Đại hội du lịch golf châu Á 2017: Cơ hội để phát triển du lịch golf tại Đà Nẵng

312

Đại hội du lịch golf châu Á 2017: Cơ hội để phát triển du lịch golf tại Đà Nẵng

Trong khuôn khổ Đại hội du lịch golf châu Á (AGTC 2017), chiều 8-5, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO) tổ chức Hội thảo quốc tế về giá trị du lịch golf.

Đại hội du lịch golf châu Á 2017: Cơ hội để phát triển du lịch golf tại Đà Nẵng

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng; ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Peter Walton, Chủ tịch IAGTO; các chuyên gia du lịch của các quốc gia trong khu vực; đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị lữ hành quan tâm thị trường du lịch golf trên địa bàn Đà Nẵng và các địa phương lân cận…

Tiềm năng phát triển du lịch golf lớn

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích tác động và ảnh hưởng của du lịch golf đối với du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung nói riêng và châu Á; tham khảo mô hình và kinh nghiệm làm du lịch golf của các quốc gia trong khu vực; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng và khối doanh nghiệp về du lịch golf; phổ biến và quảng bá về tính chất, tiềm năng phát triển của loại hình du lịch golf, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong tương lai và phát triển chiến lược phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường khách đặc biệt này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, AGTC là cột mốc quan trọng trong việc phát triển tiềm năng du lịch golf của thành phố trở thành một trong những điểm đến du lịch golf hàng đầu của châu Á và thế giới. Ngành du lịch golf tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển bền vững, với giá trị lợi nhuận mang lại trong năm 2016 là 68 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng của du lịch golf đang ở mức khá cao (trên 50%), cùng 3 sân golf mới sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian đến mang lại giá trị gia tăng từ du lịch golf và lợi nhuận trong vòng 5 năm dự kiến đạt 186 triệu USD.

Theo đánh giá của ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện nay, cả nước chỉ có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đi vào hoạt động, 60 sân golf trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các sân golf ở Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có vị trí tương đối gần nhau, có khả năng cạnh tranh với các sân golf tốt nhất của các nước láng giềng và hấp dẫn khách du lịch golf. Các sân golf của Việt Nam gần đây đều gắn với các khu nghỉ dưỡng cùng nhiều dịch vụ đẳng cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao, hướng tới mục tiêu hấp dẫn khách du lịch chơi golf kết hợp với nghỉ dưỡng, đặc biệt khu vực dọc biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An và Nha Trang…

Đến từ Thái Lan, quốc gia có tới 253 sân golf và khai thác thành công nguồn khách du lịch golf, ông Santi Chudintra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch quốc gia Đông Nam Á này cho rằng, du lịch golf đã trở thành chiến lược, một số điểm đến của Thái Lan đã trở thành điểm đến của du lịch golf. Ông Santi Chudintra chia sẻ kinh nghiệm: Thái Lan tăng cường tính đa dạng, không tập trung vào số lượng khách mà tập trung vào chất lượng khách, bởi khách du lịch golf thường chi tiêu cao gấp đôi so với những khách du lịch bình thường, tạo doanh thu rất lớn. Mặt khác, khi phát triển một sân golf kéo theo rất nhiều dịch vụ như vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, ăn uống, lao động… Thái Lan có thể hợp tác với Việt Nam để chia sẻ những lợi ích chung trong ngành công nghiệp du lịch golf.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhận bàn giao “Chiến lược Phát triển du lịch golf Đà Nẵng” từ ông Peter Walton, Chủ tịch Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO)

Phát triển bền vững

Ông Ngô Hoài Chung chỉ ra rằng, du lịch golf tại Việt Nam hiện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf chỉ chiếm 0,5% trên tổng số hơn 10 triệu khách. Một hạn chế nữa là việc liên kết giữa các công ty lữ hành với các chủ sân golf còn chưa nhiều nên các tour du lịch golf tỷ lệ thấp, du lịch golf chưa kết hợp với các loại hình du lịch khác như du lịch M.I.C.E, tàu biển, nghỉ dưỡng, lễ hội…; hệ thống dịch vụ cho du lịch golf đang trong quá trình hoàn thiện, chưa tổ chức được nhiều hoạt động chuyên nghiệp và chưa liên kết với các sân golf trong khu vực nên giá trị sản phẩm chưa cao.

Theo Chủ tịch IAGTO Peter Walton, du lịch golf đã trở thành thị trường mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm và cơ hội cho các điểm đến. Thống kê của IAGTO cho thấy, hiện có khoảng 56 triệu golf thủ trên toàn thế giới và ngành du lịch golf được xếp thứ 3 trong cơ hội phát triển du lịch của châu Á. 169 công ty ở 41 quốc gia của IAGTO đang khai thác du lịch golf tại thị trường châu Á và muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam với mục tiêu tăng 50% lượng người mua cho thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, một khách du lịch golf chi tiêu gấp 2,2 lần so với một khách du lịch thông thường. IAGTO ước tính đến giai đoạn 2018-2019, Đà Nẵng – Việt Nam sẽ tăng nguồn thu từ du lịch golf lên 40 triệu USD/năm.

Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới. Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động du lịch mang tầm quốc tế rất phù hợp với tiêu chí của nguồn khách du lịch golf. Với tinh thần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về du lịch golf, lần đầu tiên được IAGTO trao kế hoạch chiến lược phát triển du lịch golf tại Đại hội du lịch golf châu Á 2017, hy vọng Đà Nẵng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài cho Việt Nam nói chung, miền Trung và Đà Nẵng nói riêng, thu hút nhiều golf thủ đến với thành phố biển này.

Thu Hà – baodanang.vn

You might also like

Comments are closed.

​​​