Sáng ngày 02 tháng 4 năm 2025, chuyến bay từ Almaty (Kazakhstan) VJ52 bằng tàu bay A330/300 đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Gần 300 hành khách trên chuyến bay đã đến tham quan và trải nghiệm dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng.
ĐÀ NẴNG KẾT NỐI ĐƯỜNG BAY TRỰC TIẾP ĐẾN THỊ TRƯỜNG KHÁCH DU LỊCH KAZAKHSTAN VÀ CÁC NƯỚC CIS
Chương trình chào đón chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Almaty (Kazakhstan) đến Đà Nẵng đã được tổ chức tại Ga đến Quốc tế, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Lễ đón có sự tham dự của Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Cảng vụ Hàng không miền Trung, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng, cùng các đại diện từ các công ty lữ hành khai thác đường bay, bao gồm Crystal Bay Tour và Rustar DMC Vietnam, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra nghi thức phun nước, biểu diễn nghệ thuật chào mừng, tặng hoa và nón lá lưu niệm cho tất cả hành khách, cùng với hoạt động chụp ảnh lưu niệm. Theo kế hoạch, các đơn vị lữ hành sẽ khai thác đường bay từ Kazakhstan đến Đà Nẵng với tần suất 4 chuyến mỗi tuần từ tháng 04 đến tháng 10 năm 2025. Cụ thể, từ Almaty đến Đà Nẵng sẽ có 02 chuyến mỗi tuần vào thứ Ba và thứ Sáu; từ Astana đến Đà Nẵng sẽ có 02 chuyến mỗi tuần vào thứ Tư và thứ Bảy.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng: “Việc mở đường bay Almaty (Kazakhstan) – Đà Nẵng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc kết nối du lịch Đà Nẵng với thị trường Kazakhstan nói riêng và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) nói chung, góp phần thúc đẩy thu hút khách du lịch từ thị trường tiềm năng mới này đến Đà Nẵng. Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã chủ động ban hành Kế hoạch phát triển và phục vụ thị trường khách quốc tế qua đường bay từ các nước CIS, trong đó tập trung vào công tác truyền thông, quảng bá và nghiên cứu thị trường; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng đến thị trường CIS; chia sẻ thông tin, định hướng thị trường, và kiểm tra đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách; chuẩn bị các sản phẩm du lịch phù hợp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách.”
THÔNG TIN THÊM
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA ĐỘC LẬP (CIS)
1. Thông tin chung: CIS (Commonwealth of Independent States – Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) có 9 quốc gia thành viên chính thức, bao gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kygrystan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.
2. Dân số:
+ Armenia: Dân số khoảng 3 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Azerbaijan: Dân số khoảng 10,4 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Belarus: Dân số khoảng 9,1 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Kazakhstan: Dân số khoảng 20,6 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Kygrystan: Dân số khoảng 7,2 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Moldova: Dân số khoảng 3 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Nga: Dân số khoảng 144,9 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Tajikistan: Dân số khoảng 10,6 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
+ Uzbekistan: Dân số khoảng 36,4 triệu người tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2024.
3. Thu nhập: Tổng GDP của toàn khối C.I.S đạt khoảng 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2024. CIS là một khu vực kinh tế lớn với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, kim loại quý và nông sản. Nga là nền kinh tế lớn nhất trong CIS, chiếm hơn 60% tổng GDP của toàn khu vực, chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Kazakhstan là nền kinh tế phát triển dựa trên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản, với mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm qua. Belarus thì tập trung vào công nghiệp chế biến và sản xuất máy móc. Azerbaijan chủ yếu dựa vào dầu mỏ và khí đốt. Armenia tập trung vào công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan có nền nông nghiệp đóng vai trò lớn hơn, điển hình của các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
4. Thị hiếu của du khách CIS
– Thời gian đi du lịch và độ dài chuyến đi của khách CIS: Với thị trường nói tiếng Nga, quỹ thời gian đi du lịch tương đối nhiều hơn so với một số khách quốc tế khác. Nhu cầu đi du lịch của thị trường này là rất lớn đặc biệt trong các kỳ nghỉ đông (từ tháng 12 – tháng 2). Phần lớn các tour đi du lịch hiện nay có thời gian dài từ 10-15 ngày.
– Phương thức: Hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, đi theo nhóm, gia đình.
– Ngôn ngữ: Tiếng Nga được sử dụng chính thức hoặc trong đời sống công cộng ở các nước CIS.
– Tôn giáo: Hồi giáo là tôn giáo chính ở các nước C.I.S như Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan… với đa số dân số theo đạo Hồi dòng Sunni.
– Các nội dung yêu thích của khách CIS bao gồm: Bãi biển nhiệt đới ấm áp, tắm nắng và tham gia các hoạt động dưới nước, các hoạt động tham quan giải trí. Đa số người dân thuộc khối CIS theo đạo Hồi nên sẽ không sử dụng thịt heo trong các bữa ăn, thích dùng uống đồ uống có cồn, thường sử dụng cocktail, vodka, bia…tại các quầy bar khách sạn, quán bar dọc biển.
II. DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ PHỤC VỤ THỊ TRƯỜNG KHÁCH QUỐC TẾ QUA ĐƯỜNG BAY TỪ CÁC NƯỚC CIS
1. Công tác truyền thông, quảng bá, nghiên cứu thị trường
a) Nội dung triển khai:
– Xây dựng kế hoạch và tổ chức đón các chuyến bay đầu tiên đến Đà Nẵng
– Thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá về đường bay trên Cổng Thông tin du lịch thành phố Đà Nẵng và các tài khoản mạng xã hội do Sở Du lịch quản lý;
– Đặt bài các cơ quan báo chí, truyền thông về các đường bay mới, tiềm năng phát triển nguồn khách, đặc biệt là khách cao cấp.
– Đề nghị Hãng hàng không Air Astrana, các công ty lữ hành khai thác thị trường các nước CIS (như Crystal Bay, Rustar DMC Việt Nam, Anex…) phối hợp quảng bá điểm đến Đà Nẵng đến thị trường CIS trên các kênh sẵn có của các đơn vị.
– Phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA), Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà Ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) để triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng, đặc biệt đối với các thị trường mới.
– Tổ chức chương trình chào đón chuyến bay đầu tiên từ Almaty (Kazakhstan) – Đà Nẵng (dự kiến vào ngày 02/4/2025)
– Tổ chức điều tra, khảo sát thị hiếu riêng đối với các nước CIS vào dịp cuối năm để có cơ sở nắm thông tin thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ
2. Công tác xúc tiến thị trường
a) Tham gia đoàn Roadshow tại Kazakhstan và Hội chợ Du lịch và Lữ hành Kazakhstan (KITF)
b) Triển khai các đoàn famtrip, tour du lịch khai thác khách du lịch 02 chiều, đề xuất các combo kích cầu du lịch 02 chiều
d) Đón các đoàn famtrip, presstrip từ các nước CIS
đ) Triển khai chương trình kích cầu du lịch và thu hút khách quay trở lại
e) Triển khai chương trình thu hút khách du lịch MICE, khách du lịch cưới
ê) Phối hợp tổ chức các hội thảo về xúc tiến các thị trường khách Trung Đông và các nước CIS (như “Hội thảo xúc tiến du lịch Anex 2025” từ ngày 12-14/5/2025)
3. Công tác chia sẻ thông tin, định hướng thị trường, kiểm tra đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách
a) Tổ chức Tọa đàm chia sẻ thông tin định hướng phục vụ thị trường khách du lịch Trung Đông và các nước CIS năm 2025 (đối với khối cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn, cơ sở dịch vụ khác)
b) Tổ chức Chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Trung Đông và các nước CIS (đối với khối lữ hành, khu điểm, hướng dẫn viên)
c) Tổ chức kiểm tra thực tế thường xuyên các đơn vị chuyên phục vụ nguồn khách về công tác đảm bảo chất lượng phục vụ khách (công tác đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ) Đề nghị các đơn vị đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.
d) Tăng cường công tác đảm bảo an toàn tại các bãi biển du lịch
đ) Tham mưu văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp về quảng bá đường bay và xây dựng sản phẩm tour phục vụ và thu hút khách 2 chiều; gửi thông tin về đường bay mới cho tất cả doanh nghiệp lữ hành toàn quốc để phối hợp quảng bá trên nhiều kênh và nghiên cứu thiết kế các tour kích cầu du lịch (đặc biệt đối với đường bay Emirates)
4. Công tác chuẩn bị sản phẩm du lịch phục vụ khách và giới thiệu sản phẩm du lịch phù hợp
a) Thực hiện rà soát hệ thống sản phẩm du lịch của địa phương và đề xuất chuẩn bị, tổ chức thêm các hoạt động về đêm để phục vụ khách
b) Chuẩn bị các ấn phẩm chuyên đề để giới thiệu cho khách về điểm đến (ấn phẩm về dịch vụ nổi bật, ẩm thực, cơ sở dịch vụ chuẩn Halal)
c) Tham mưu thông tin tư vấn, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ du lịch về các thị trường khách, thị hiếu, yêu cầu phục vụ, đề nghị chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ phù hợp và giới thiệu về tổ chức thẩm định chứng nhận Halal cũng như nguồn cung thực phẩm Halal để giới thiệu phục vụ khách.
d) Thiết kế và xây dựng cẩm nang phục vụ các thị trường khách đặc thù như các nước CIS (bằng hình thức hình ảnh hóa) để hướng dẫn cho các cơ sở dịch vụ du lịch
5. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ
a) Tổ chức chương trình tập huấn cho các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở dịch vụ (kỹ năng giao tiếp, nụ cười thân thiện, thái độ phục vụ, văn hóa, phong tục, ẩm thực, kỹ năng phục vụ khách các thị trường đặc thù…)
b) Tổ chức tập huấn về ngôn ngữ tiếng hiếm (như tiếng Nga) trong phạm vi nghề cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên các khu điểm du lịch
c) Chia sẻ thông tin và làm việc với trường Đại học ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng và các cơ sở đào tạo về du lịch, ngôn ngữ về kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn lực có chuyên môn nghiệp vụ du lịch và khả năng giao tiếp các ngoại ngữ tiếng hiếm để chuẩn bị phục vụ cho các thị trường khách
6. Công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp
a) Cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thiết thực về nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ khách.
b) Chủ động, tích cực phối hợp tham gia xúc tiến thị trường, tích cực tham gia các hoạt động sự kiện do Sở tổ chức, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với thị trường để thúc đẩy hoạt động du lịch.
SỞ DU LỊCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG