Du lịch Đà Nẵng: Nỗ lực trở lại đường đua

Du Lich Da Nang No Luc Tro Lai Duong Dua 01
489

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch Đà Nẵng

Đã 04 tháng trôi qua kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 đầu tiên, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Với ngành du lịch, đây được xem là một trong những khó khăn, thách thức lớn, khi mà lượng du khách sụt giảm nhanh chóng, tất cả các doanh nghiệp – cơ sở kinh doanh, các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển đều tạm ngừng hoạt động. Du lịch Đà Nẵng cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Du Lich Da Nang No Luc Tro Lai Duong Dua
Ảnh: Tín Nguyễn

Chỉ tính riêng trong quý I/2020, ước tính tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch Đà Nẵng là hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý II/2020, ước tính tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng. Lượng lao động thất nghiệp đang tạm nghỉ tại các doanh nghiệp tính đến tháng 4/2020 là 35.860/38.770 người, chiếm 92,49% (không bao gồm số lượng nhân viên nhà hàng, giảng viên cơ sở đào tạo…).

Cụ thể, theo thông tin thống kê từ Sở Du lịch, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt 1.084.226 lượt, giảm 57,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó, khách quốc tế ước đạt 584.285 lượt, giảm 49,9% so với cùng kỳ năm 2019 và khách nội địa ước đạt 499.941 lượt, giảm 64,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu du lịch ước đạt 4.327 tỷ đồng, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, ước thiệt hại đối với các doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú khoảng 4000 tỷ đồng, các khu điểm du lịch khoảng 685-690 tỷ đồng, các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng, các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng. Dự kiến nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài thì tổng thiệt hại của ngành du lịch thành phố năm 2020 ước khoảng 6.806 tỷ đồng.

Một trong những khó khăn khác của ngành du lịch chính là quy mô của các doanh nghiệp du lịch hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng bị tác động và chịu tổn thương do dịch bệnh Covid-19 gây ra, có khả năng dẫn đến tình trạng phá sản hay chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp du lịch thành phố.

Những định hướng tái khôi phục thị trường khách đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021

Trước tình hình đó, để đảm bảo vực dậy ngành du lịch Đà Nẵng, thành phố đã xác định định hướng tái khôi phục các thị trường khách cần tập trung trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Cụ thể: du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên đối với thị trường nội địa, chú trọng thu hút nguồn khách từ các địa phương lân cận, thuận tiện trong việc di chuyển ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đối với phân khúc thị trường khách đi theo nhóm, gia đình, cặp đôi, du lịch ngắn ngày; khai thác nguồn khách từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Pleiku, Phú Quốc).

Du Lich Da Nang No Luc Tro Lai Duong Dua 01

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung vào việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngắn ngày, nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, sinh thái, thể thao biển, điểm check-in mới; phát triển sản phẩm du lịch công vụ (MICE), team building… và các chính sách ưu đãi về giá phòng lưu trú và vé tham quan; chú trọng công tác liên kết vùng, liên kết phát triển du lịch với các địa phương.

Đối với thị trường quốc tế, việc khôi phục nhóm thị trường này phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới, khả năng kết nối các đường bay, ưu thế về nhân lực, sản phẩm. Ngày 19/5/2020, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch số 99/KH-SDL về khai thác và đa dạng hóa thị trường quốc tế năm 2020 điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nhóm thị trường trọng điểm có đường bay đến Đà Nẵng sẽ được ưu tiên tập trung xúc tiến (Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore); đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường tiềm năng, dự kiến khai thác các đường bay đến Đà Nẵng: Ấn Độ, Nga; nghiên cứu phân tích thị trường để xây dựng kế hoạch cho công tác xúc tiến các thị trường tiềm năng: Châu Âu, Mỹ, Úc và Trung Đông trong thời gian đến.

Giải pháp trọng tâm khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng

Nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các giải pháp khôi phục hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng, vừa qua, vào ngày 12/5/2020, Sở Du lịch đã chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành trên địa bàn thành phố. Dựa trên những ý kiến phân tích, đánh giá tình hình và những đề xuất của doanh nghiệp cũng như của các đơn vị quản lý nhà nước, Sở Du lịch đã dự báo các kịch bản tái khôi phục hoạt động du lịch của Đà Nẵng, Việt Nam và thế giới, dự báo xu hướng đi du lịch trong thời gian đến  và ban hành kế hoạch số 97/KH-SDL ngày 18/5/2020 về khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung vào 08 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường công tác truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng; thực thi những biện pháp đảm bảo an toàn điểm đến Đà Nẵng; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục; chuyên nghiệp hóa trong công tác nghiên cứu khảo sát và đánh giá thị trường khách thông qua người đại diện du lịch Đà Nẵng và các đơn vị nghiên cứu thị trường nhằm đánh giá khả năng phục hồi và dự báo xu hướng của các thị trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch; đổi mới về loại hình và chất lượng sản phẩm du lịch, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ; liên kết, phối hợp phát triển du lịch giữa Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Tp. HCM và với các doanh nghiệp, các hãng hàng không cùng xúc tiến, quảng bá điểm đến Đà Nẵng; triển khai các đề án liên quan đến lĩnh vực du lịch như: phát triển du lịch MICE, phát triển sản phẩm du lịch tại bán đảo Sơn Trà, các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Thọ Quang – Mân Thái, Nam Ô, Hòa Vang, Khu di tích cách mạng K20…

Da Nang Dung Top 1 Trong Danh Sach Trending Destinations In 2020 Cua Google
Ảnh: Phạm Phùng

Trong đó, tập trung công tác truyền thông danh hiệu Đà Nẵng – Điểm đến toàn cầu năm 2020; đẩy mạnh truyền thông trực tuyến; triển khai hiệu quả các kế hoạch khai thác thị trường nội địa và quốc tế năm 2020; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến, sản phẩm tại các thị trường nội địa (Cần Thơ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, TP. HCM, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên); khai thác hiệu quả vai trò của người đại diện du lịch Đà Nẵng tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; xúc tiến, quảng bá điểm đến Đà Nẵng, thu hút du khách, song song với việc bảo đảm an toàn cho du khách, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ duy trì các đường bay quốc tế đang khai thác, nâng cao hiệu suất khai thác và thúc đẩy mở đường bay Úc – Đà Nẵng, hỗ trợ quảng bá và tổ chức đón chuyến bay đầu tiên từ Nga, Ấn Độ, Viêng Chăn đến Đà Nẵng.

Với định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng bền vững, dựa trên nền tảng là sự phối hợp và gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, ngành du lịch thành phố cũng đang bước đầu triển khai thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng, một trong những yêu cầu cấp bách đối với việc hình thành nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai./.

– Lê Ni –

You might also like

Comments are closed.

​​​