Đà Nẵng tuổi 20 – Bay cao cùng đất nước sẽ là chương trình nghệ thuật tập hợp đông đảo nhất các nghệ sĩ gốc Quảng Nam – Đà Nẵng nổi tiếng đang hoạt động trên cả nước.
Chương trình nhằm kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc T.Ư (1.1.1997 – 1.1.2017), diễn ra lúc 20 giờ ngày 30.12 tại Cung thể thao Tiên Sơn. Đây là một trong những chương trình nổi bật thuộc chuỗi hoạt động chào đón sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng sau 20 năm tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư. Chương trình được sự chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng và do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức; truyền hình trực tiếp trên VTV1 – Đài truyền hình VN, tiếp sóng trên Đài PT-TH Đà Nẵng (DRT).
Khán giả chắc chắn sẽ có nhiều thú vị với việc lần đầu tiên quy tụ trên cùng một sân khấu nhiều nghệ sĩ gốc Quảng Nam – Đà Nẵng đang được yêu thích như: Ánh Tuyết (quê ở Hội An, Quảng Nam), NSƯT Thanh Lam (quê của cha cô – cố nhạc sĩ Thuận Yến – là Duy Xuyên, Quảng Nam), ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (quê ở Quảng Nam), Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ (sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng), á quân Sao Mai 2005 Quang Hào (sinh tại Quảng Nam, lập nghiệp ở Hà Nội rồi về làm việc cho Đoàn ca múa nhạc TP.Đà Nẵng). Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ: “Lâu nay tôi thường không nhận lịch diễn tại địa phương nơi tôi sắp làm live show. Nhưng với chương trình ý nghĩa như vậy, lại được thể hiện ca khúc hay về thành phố này là Đà Nẵng khải hoàn ca, tôi không thể từ chối”.
Sáng tác trường ca riêng cho chương trình
Đạo diễn Thái Huân đã “đặt hàng” nhạc sĩ Minh Châu, cũng là một người con của Đà Nẵng, sáng tác Trường ca Đà Nẵng dành riêng cho chương trình.
Nhạc sĩ Minh Châu được yêu thích qua những sáng tác nổi tiếng: Một ngày bình yên, Ánh sáng của đời tôi, Kiếp lữ hành… và sau đó là Trường ca bức tranh non nước, Trường ca người Việt, Trường ca Mê Kông, Trường ca biển cả (đã được Tổ chức Kỷ lục VN xác lập và trao chứng nhận Nhạc sĩ viết nhiều trường ca nhất VN năm 2011). Anh cho biết đã hoàn thành Trường ca Đà Nẵng chỉ trong 10 ngày: “Tôi được sinh ra tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Vì thế, từ âm nhạc dân gian đến đặc trưng văn hóa phong phú và đa dạng của vùng đất này đã được tôi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều từ rất lâu rồi”.
Trường ca gồm 3 phần: Miền đất yêu thương – Khúc hát nghĩa tình – Cất cánh bay cao. Hơn nửa tháng qua, ca sĩ Ánh Tuyết và Quang Hào đã dành nhiều thời gian tập từng phần riêng và kết hợp song ca. Nữ ca sĩ nhìn nhận: “Người sáng tác khá am tường từ phương ngữ, dân ca xứ Quảng đến giá trị lịch sử, văn hóa vùng miền nên viết rất ra chất”.
Đưa xiếc vào âm nhạc
Đạo diễn Thái Huân cho biết với chủ đề Bay cao cùng đất nước, bên cạnh âm nhạc, hình ảnh, anh đặc biệt chú trọng đưa yếu tố xiếc vào nhiều tiết mục khi dàn dựng để chuyển tải nội dung và tính chất chủ đề một cách bay bổng. Chuyện tình của biển (Phương Linh – Hà Anh Tuấn) sẽ sử dụng xiếc đu dây để tăng vẻ đẹp lãng mạn của bài hát. Với Nơi đảo xa (Trọng Tấn), diễn viên xiếc vào vai người lính hải quân, xiếc chống bật với tre và nhảy, đu trên chiếc “cầu người”. Hoặc trong bài hát Hơi thở biển xanh (Kasim Hoàng Vũ), xiếc đu dây được đưa vào biểu diễn trên mô hình cáp treo Bà Nà…
Từ đầu tháng 12, bộ phận thi công sân khấu đã vào Cung thể thao Tiên Sơn lắp đặt thiết bị chuyên dụng, song song đó, các nghệ sĩ của Đoàn xiếc TP.HCM cùng diễn viên múa, ca sĩ cũng tập dượt trước tại TP.HCM với biên đạo Hữu Trị, Lê Việt… Cùng với mô hình 2D của cáp treo Bà Nà, mô hình 3D của cầu Rồng cũng sẽ xuất hiện độc đáo trong chương trình, được thả nhịp nhàng từ trên xuống theo từng khối, tạo cảm giác sống động. Nhiều kỹ thuật sân khấu hiện đại khác mà những chương trình quy mô sử dụng như mâm xoay, bàn nâng, tách màn hình… cũng sẽ xuất hiện trong chương trình nhằm tạo hiệu ứng nghệ thuật cao nhất.
Theo thanhnien.vn