“Ký ức Hội An” là chương trình biểu diễn thực cảnh lớn do Chủ đầu tư GHA thực hiện, sẽ ra mắt công chúng vào đầu tháng 2/2018.
Cố vấn biên đạo kiêm Biên đạo sáng tác – Giảng viên, Biên đạo múa Thanh Hằng; và Cố vấn trang phục – Giáo sư, Họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã chia sẻ về “Ký ức Hội An”.
Chuẩn bị công phu
– Hai vị có thể chia sẻ đôi chút từ góc độ người trong cuộc?
GS – Họa sĩ Trịnh Quang Vũ: Trang phục của chương trình này phải làm được nhiệm vụ đưa người xem đi ngược thời gian về Hội An thế kỷ 16-17, vì thế, quá trình chuẩn bị không hề dễ dàng.
Đây cũng là thời kỳ đặc biệt của Đại Việt, khi đất nước đẩy mạnh giao thương buôn bán với các nước trong khu vực và phương Tây, biến Hội An trở thành một điểm đến sôi động trên con đường tơ lụa, hội tụ bản sắc của nhiều quốc gia khác nhau. Chính vì vậy, trang phục cần tôn tạo rõ nét văn hóa Việt Nam khi đặt cạnh trang phục các nước Đông Nam Á, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hà Lan… – các nền văn hóa đã lưu dấu tại Hội An vào thời điểm đó.
Giảng viên – Biên đạo múa Thanh Hằng: Biểu diễn thực cảnh luôn đòi hỏi sự chuẩn bị rất tỉ mỉ, công phu, nên chúng tôi phải lập kế hoạch rất cụ thể cho từng giai đoạn.
Về con người, khâu vũ đạo đã tổ chức tuyển chọn, huấn luyện cơ bản thể lực, luyện tập nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho hơn 500 diễn viên chọn lọc từ ba miền Bắc – Trung – Nam. Tất cả đặt dưới sự dẫn dắt của một ê-kíp đồ sộ bao gồm huấn luyện viên, biên đạo, cố vấn, trợ lý và đạo diễn sân khấu.
Về chuyên môn, các diễn viên phải đáp ứng nghiêm túc mọi yêu cầu chương trình đặt ra cho khâu vũ đạo. Từ tư thế, điệu bộ cho đến phong cách biểu diễn của nhân vật, tất cả phải làm bật lên được hình ảnh, hình tượng, dòng thời gian, không gian, thời điểm lịch sử… mà vở diễn muốn tái hiện một cách sinh động nhất.
– Tái hiện lịch sử – văn hoá của một địa danh là thử thách rất lớn. “Ký ức Hội An” có đủ sức làm điều này?
GS – Họa sĩ Trịnh Quang Vũ: Trong quá trình chuẩn bị, “Ký ức Hội An” thể hiện rõ ba yếu tố quan trọng làm nên sức hút của một chương trình thực diễn.
Thứ nhất là kịch bản hình ảnh hoành tráng, tái hiện không gian Hội An được ghi chép trong các trang sử thời Chúa Nguyễn. Thứ hai, việc thể hiện chính xác trang phục Việt thế kỷ 16-17 như đeo kiếm sau vai, đội nón ba tầm, quần lưng chéo vạt, trang phục cung đình lộng lẫy. Thứ ba, những tiết mục trình diễn tỏ rõ phong cách Việt nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc thông qua mọi chi tiết được thể hiện trên sân khấu.
Giảng viên – Biên đạo múa Thanh Hằng: Kể câu chuyện lịch sử về một vùng đất bằng phương pháp biểu diễn thực cảnh với quy mô biểu diễn hoành tráng, tần suất trình diễn hàng ngày, cho đối tượng khán giả rất rộng từ trong nước đến quốc tế, từ người già đến thanh – thiếu niên, chúng tôi ý thức rất rõ việc trau chuốt từng chi tiết để tái hiện và tôn vinh bản sắc Việt qua từng chi tiết nhỏ.
Lấy áo dài truyền thống của Việt Nam làm ngôn ngữ diễn đạt chính, tôi tin rằng, bản thân sự duyên dáng, thuần khiết trong ngôn ngữ kể chuyện này đã là một sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với khán giả.
Những bước chân đi trên con đường thời gian với sự biến hóa kỳ diệu của âm thanh, ánh sáng sẽ tạo nên những nét riêng, sức hút với đông đảo khán giả để chương trình sống bền vững và gây ấn tượng cho khán giả của “Ký ức Hội An”.
Món ăn tinh thần mới lạ, độc đáo
– Theo nhận định cá nhân, hai vị có cho rằng chương trình này sẽ đủ sức thu hút, lôi cuốn sự quan tâm của khán giả nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng?
GS – Họa sĩ Trịnh Quang Vũ: “Ký ức Hội An” là chương trình tái hiện bản sắc văn hóa Việt một cách sắc nét, sinh động và quy mô sẽ trở thành món ăn tinh thần mới lạ, độc đáo. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng chương trình sẽ lôi cuốn sự quan tâm lớn của đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Chương trình này không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, nó còn mang tính giáo dục về lịch sử, văn hoá một cách tự nhiên và sâu sắc.
Giảng viên – Biên đạo múa Thanh Hằng: “Ký ức Hội An” có kinh phí đầu tư lớn với ê-kíp sáng tạo hùng hậu bậc nhất Việt Nam. Toàn bộ thiết bị âm thanh – ánh sáng, kỹ thuật – kỹ xảo đều hiện đại và tinh xảo, sân khấu thực cảnh quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Và đặc biệt, chủ đề chính của chương trình là kể những câu chuyện Hội An xưa – Thành phố được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo tôi, chương trình thực cảnh hội tụ tất cả yếu tố trên chắc chắn sẽ có sức thu hút rất lớn với công chúng.
“Bất cứ điều gì bạn có thể làm hay có thể mơ, hãy bắt tay vào thực hiện. Vì lòng dũng cảm luôn mang theo trí thông minh, sức mạnh và điều kỳ diệu” – Johann Wolfgang Von Goethe đã từng nói như vậy. Chúng tôi có mơ ước, có lòng dũng cảm, sẵn sàng cống hiến tư duy, sức mạnh và tràn đầy hy vọng rằng chương trình biểu diễn “Ký ức Hội An” sẽ là một món quà kỳ diệu dành cho khán giả Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ là Giáo sư, Họa sĩ, Nhà nghiên cứu Mỹ thuật sở hữu nhiều công trình nghiên cứu về trang phục các triều đại lịch sử Việt Nam cấp Nhà nước. Công chúng biết đến ông là một chuyên gia trang phục cổ trong các dự án điện ảnh, ông đồng thời là người từng tái hiện Thăng Long xưa qua nét vẽ. Biên đạo múa Thanh Hằng là Giảng viên khoa Múa – Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cô là gương mặt nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng trong Cuộc thi Múa và Biên đạo múa Quốc tế lần 10, năm 2014. Thanh Hằng được công chúng cả nước biết đến sau tác phẩm “Cầm giả ca” do cô biên đạo và trực tiếp biểu diễn. Tác phẩm đã đạt Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc năm 2016. |