Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, chiều 14-10, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề Xúc tiến Đầu tư Du lịch Đà Nẵng dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Đà Nẵng
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các sở, ngành, nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 20,1%, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 25,4%, khách nội địa tăng bình quân 18,5%. Tổng thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân đạt 30,7%.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết, tổng lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016 đạt hơn 5,5 triệu lượt, tăng 18,4% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2015; tổng thu du lịch đạt trên 16 ngàn tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2015. Dự kiến năm 2017, thành phố sẽ đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế. Tính đến tháng 9-2017, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố lên 653 cơ sở lưu trú với 25.756 phòng; có 313 đơn vị kinh doanh lữ hành với trên 3.158 hướng dẫn viên, 730 xe đạt chuẩn phục vụ du lịch. Hiện thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD, tương đương 153 ngàn tỷ đồng.
Để đạt được những con số ấn tượng này, không thể không kể đến vai trò của việc đầu tư, nâng cấp các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Helio, Công viên Núi Thần Tài, Công viên Châu Á… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá được chú trọng quan tâm cả ở trong nước và nước ngoài; các sự kiện lớn thu hút khách du lịch được thành phố tổ chức hàng năm như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Khai trương mùa du lịch biển, Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á. Đồng thời, công tác đảm bảo môi trường du lịch tiếp tục được giữ vững, đảm bảo về an ninh, an toàn, nhiều mô hình mới được đưa vào hoạt động hiệu quả tạo tâm lý an tâm cho du khách như Trung tâm hỗ trợ du khách, Đội cứu hộ biển, Lực lượng chống chèo kéo khách du lịch, Tổ phản ứng nhanh.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định, du lịch Đà Nẵng thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước. Những chính sách phát triển du lịch Đà Nẵng đã được nhân dân thành phố hưởng ứng. Đây chính là những bài học, mô hình hay để nhân rộng trên cả nước.
Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được khẳng định qua sự bình chọn và đánh giá cao của du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới. Đặc biệt, sự kiện thành phố Đà Nẵng được trao giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” năm 2016 đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng mang tầm quốc tế.
Hướng đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu quốc tế
Theo ông Ngô Quang Vinh, nhằm từng bước bắt kịp xu hướng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu du lịch quốc tế, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính, gồm: nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); Nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa – ẩm thực, chữa bệnh – làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển.
Các ý kiến, tham luận của đại biểu tại hội nghị rất hưởng ứng, đồng thuận với định hướng phát triển này của Đà Nẵng. Ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển Dự án của Tập đoàn Sun Group cho biết, nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống đang tăng cao. Nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức, cộng đồng du lịch quốc tế dự báo du lịch trải nghiệm năng động, mới lạ như lặn biển, lướt sóng, dã ngoại trong rừng, du ngoạn trên sông, biển với du thuyền… sẽ lên ngôi. Bên cạnh đó, loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng) cũng đang phát triển mạnh trên thế giới; đây là loại hình rất tiềm năng, có khả năng đem lại doanh thu cao hơn cả và đối tượng khách cũng yêu cầu cao hơn nhiều so với khác du lịch tham quan thông thường, lại không chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ. Theo ông Hải, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển theo xu thế du lịch trải nghiệm nếu tận dụng hiệu quả những thế mạnh đang có về sông nước, biển, núi để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang lại những trải nghiệm khác biệt. Để đẩy mạnh du lịch MICE, ông Nguyễn Quang Hải cho rằng, thành phố cần xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ từ cảng hàng không, cảng biển cho đến hệ thống cơ sở lưu trú hạng sang, với các tiện nghi vật chất và sức chứa tới hàng ngàn người cùng lúc. Và APEC 2017 chính là cơ hội để Đà Nẵng đặt nền móng cho phát triển du lịch MICE, thành phố cần phát huy tối đa cơ hội này.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng, để phát triển thành một trung tâm du lịch tầm cỡ, Đà Nẵng cần nhanh chóng đa dạng hóa nguồn khách, tăng số ngày lưu trú, hạn chế tính thời vụ, hướng đến sự phát triển bền vững của điểm đến. Ông Dũng nêu một số đề xuất: phát triển mạnh du lịch biển với hệ thống sản phẩm cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, các hoạt động ngoài trời; phát triển du lịch văn hóa gắn liền với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương, du lịch làng nghề phía Nam-Tây Nam thành phố; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; phát triển các dịch vụ về đêm.
Để du lịch Đà Nẵng phát triển hơn nữa, vươn ra xứng tầm khu vực và quốc tế, ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, thành phố Đà Nẵng cần xác định rõ mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nào để tạo nên những sản phẩm riêng biệt, tiếp cận nhanh với xu thế phát triển trên thế giới; đồng thời, cần giải quyết hợp lý vấn đề về quỹ đất phát triển du lịch, giải quyết hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường nhằm tạo được lòng tin, thu hút du khách trong và ngoài nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quản lý Nhà nước về du lịch, trong đó chú trọng quản lý, tập trung đào tạo và nâng cao chất lượng lẫn số lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát huy những lợi thế của các tỉnh, thành phố ven biển, tạo ra được con đường du lịch miền Trung qua đó hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cùng ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác quy hoạch ngành gắn với quy hoạch tổng thể du lịch của cả nước và liên kết chặt chẽ với du lịch các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên; ưu tiên phát triển du lịch biển, MICE, phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hình thành các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại lớn, có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường để xác định đối tượng khách chủ lực, định vị thị trường khách từ đó có hướng đầu tư, khai thác thích hợp; tiếp tục thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao, văn hóa, lễ hội, liên hoan du lịch mang tầm cỡ khu vực, quốc gia, quốc tế để tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng – điểm đến an toàn và thân thiện của du khách.