Bài dự thi cuộc thi Đà Nẵng NHỚ…!
![🔸](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t72/1/16/1f538.png)
![🔸](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t72/1/16/1f538.png)
![🔸](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t72/1/16/1f538.png)
![🔸](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t72/1/16/1f538.png)
Khi đi du lịch đến Đà Nẵng, ngoài việc tham quan cảnh đẹp, thưởng thức các món ăn “đường phố” ngon ra, du khách có thể tham quan, vãn cảnh và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Cơ tu thông qua những chuyến du lịch trải nghiệm tại xã Hòa Phú hay xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chỉ cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30 Km.
Bởi, trong kho tàng ẩm thực của người Cơ tu vùng thấp luôn chứa đựng những giá trị đặc sắc với những món ăn ngon, lạ, đậm đà hương vị núi rừng.
Già làng Nguyễn Văn Cần (82 tuổi, trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cho hay, một trong những món ăn đặc sản “chủ lực” của người Cơ tu nơi đây là cơm lam. Thông thường, khi chế biến, gạo nếp được cho vào ống tre hoặc ống lồ ô, sau đó đổ nước vào, dùng lá bịt kín đầu ống rồi đốt lửa nướng. Khi ăn cắt khúc và chẻ ống tre. Món cơm này có mùi thơm dịu nhẹ của tre, lại có thể để được lâu ngày mà không sợ ôi thiu.
Già Đinh Văn Trí (72 tuổi, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) cho hay, riêng về thịt heo, có đến gần chục cách chế biến, nhưng món nướng là ngon hơn cả. Cách nướng như sau: Thịt heo rừng không già hoặc non, xắt miếng lớn, ướp với muối ớt, tiêu rừng cho thấm sau đó xiêng vào que nướng trên than hồng. Món này khi nướng, bốc lên mùi thơm hấp dẫn. Khi thịt chín, có thể vừa cầm que vừa ăn hoặc lấy ra từng miếng để ăn, ăn hơi nóng, vừa thổi vừa ăn. Ngoài ra, bà con làm món thịt muối chua (Zrúa) như sau: thịt heo rừng bóp với muối và cơm sau đó cho vào ché bịt lại. Để càng lâu càng ngon. Món này nấu với các loại rau rừng thì rất đậm đà hương vị “rừng xanh”.
Già Trí cũng cho hay, món cá niên (cá liên) nướng của người Cơ Tu cũng không kém phần hấp dẫn. Cá niên chỉ nhỏ khoảng 2 ngón tay, thân hơi lép, có mầu trắng bạc. Cá đem rửa sạch mang để ráo rồi nướng trên than hồng. Cá càng nhỏ, ăn càng ngon với cái dai, béo, bùi của thịt, dòn và ngọt của xương. Cá niên nướng chấm với muối ớt xanh vẫn là món ngon nhất và cũng đơn giản nhất. Có lẽ chưa loại cá nào nướng toả mùi thơm như cá niên. Cá thơm dòn, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, nhai từng miếng nhỏ cá niên nướng giòn rụm, bùi béo không bút mực nào tả được.
Già Cần cho hay, thông thường, thịt và cá được nướng trực tiếp trên bếp củi hoặc tẩm ướp gia vị rồi cho vào ống tre để nướng như cách làm cơm lam. Thịt, cá nướng và cơm lam thường được chấm với loại muối sống giã nhuyễn với tiêu rừng và ớt. Gia vị trong các món ăn còn có thêm sả, ớt…
Riêng về món mối thì được rang lên cho rụng cánh, khi ăn có vị bùi, béo, thơm nhẹ. Bên cạnh đó, người Cơ Tu còn nhiều món ăn khác như gà nướng, lá sắn xào, thịt heo nướng ống tre, bánh sừng trâu, rau dớn xào tỏi, canh môn nấu ếch rừng, cờ đang um… Những món này được bày quanh bàn tròn, kèm theo một ché rượu cần đặc trưng của núi rừng…
Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), một trong những người sản xuất rượu cần Phú Túc cho hay, ngày xưa bà con thường nấu rượu bằng sắn với các loại men truyền thống như rễ cây, vỏ cây khiến chất lượng rượu không được bảo đảm. Bây giờ, rượu được nấu từ gạo nếp loại ngon, trấu sạch và men lá truyền thống, tuyệt đối không được sử dụng hóa chất, sử dụng nguồn nước tinh khiết.
Ngày nay, khi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, vùng miền ngày một phát triển, các món ăn của người Cơ tu vùng cao Đà Nẵng không chỉ bó hẹp trong bữa ăn gia đình mà trở thành món ăn “đặc sản” vùng cao phục vụ nhu cầu tìm tòi, khám phá, trãi nghiệm của du khách mọi miền đắt nước.