Trong 06 tháng đầu năm 2021, mặc dù số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ chỉ ước đạt 1.052,3 nghìn lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách quốc tế ước đạt 87,6 nghìn lượt, giảm 86%; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 1.980 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2020 (Số liệu Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng), nhưng ngành du lịch thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn để luôn trong tư thế sẵn sàng bước vào giai đoạn khôi phục sau dịch Covid-19.
Song song với việc triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2021, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; tổ chức khảo sát hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc; khảo sát các điểm du lịch dọc tuyến sông Cu Đê, CT15 – Hòn Sụp, Bãi Nam – Bãi Đa…
Bên cạnh đó, để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ cho du khách và người dân địa phương, Sở Du lịch cũng đã triển khai Kế hoạch tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An; chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm – Danang By Night; đầu tư thiết kế các cụm cảnh quan, điểm trang trí, check-in tại Công viên Biển Đông, bãi biển Mỹ An…
Nhằm đáp ứng với tình hình thực tế khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động xúc tiến tại các địa phương và nước ngoài đều hủy hoãn, Sở Du lịch đã chủ động, tiên phong trong việc thường xuyên đổi mới phương thức, ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu ứng cao đối với người dùng mạng xã hội. Sở Du lịch đã cùng với Đại học Đà Nẵng đề xuất phương án triển khai ứng dụng công nghệ scan 3D cho động Huyền Không tại di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn và công nghệ VR360 cho Chùa Linh Ứng tại bán đảo Sơn Trà.
Trước đó, trong năm 2020, mô hình du lịch thực tế ảo ứng dụng công nghệ scan 3D và VR360 đã được thí điểm đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chỉ trong vòng 04 tháng đầu năm 2021, Fanpage Danang FantastiCity tăng 13,138 lượt thích (từ 35,792 lên 48,930 lượt thích).
Lượt tương tác trung bình trong 4 tháng đầu năm đạt: 392,996 tương tác (Số lần tương tác thông qua cảm xúc, bình luận, lượt chia sẻ và lượt click). Theo thống kê của Google, tính đến giữa tháng 6 tháng năm 2021, tổng lượt truy cập của Cổng Thông tin du lịch điện tử Đà Nẵng đạt khoảng 256,928 lượt, số lượt tải ứng dụng (App) Danang fantasticity là 29.251 lượt.
Đứng trước những thách thức và khó khăn khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam và các nước trên thế giới, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã chủ động đổi mới, tập trung đầu tư về nội dung và hình thức các hoạt động xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến các thị trường nội địa, quốc tế theo hướng chuyên sâu, ứng dụng nền tảng công nghệ mới, chuyển từ xúc tiến trực tiếp sang trực tuyến. Cụ thể: tổ chức thành công Lễ hội Đà Nẵng – Chào năm mới 2021 vào tháng 01/2021 với sự tham gia của đông đảo người dân, du khách cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn tại Công viên Châu Á – Asia Park; Chuyển hướng quảng bá thông qua các video clip, MV ca nhạc được trau chuốt về nội dung, thu hút nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội (facebook, instagram, twitter, youtube…) nhờ vào kỹ thuật thiết kế hiện đại, chất lượng cao về hiệu ứng âm thanh và hình ảnh; Giới thiệu du lịch Đà Nẵng đến các thị trường Đông Nam Á thông qua chương trình hội thảo trực tuyến (webinar). Đặc biệt là sự phối hợp với các KOLs, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng (NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, Á hậu Huyền My…) đến trải nghiệm và truyền thông về du lịch Đà Nẵng.
Với mục tiêu phát triển chuyên sâu đối với loại hình du lịch công vụ MICE, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt triển khai và quảng bá rộng rãi các chính sách thu hút và hỗ trợ các đoàn khách du lịch MICE đến Đà Nẵng trong năm 2021; chuẩn bị các bước cần thiết để đón các đoàn famtrip đến khảo sát sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường khách MICE; chủ trì, phối hợp với các địa phương Quảng Nam – Thừa Thiên Huế – Quảng Bình tổ chức công bố chương trình kích cầu Miền Di sản diệu kỳ tại Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ và nhiều hoạt động khác.
Ngoài ra, Sở Du lịch đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp đảm bảo môi trường du lịch như: rà soát, kiểm tra công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu nạn, cứu hộ, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, tại các khu điểm du lịch và các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Trung tâm Hỗ trợ du khách và Tổ phản ứng nhanh du lịch tiếp tục phát huy vai trò, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cung cấp thông tin và xử lý pahrn ánh của du khách.
Dự kiến trong 06 tháng cuối năm 2021, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục tham mưu triển khai hiệu các chương trình, kế hoạch, Đề án liên quan đến lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch; triển khai điều tra thị trường, khảo sát nhu cầu du lịch trở lại của khách nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ với các nền tảng công cụ trên internet để định hướng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch phù hợp; căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để tổ chức công tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng; nghiên cứu và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng về biển, golf, ẩm thực, nông nghiệp, sinh thái, MICE…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch theo Đề án thành phố thông minh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Với những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Cvoid-19 của toàn thành phố và những giải pháp tối ưu của Sở Du lịch trong 06 tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo, ngành du lịch thành phố sẽ có những bước đi ổn định vào giai đoạn khôi phục, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng./.
Ni Huỳnh