Nhà Trưng bày Hoàng Sa được thành lập vào ngày 08/8/2017, chính thức đi vào hoạt động đón khách tham quan từ ngày 28/3/2018. Công trình được xây dựng tại đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những tư liệu lịch sử và pháp lý minh chứng về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa lưu giữ và trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh được chia thành 5 chủ đề, được giới thiệu thông qua hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Chủ đề 1: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên quần đảo Hoàng Sa. Chủ đề giới thiệu tổng quan về vị trí chiến lược, tọa độ, phân loại các thực thể địa lý trên quần đảo Hoàng Sa, tài nguyên thiên nhiên, sinh vật biển trên quần đảo Hoàng Sa.
Chủ đề 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời nhà Nguyễn. Chủ đề này kéo dài khoảng 2 thế kỷ từ đầu thế kỷ 17 đến trước năm 1802. Quần đảo Hoàng Sa được định danh với tên gọi bằng chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng” và được miêu tả rất chi tiết trên các bản đồ, thư tịch cổ từ thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn khẳng định các nhà nước Việt Nam đã phát hiện, khai thác, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, coi đây là phần lãnh thổ quan trọng của quốc gia trên biển.
Chủ đề 3: Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam ở thời nhà Nguyễn (1802 – 1945). Ở chủ đề này giới thiệu các thư tịch cổ, tài liệu cổ của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được thể hiện: Nhà Nguyễn tiếp tục thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thông qua nhiều hoạt động của đội hùng binh và thủy quân triều đình. Bên cạnh đó, không gian trưng bày về: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; Quê hương của Hải đội Hoàng Sa; hình ảnh, tư liệu về hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa (1858-1945); các bản đồ cổ, tư liệu cổ xác nhận lãnh thổ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ đề 4: Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (1945 – 1974) được thể hiện rõ qua:
– Không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, tư liệu về hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa như: sự thiết lập đơn vị hành chính, lưu quân trấn giữ, các hoạt động quan trắc khí tượng và khai thác nguồn lợi kinh tế trên vùng biển, đảo Hoàng Sa; các công văn liên quan đến hoạt động của Trạm khí tượng đặt trên đảo Hoàng Sa (Pattle vào năm 1955); các Nghị định, các sắc lệnh, quyết định, các công điện liên quan đến việc cử người ra quần đảo Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ.
– Không gian trưng bày các tư liệu về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Sự kiện lên án hành động bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Chủ đề 5: Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ 1974 đến nay: Mặc dù, Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 nhưng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực thi, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Kể từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, UBND huyện Hoàng Sa được nhận nhiệm vụ thay mặt cho thành phố Đà Nẵng và cũng thay mặt cho cả nước quản lý quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thử thách, phức tạp, cả khách quan và chủ quan, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, mặt trận, hội đoàn thể, các quận, huyện, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp; sự cổ vũ hết lòng và chung tay vì chủ quyền biển đảo Việt Nam của giới trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ, các nhân chứng Hoàng Sa, thanh niên, học sinh, sinh viên, chiến sĩ, đồng bào và các tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, UBND huyện Hoàng Sa đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý và tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mỗi chủ đề, mỗi không gian trưng bày sẽ đem đến cho du khách những thông tin hữu ích. Tất cả tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa thể hiện: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên, liên tục đã có quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
ĐỊA CHỈ, THỜI GIAN MỞ CỬA VÀ THÔNG TIN LIÊN HỆ
* Địa chỉ: Đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
* Thời gian mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày Lễ, Tết) như sau:
– Buổi sáng: từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 30;
– Buổi chiều: từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 00;
* Email: nhatrungbay.hoangsa@gmail.com
* Vé tham quan: Nhà Trưng bày Hoàng Sa miễn phí vé tham quan
* Thông tin liên hệ
– Số điện thoại Lễ tân: 0236.3689.921
– Số điện thoại Bộ phận Nghiệp vụ: 0236.3690929
TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH ĐÀ NẴNG