Diễn đàn phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022 đã thành công rực rỡ, chính thức khép lại sau nghi thức bàn giao biểu tượng Routes cho thành phố Chiang mai, Thái Lan, mở ra cơ hội và kỳ vọng lớn đối với ngành du lịch, hàng không của Đà Nẵng trong tương lai.
Là chủ nhà của sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á, Đà Nẵng đã trở thành tâm điểm của thế giới với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện của 200 tổ chức hãng hàng không, sân bay, điểm đến và đơn vị cung ứng dịch vụ với hàng loạt các buổi hội nghị, hội thảo thương mại, các cuộc gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến đã đem đến những hiệu quả tích cực cho thành phố Đà Nẵng.
Hiệu ứng tích cực từ sự kiện Routes Asia 2022
Định hướng của thành phố trong thời gian tới đối với thị trường quốc tế; Chính sách hỗ trợ đối với Hãng hàng không khi mở đường bay đến Đà Nẵng; Trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển mạng đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng; Thúc đẩy hoạt động vận tải hàng không, phát triển thương mại, du lịch, đầu tư nhằm đẩy nhanh việc phục hồi hoạt động hàng không quốc tế của Việt Nam; Xây dựng các kế hoạch phát triển mạng lưới đường bay quốc tế mang tính dài hạn tạo nền tảng cho ngành du lịch, đầu tư, logistics của khu vực tăng trưởng mạnh mẽ…. chính là các nội dung được đề cập và bàn luận sôi nổi tại các phiên trao đổi, gặp gỡ với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, đầu tư và du lịch. Đặc biệt, tại các cuộc gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến với các hãng hàng không, sân bay quốc tế (AirAsia Group, Qantas Airways Limited, CAPA – Center for Aviation, Eva Air….), các định hướng kết nối, phát triển mạng lưới đường bay kết nối Đà Nẵng với Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã được mở ra để cùng nhau đưa du lịch Đà Nẵng tăng trưởng từ sau năm 2022.
“Sự kiện Routes Asia 2022 chính là chất xúc tác và là cơ hội vàng để Đà Nẵng thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố. Thông qua việc đưa các hãng hàng không đến và nhận diện những cơ hội sẵn có, Đà Nẵng đạt được lợi thế để gia tăng việc kết nối hàng không nhanh hơn so với các địa phương khác. Routes Asia 2022 đóng vai trò như một phần không thể thiếu trong việc hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện kế hoạch trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của Việt Nam vào năm 2045. Đà Nẵng cần tận dụng nền tảng mà sự kiện Routes Asia 2022 mang lại để tiếp tục tập trung mở rộng và gia tăng kết nối các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Bởi vì, yếu tố then chốt để thu hút du khách chính là tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận điểm đến dễ dàng nhất” – Chia sẻ của Ông Steven Small, Giám đốc Informa Routes.
Thương hiệu “Đà Nẵng” đang dần được phổ biến
Lợi thế mà ngành du lịch Đà Nẵng có thể khai thác chính là năng lực phục vụ của Sân bay Quốc tế Đà Nẵng[1], các chính sách miễn thị thực, chính sách ưu đãi về giá vé, giá dịch vụ du lịch, các gói kích cầu phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách quốc tế, đổi mới hệ thống sản phẩm và chất lượng phục vụ… Sự kiện đã kết thúc nhưng hiệu ứng tích cực từ Routes Asia không dừng lại ở đó mà còn thể hiện ở những giá trị sâu xa hơn, đó là năng lực, tính sẵn sàng trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế của chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng đã được nâng tầm chuyên nghiệp hơn để khẳng định Đà Nẵng chính là điểm đến mà các nhà đầu tư, các hãng hàng không, các sân bay quốc tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới sẽ tìm hiểu và có chiến lược kinh doanh trong tương lai.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 cho biết: “Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, thành phố đã có hàng loạt các hoạt động khôi phục kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đà Nẵng đã tập trung khai thác thị trường khách nội địa, đồng thời xây dựng định hướng khôi phục, thu hút và đa dạng hóa thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường truyền thống và tiềm năng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện Routes Asia chính là bước khởi động đầu tiên của thành phố hướng đến thị trường quốc tế để thu hút đầu tư vào hàng không và du lịch. Tiếp sau sự thành công của sự kiện này, thành phố sẽ tổ chức Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng 2022 trong tháng 9/2022, trọng tâm là Giải Golf phát triển châu Á (ADT) 2022 – một giải đấu có thương hiệu tầm cỡ trong khu vực. Các sự kiện đã minh chứng thương hiệu Đà Nẵng là điểm đến đẳng cấp quốc gia và quốc tế, hội tụ đầy đủ năng lực để trở thành điểm đến phổ biến của khu vực và trên thế giới”.
