Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như thu hút du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch đường thủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021. Qua gần một năm triển khai, kế hoạch đã mang lại nhiều kết quả khả quan, cụ thể: năm 2019, tổng lượng khách tham quan đạt 719.484 lượt, tăng 29% so với năm 2018, trong đó thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ 60%, khách đến từ các nước khác chiếm khoảng 15%, khách nội địa chiếm 25%.
Tính đến tháng 12/2019, tổng số tàu đang hoạt động là 26 tàu, trong đó tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý có 18 tàu (01 tàu nhà hàng), gồm 03 tàu trên 100 khách và 15 tàu từ 50-100 khách và tuyến sông Hàn – Hòn Chảo có 08 tàu. Tất cả các tàu hiện nay đều đã được đóng mới và cấp biển hiệu đạt chuẩn về chất lượng và đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Việc đầu tư, khai thác dịch vụ điểm đến trên các tuyến du lịch đường thủy nội địa đã được triển khai đồng bộ, đến nay một số dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương và bước đầu đi vào triển khai như: sử dụng bãi Tiên Sa (thuộc khu an dưỡng Tiên Sa) làm điểm dừng trên tuyến du lịch đường thủy nội địa sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà, sông Hàn – Hòn Chảo; hoàn thành việc đầu tư các bến CT15, K20, Túy Loan, Thái Lai; hỗ trợ các hộ dân tại Hòa Vang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, homestay, du lịch gắn với nét văn hóa truyền thống của địa phương.
Mặc dù việc phát triển du lịch đường thủy nội địa vẫn đang gặp nhiều khó khăn về công tác quy hoạch, đầu tư, về điều kiện hoạt động cảng, bến thủy nội địa, về điểm đến và sản phẩm du lịch…nhưng ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang phối hợp với các ngành, địa phương để từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian đến (nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa; đầu tư điểm dừng chân đối với các tuyến sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà, sông Hàn – hòn Chảo, sông Hàn – Ngũ Hành Sơn; kêu gọi đầu tư xây dựng làng rau La Hường trở thành điểm tham quan trải nghiệm cho du khách, kết hợp tham quan làm nghề làm bánh Khô mè Bà liễu, tham quan di tích lịch sử tại làng Phong Lệ, Hòa Châu, …).
Trước những tác động của thị trường du lịch thế giới, của môi trường tự nhiên – xã hội, việc tập trung đầu tư, nâng cấp, đổi mới và đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ giúp Đà Nẵng tiếp tục duy trì và tăng trưởng thị trường khách trong các năm tiếp theo. Đồng thời, với những nỗ lực trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, thành phố Đà Nẵng vẫn luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn hàng đầu hiện nay đối với du khách quốc tế và nội địa.
— Lê Ni – Danang Fantasticity —