Thời gian qua, cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để níu chân du khách, Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm với nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn. Đặc biệt, phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng ven sông Hàn được kỳ vọng sẽ là sản phẩm dịch vụ du lịch mới, điểm vui chơi giải trí về đêm, tạo không gian độc đáo, ấn tượng cho du khách, nhất là khách quốc tế.
Để hiểu rõ thêm về công tác chuẩn bị tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý), Cổng Thông tin điện tử thành phố đã có buổi trao đổi với ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu.
Phối cảnh phố đi bộ Bạch Đằng
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết công tác chuẩn bị để phố đi bộ Bạch Đằng ven sông Hàn đi vào hoạt động?
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng: Vừa qua, UBND thành phố đã thống nhất chỉ đạo quận thực hiện phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng với thời gian hoạt động từ 15 giờ đến 24 giờ các ngày trong tuần.
Không gian của phố đi bộ phố được triển khai trên đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ giáp đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC với chiều dài hơn 1km và kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Tính đến ngày 23-4, UBND quận đã hoàn thành công tác kẻ vạch đậu đỗ xe bán hàng; hoàn thành công tác gia công biển chỉ dẫn và biển báo giao thông; hoàn thành gia công 15 bộ cụm bàn ghế tại vị trí xe bán hàng theo mẫu thiết kế và 10 barrier rào chắn kết hợp bảng hiệu nội dung “Phố đi bộ Bạch Đằng”. Thời gian hoàn thành lắp đặt các hạng mục trên vào ngày 17-5.
Đối với nhiệm vụ lắp đặt ghế đá và 4 trụ Nón lá kết hợp điểm sạc pin miễn phí, hiện quận đang trong quá trình hoàn thiện, thời gian tiến hành lắp đặt từ 20/4 –26/4 và dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm phục vụ người dân và du khách ngay sau khi lắp đặt xong các hạng mục.
Phóng viên: Ông có thể cho biết, khi nào phố đi bộ Bạch Đằng chính thức hoạt động phục vụ người dân và du khách?
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng: Hiện nay, UBND quận đã và đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các đơn vị, nhà thầu trong quá trình thực hiện các hạng mục; chủ động rút ngắn thời gian một số gói thầu đủ điều kiện, áp dụng phương án đấu thầu trước đối với các gói thầu đã xác định được phạm vi cung cấp và nỗ lực triển khai đồng loạt nhiều nội dung công việc nhằm đáp ứng yêu cầu mà Thành ủy, UBND thành phố đề ra.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, dự kiến thời gian có thể tổ chức khai trương Phố đi bộ Bạch Đằng chậm nhất vào ngày 1-6-2024.
Phóng viên: Phố đi bộ Bạch Đằng hình thành tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng: Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 3 cụm ki-ốt bán hàng di động với 12 ki-ốt trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng.
Các ki-ốt sẽ sử dụng container loại 20 feet (dài 6m, rộng 2,5m) và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các ki- ốt.
Cùng với đó, quận sẽ bố trí 5 điểm check-in với các mô hình độc đáo; xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng; không gian sinh hoạt cộng đồng, có ghế đá ngồi trên vỉa hè; thùng rác cảnh quan và thùng đựng rác tái chế; các trạm phát wifi miễn phí;…
Tại phố đi bộ Bạch Đằng sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật; các lễ hội, sự kiện, hoạt động nghệ thuật đường phố…
Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng cũng khớp nối với tuyến đi bộ qua cầu Nguyễn Văn Trỗi và đường Trần Hưng Đạo, cũng như qua cầu Rồng trở thành một tuyến phố đi bộ khép kín, liên hoàn giữa hai quận Hải Châu và Sơn Trà.
Tại khu vực phía Tây đường Bạch Đằng nối dài, quận sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách đến trải nghiệm tại phố đi bộ Bạch Đằng.
Về phương án tổ chức giao thông khi phố đi bộ hoạt động, thành phố Đà Nẵng sẽ sử dụng 1 làn xe phía đông đường Bạch Đằng vào các ngày trong tuần, 3 làn còn lại là 1 chiều, đặt biển báo giới hạn 40km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Đối với các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật, thành phố sẽ cấm xe toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng, đoạn từ đường Bình Minh 10 đến Công viên APEC.
Phố đi bộ Bạch Đằng ven sông Hàn được kỳ vọng sẽ là sản phẩm dịch vụ du lịch mới, điểm vui chơi giải trí về đêm, tạo không gian độc đáo, ấn tượng cho du khách, nhất là khách quốc tế
Phóng viên: Ông có thể cung cấp thêm một số thông tin về các phương án để đảm bảo an ninh trật tự, các khu vực giữ xe, đặc biệt là việc xử lý tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách khi phố đi bộ vào hoạt động nhằm tạo ấn tượng với người dân, du khách tham gia trải nghiệm tại đây.
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng: Để đảm bảo an ninh trật tự khi phố đi bộ Bạch Đằng vào hoạt động, UBND quận dự kiến thành lập Ban quản lý thí điểm Phố đi bộ Bạch Đằng, gồm 3 tổ: Tổ An ninh trật tự, PCCC, CNCH; Tổ kinh doanh thương mại; Tổ Văn hóa Nghệ thuật và đóng tại Công viên Apec.
Tính đến ngày 22-4, UBND quận đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành, kết nối dữ liệu về trung tâm giám sát camera đối với 8 camera an ninh trên tuyến phố đi bộ Bạch Đằng, trong đó có 2 camera xoay 3.600 và tầm quan sát, điều khiển Zoom trên 200m; 6 camera cố định có góc nhìn 1.400, tầm quan sát trên 50m.
Cùng với đó, đã hoàn thành việc lắp đặt hạ tầng cáp quang trên toàn tuyến, hiện đang kết nối nguồn tín hiệu từ trạm Hoàng Diệu về tuyến Phố đi bộ. UBND các phường Bình Hiên, Bình Thuận, Hòa Thuận Đông đã xây dựng Kế hoạch tổ chức giữ xe, đảm bảo trật tự vỉa hè theo chức năng, quyền hạn được giao.
Ngoài ra, UBND quận cũng đã xây dựng quy chế quản lý, tổ chức và hoạt động tại phố đi bộ Bạch Đằng. Trong đó, nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi bán hàng rong, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay người dân rất quan tâm về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khi phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động. Rút kinh nghiệm từ hoạt động tại các khu chợ đêm trước đây, UBND quận Hải Châu đã có những giải pháp gì nhằm kiểm soát tiếng ồn để không ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh khu vực?
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng: Quy chế quản lý, tổ chức và hoạt động tại phố đi bộ Bạch Đằng cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của phố đi bộ.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong phố đi bộ Bạch Đằng để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động. Không thực hiện quảng cáo dưới mọi hình thức khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với Cổng Thông tin điện tử thành phố!
Theo danang.gov.vn