Tạo lực đẩy cho ngành du lịch bức phá
Hiện nay thị trường quốc tế vẫn đang trong quá trình hồi phục từng phần vì những lý do khách quan từ các đối tác truyền thống. Tuy nhiên tại Đà Nẵng, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch Covid-19 khi hàng ngày có trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột. Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Băng-cốc (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc)….
Đà Nẵng sau sự kiện Routes Asia 2022 được dự đoán trong “tầm ngắm” của một số hãng hàng không quốc tế như Indigo, Lion Air, Malindo Air, Air Asia, Thai Air Asia X, Malaysia Airlines, Philippine Airlines, Cebu Pacific Air…. Theo kế hoạch tới đây, tháng 7/2022 hãng hàng không Hongkong Express sẽ mở lại đường bay Hongkong – Đà Nẵng, tháng 9/2022, hãng hàng không Bangkok Airways mở lại đường bay Băng Cốc – Đà Nẵng, tháng 10/2022, Hãng hàng không Thái Vietjet Air sẽ tăng tần suất chuyến bay Băng Cốc – Đà Nẵng… Nhiều chuyên gia cũng kì vọng vào một “bước nhảy vọt ngoài mong đợi” của lĩnh vực hàng không, đặc biệt là ngành du lịch Đà Nẵng sau “hiệu ứng Routes Asia” như điều mà ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt được trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 năm 2019. Sau sự kiện, ngành du lịch Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tăng trưởng du lịch như mức năm 2019 vào năm 2024.
Đà Nẵng – Cửa ngõ quốc tế quan trọng ở Việt Nam, điểm đến có nhiều tiềm năng lớn để trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Với tư cách là thành phố đăng cai Routes Asia 2022, Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 không những tăng giá trị về hình ảnh cho thành phố mà còn là chất xúc tác đóng góp vào sự khôi phục và phát triển các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập của điểm đến Đà Nẵng với khu vực và thế giới.
[1] Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, là nơi kết nối giao thông hàng không tốt nhất giữa miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đang vận hành 02 nhà ga hành khách và 01 nhà ga hàng hóa. Trong đó, nhà ga quốc tế có năng lực khai thác từ 4-6 triệu hành khách/năm, nhà ga quốc nội khai thác khoảng 9 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa khai thác khoảng 18.000 tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn 2021 – 2030, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng dự kiến sẽ xây dựng một nhà ga khai thác hàng hóa mới với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 350 tỷ đồng với năng lực khai thác từ 100.000 – 150.000 tấn hàng hóa mỗi năm, công trình này dự kiến sẽ khởi công vào năm 2023 và đưa vào hoạt động vào năm 2024, đây sẽ là một trong 3 trung tâm phục vụ logistics đường hàng không tại Việt Nam. Đồng thời, nhà ga hành khách mới T3 dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 10.000 tỷ đồng với năng lực khai thác một năm khoảng 15 triệu hành khách và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2030.
BAN TỔ CHỨC DIỄN ĐÀN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BAY CHÂU Á