Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố Đà Nẵng, UB Thường vụ Quốc hội đã xem xét tờ trình của Chính phủ và cho phép Đà Nẵng hưởng một số cơ chế đặc thù trong đầu tư tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý.
Chiều 11/7, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Thành phố Đà Nẵng “nới lỏng” 2 cơ chế về tài chính ngân sách.
Cụ thể, Đà Nẵng đề nghị được nâng mức tổng dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% theo quy định hiện hành lên 100% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố. Nếu thực hiện theo Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2017) thì mức dư nợ vay lên khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đề nghị thứ hai là thành phố Đà Nẵng sẽ được “hưởng” tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) và các khoản vượt thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.
“Đà Nẵng cần tính toán và cân nhắc đến khả năng trả nợ của địa phương. Không nên vung tay quá nhiều, nếu nợ công tăng quá cao thì Đà Nẵng sẽ gánh chịu hậu quả” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảnh báo Đà Nẵng.
Theo Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng, nâng mức tổng dư nợ từ 30% lên 40% là hợp lý. Tỉ lệ này sẽ giúp Đà Nẵng khống chế bội chi ngân sách và đầu tư công.
Sau khi thảo luận ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có kết luận chính thức về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng từ ngày 1/1/2017. Theo đó, mức huy động “không quá 40% số thu ngân sách mà Đà Nẵng được hưởng”, tức là cao hơn các địa phương khác 10% nhưng vẫn thấp hơn Hà Nội, TP HCM 20%.
Dự thảo Nghị định sẽ cho phép Đà Nẵng hưởng cơ chế thưởng vượt thu ngân sách là 70% sau khi được UB Thường vụ Quốc hội thông qua. Ủy ban Tài chính ngân sách có nhiệm vụ hoàn chỉnh ý kiến thành viên Thường vụ Quốc hội để chuyển cho Chính phủ trước ngày 20/7.
Thế Dương