lớn nhất Nhật Bản đánh giá nhu cầu du lịch outbound toàn cầu vẫn rất lớn, tuy nhiên cần được hướng đến chất lượng. Theo đó, Nippon Travel sẽ tập trung vào kinh doanh giao lưu quốc tế, bao gồm các chuyến tham quan học tập của giới trẻ. KNT-CT đề cập xu hướng mới như Workation có thời gian lưu trú dài cần được thiết kế riêng. JTP tận dụng công nghệ để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và cá nhân hóa các lựa chọn du lịch. HIS đã đưa ra các gói dịch vụ công tác trọn gói bao gồm xét nghiệm PRC và cách ly khách sạn cho khách công vụ.

Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng

You might also like

Comments are closed.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​