Việt Nam có nhiều con sông nổi tiếng chảy ngang qua những thành phố từ Bắc đến Nam, sông Hồng nặng phù sa như dải lụa đỏ vắt ngang thủ đô Hà Nội, sông Hương hiền hòa, dịu dàng như một nàng thơ của vùng đất cố đô, sông Sài Gòn uốn lượn quanh thành phố Hồ Chí Minh tạo nên một nét đặc biệt của đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam.

Cùng hòa chung với những dòng sông nổi tiếng đó, sông Hàn ở Đà Nẵng mang cho mình sự độc đáo và dấu đậm nét trong lòng thành phố Đà Nẵng. Dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người Đà Nẵng, là chứng nhân của những đổi thay ở thành phố trẻ trung và đầy năng động.

Chứng nhân đó là 6 cây cầu nối đôi bờ Hàn Giang bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn kéo dài 7,2 km đến tận cửa Hàn rộng lớn đổ ra Vịnh Đà Nẵng.

Chứng nhân đó đã tạo nên một tên gọi mới đặc biệt riêng cho đô thị miền Trung này: “Đà Nẵng – thành phố của những cây cầu”

Sông Hàn có dòng chảy từ Nam đến Bắc, cây cầu đầu tiên trên nhánh sông này là cầu Tiên Sơn. Cầu khánh thành năm 2014, mang ý nghĩa lớn trong khu vực và thành phố Đà Nẵng.

Cầu Tiên Sơn là cây cầu cuối cùng của tuyến đường hành lang kinh tế Đông – Tây, nối điểm cuối cùng là cảng Tiên Sa bên bán đảo Sơn Trà, cây cầu còn kết nối toàn bộ phía Đông và phía Tây của Đà Nẵng, mở đường lưu thông hàng hóa để thành phố Đà Nẵng vươn mình phát triển.

Theo dòng chảy của Hàn giang, cách cầu Tiên Sơn khoảng 4km là cầu Trần Thị Lý.

Cầu trước đây vốn là cầu đường sắt thời Pháp thuộc, được xây mới và khánh thành năm 2013, đây được cho là cây cầu có kiến trúc độc đáo vào loại nhất nhì Việt Nam.

Với trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu đẹp và lạ mắt, trụ tháp đơn nghiêng cao 145 mét và dây văng đa mặt phẳng, phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông, thể hiện nét độc đáo, hiện đại, biểu tượng cho khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh cầu Trần Thị Lý là cây cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu như là “chứng nhân” gắn liền với biết bao nhiêu sự kiện quan trọng của lịch sử Đà Nẵng.

Vì vậy bên cạnh những nét độc đáo và tráng lệ của những cây cầu bắc qua sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi được ví như “nàng lọ lem” của Đà Nẵng, được thành phố cải tạo và giữ lại nguyên dạng như một kỷ vật của sông Hàn, cầu bây giờ trở thành cầu đi bộ và được giới trẻ Đà Nẵng lựa chọn là điểm ngắm thành phố và check in mới nổi của thành phố.

Cách hai cây cầu này khoảng 1km, cầu Rồng ở ngay vị trí trung tâm của thành phố được ví như cây cầu của những kỷ lục. Hình dáng cầu Rồng được mô phỏng theo hình tượng con rồng thời Lý, gửi gắm ước vọng vươn lên mạnh mẽ của thành phố trẻ, với tâm thế vươn ra Biển Đông.

Thiết kế của cầu Rồng đã nhận được nhiều giải thưởng lớn tại các lễ trao giải và hiện đang giữ kỷ lục Guinness “Con rồng thép dài nhất”, được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là “Cây cầu thiết kế mới lạ và độc đáo nhất Việt Nam”.

Cầu rồng phun lửa và nước vào mỗi dịp cuối tuần và các ngày lễ lớn. Ảnh: Lê Quang Thiện

Nét độc đáo của này được ghi nhận bởi là “sự sống động” của nó vào dịp cuối tuần khi du khách được chứng kiến Rồng phun lửa và phun nước trên nền ánh sáng đầy màu sắc chuyển đổi lung linh và huyền ảo.

Tuy không phải là cây cầu bắt qua sông Hàn nhưng “cầu tình yêu” cùng với mô hình Cá Chép hóa Rồng nằm trong cụm công trình bến du thuyền DHC – Mariana là điểm hẹn hò mới của giới trẻ và khách du lịch bởi vẻ đẹp lãng mạn và vị trí thuận lợi của nó trong bản đồ du lịch Đà Nẵng.

Theo dòng chảy chuyển dần lên hướng Bắc, cầu sông Hàn mang một dáng dấp và thiết kế đặc trưng riêng cho mình. Trước đây, cứ nhắc đến Đà Nẵng, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến cầu quay sông Hàn. Đây là cây cầu độc nhất ở nước ta có thể quay được nhịp giữa với góc 90 độ.

Đặc biệt, cầu sông Hàn còn là cây cầu đầu tiên được làm từ một phần kinh phí do chính người dân Đà Nẵng đóng góp xây dựng. Chính vì vậy, cùng với danh thắng Ngũ Hành Sơn, cầu quay trong nhiều năm được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng.

Và điểm nhấn cuối cùng của dòng sông là cây cầu dây văng giữ là chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam hiện nay. Cầu được xây dựng từ năm 2003 và khánh thành vào năm 2009, nằm ngay cửa sông Hàn, nối hai bờ của quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Cầu Thuận Phước có vị trí tốt nhất có thể ngắm toàn cảnh Đà Nẵng cũng như toàn cảnh vịnh Đà Nẵng.

Một nét đặc biệt của những cây cầu nổi tiếng trên sông Hàn chính là địa điểm thú vị để ngắm bầu trời tuyệt đẹp của Đà Nẵng khi bình minh ló dạng hoặc hoàng hôn buông xuống. Cũng chính vì thế, những cây cầu nối liền hai bờ Hàn giang chính là địa điểm chụp ảnh nổi tiếng nhất của Đà Nẵng với hàng ngàn bức ảnh tuyệt đẹp về “Thành phố của những cây cầu”.

Nội dung và hình ảnh: Thịnh Khả Vương
Thiết Kế: Huân Nguyễn, Trọng Nhân

Theo Danang Fantasticity

06/03/2018

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link