Đặc sắc Lễ hội Cầu ngư của người dân miền biển

0 90

Sáng 29-2, UBND quận Thanh Khê tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Đến dự có Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi.

Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024 được tổ chức tại Công viên biển Hà Khê (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê)

Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024 được tổ chức từ ngày 27 đến 29-2. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung, cư dân ở các làng chài ven biển Đà Nẵng, trong đó có ngư dân làng biển Thanh Khê.

Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông; được ra đời và phát triển dựa trên những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử văn hoá tâm linh của vùng đất. Đồng thời, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của ngư dân làng chài tại đây.

Từ sáng sớm, đông đảo người dân và du khách có mặt tại công viên biển Hà Khê để tham gia lễ hội

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Trưởng ban tổ chức lễ hội Nguyễn Hữu Công cho biết, qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, các thế hệ làng biển Thanh Khê theo cha truyền con nối đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với sóng gió nơi biển cả.

Ngày nay, nghề đánh bắt cá ở làng biển Thanh Khê vẫn tiếp tục hoạt động, tuy còn gặp những khó khăn nhất định nhưng truyền thống hoạt động nghề cá của dân vạn chài và đời sống tinh thần, tín ngưỡng vẫn tồn tại và giữ vững. Đây chính là nền tảng gốc cho Lễ hội Cầu ngư làng biển Thanh Khê được duy trì hằng năm trên mảnh đất đầu sóng, ngọn gió.

Các bậc lão thành thực hiện phần nghi lễ tôn nghiêm của lễ hội

Phần nghi lễ còn có sự tham gia của các bạn trẻ với mong muốn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thông của cha ông đi trước

Việc bảo tồn và phát huy lễ hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử truyền thống, văn hóa – nghệ thuật, xác lập chủ quyền biển đảo… Cùng với đó, lễ hội đề cao giá trị cố kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Lãnh đạo thành phố dâng hương 

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công tin tưởng, thông qua lễ hội, ngư dân sẽ có một năm đầy may mắn, những chiếc thuyền sẽ hanh thông vượt sóng, những mẻ cá bội thu sẽ nườm nượp đổ về, một năm mưa thuận gió hòa, đời sống Nhân dân được bình yên, no ấm.

“Những mong ước và khát vọng mạnh mẽ đó một lần nữa được gửi gắm qua lễ hội Cầu ngư năm 2024 sẽ là tinh thần cốt lõi cho việc bảo tồn và nâng tầm phát triển lễ hội truyền thống Cầu ngư quận Thanh Khê thành lễ hội cấp thành phố. Đây chính là bằng chứng vật chất, tinh thần xác thực về ứng xử với biển đảo của người dân Thanh Khê từ bao đời nay, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”, ông Nguyễn Hữu Công nhấn mạnh.

Lễ hội mang theo ước nguyện về sự bình an và một năm đánh bắt bội thu

Lễ hội Cầu ngư gồm các nghi lễ truyền thống: lễ nghinh thần; lễ cầu an, cầu ngư; lễ cúng tạ và nhiều hoạt động của phần hội được tổ chức đan xen mang đậm tính dân gian của làng chài: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, ẩm thực “hương vị biển”; hát tuồng, hô hội bài chòi…; các môn thể thao vận động trên biển: biểu diễn dù lượn, mô tô lướt sóng, thuyền Kzal…

Nhiều trò chơi hấp dẫn tại phần hội giúp tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân

Du khách thích thú với các hoạt động tại lễ hội

Năm nay, Ban Tổ chức tổ chức các gian trưng bày: mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, các gian hàng sản phẩm OCOP, đặc trưng của các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các món ẩm thực đặc trưng trên địa bàn quận Thanh Khê.

Ngư dân thực hiện nghi thức ra khơi với mong muốn mưa thuận, gió hoà. Mỗi chiếc tàu của ngư dân mang theo lá cờ đỏ sao vàng vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê được tổ chức từ năm 1923 và duy trì cho đến nay. Theo truyền thống từ xưa, cứ “tam niên đáo lệ” (3 năm một lần) lễ hội sẽ được tổ chức long trọng nhất. Tại thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Theo danang.gov.vn

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

​​​