Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Hơi thở từ nhịp sống mới

0 997

Với thái độ xa lạ dành cho chính sản phẩm tinh thần của dân tộc, ít ai trong chúng ta biết đến luồng sinh khí mới tươi trẻ, hấp dẫn trên sân khấu…

Với thái độ xa lạ dành cho chính sản phẩm tinh thần của dân tộc, ít ai trong chúng ta biết đến luồng sinh khí mới tươi trẻ, hấp dẫn trên sân khấu Tuồng.Trong một buổi diễn, khán giả sẽ có tiếng cười, sự thích thú và cả những suy tư.

Là dòng sân khấu tự sự với nội dung tập trung vào đề tài yêu nước và những tấm gương tận trung báo quốc; hình thức sử dụng nhiều thủ pháp ước lệ, khoa trương cách điệu, nghệ thuật Tuồng truyền thống dường như không còn gần gũi với sự tiếp nhận của khán giả trẻ. Đặc biệt loại hình này càng bị thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ và sức ép của các hình thức giải trí hiện đại.

Các nhà hát tuồng trên khắp cả nước được thành lập là nỗ lực quan trọng trong công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống này. Quả thật, từ lúc nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được xây dựng khang trang tại 155 Phan Châu Trinh, nghệ thuật Tuồng dường như khẳng định vị trí độc tôn trong bản sắc văn hóa mà mỗi người dân Quảng Nam – Đà Nẵng tự hào.

Thế nhưng việc mua vé xem Tuồng không còn phổ biến như trước, nghệ thuật Tuồng chỉ là “đặc sản” cho du khách quốc tế. Với thái độ xa lạ dành cho chính sản phẩm tinh thần của dân tộc, ít ai trong chúng ta biết đến luồng sinh khí mới tươi trẻ, hấp dẫn trên sân khấu Tuồng. Trong một buổi diễn, khán giả sẽ có tiếng cười, sự thích thú và cả những suy tư.

Chương trình Nghệ thuật truyền thống Việt Nam được tổ chức đều đặn vào lúc 19h30 các tối thứ Tư và thứ Bảy để phục vụ quần chúng và du khách với giá vé 50.000 đồng. Chương trình là sự đan xen các tiết mục múa hát dân gian, âm nhạc Champa với một trích đoạn Tuồng hấp dẫn thay vì một vở Tuồng dài hơi. Nhờ vậy, buổi diễn không chỉ thể hiện được nhiều màu sắc văn hóa mà còn khá cuốn hút.

“Phương Cơ qua ải” là một trích đoạn trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, nói về nhân vật Phương Cơ vâng lời cha đi do thám bọn nịnh thần muốn soán ngôi. Thế nhưng, đấy là một Phương Cơ giả điên, khôn khéo qua mặt lính tuần bằng vẻ ngây ngô, những phản ứng táo bạo và cả cái điên dại, thật sự khiến khán giả phải theo dõi để biết nhân vật sẽ làm gì. Nhập vai Phương Cơ bằng giọng hát sắc ngọt, diễn xuất điêu luyện là NSUT Nguyễn Thị Thúy Hằng, người đã có hơn 20 năm trong nghề. Với một nghệ sĩ như chị, “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” dường như đã chín muồi. Chị Nguyễn Thị Hiền, chuyên viên nghiệp vụ của nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, với nhiều lần theo sát các buổi diễn cho biết: “Du khách nước ngoài rất thích những trích đoạn Tuồng bởi nó thể hiện được bản sắc văn hóa riêng. Đến với Tuồng, họ thích sự biểu diễn tài tình của người diễn viên với khả năng ca xướng, vũ đạo mạnh mẽ và những khuôn mặt được hóa trang kỹ lưỡng…”

“Bức tranh quê” là tiết mục múa dân gian đầy màu sắc mô phỏng đời sống thôn quê được biên đạo múa Hữu Từ dàn dựng. Câu chuyện nam nữ giao duyên, những nét sinh hoạt trên đồng ruộng đầy ắp tiếng cười và niềm vui: các cô thôn nữ sẩy lúa, nơm cá, các chàng trai bắt ếch được các nghệ sĩ thể hiện trong niềm say mê và những tiếng hây dô hào sảng. Âm nhạc của tiết mục là một bản phối hài hòa, rộn rã với sự kết hợp của trống làng, sáo, tranh.

Khán giả đến với buổi diễn còn được tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc Chăm qua tiếng kèn saranai nỉ non, đầy tâm sự của nghệ sĩ Hà Hữu Hùng. Tiết mục kèn Saranai và trống Paranưng được nhạc sĩ Đinh Phát sáng tác từ các giai điệu cầu được mùa, lễ tế thần của người Chăm. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Hà Hữu Hùng, việc chơi kèn saranai do anh tự tìm hiểu, tự thu âm và tự học trong suốt 3 năm qua. Và duyên nghiệp biểu diễn bắt đầu từ lần biểu diễn tại hội nghị APEC.

Ngoài Chương trình Nghệ thuật Truyền thống định kỳ, du khách có thể thưởng thức những vở Tuồng kinh điển vào chủ nhật cuối cùng của tháng (giá vé 20.000 đồng), chẳng hạn như vở Đào Phi Phụng diễn đêm 26/8. Các tiết mục đặc sắc của nền văn minh Champa như múa Apsara, vũ hội làng Chăm, độc tàu kèn Saranai cũng được nhà hát phối hợp với bảo tàng Chăm tổ chức định kỳ lúc 10h sáng các ngày 15 và 30 hằng tháng.

Thực tế tại một buổi diễn, khán giá đến với nhà hát không đông trừ một số đoàn khách trong nỗ lực kết nối phục vụ du khách giữa nhà hát và công ty lữ hành. Thiếu người xem là khó khăn lớn với người làm nghệ thuật; dù vậy, với lòng say nghề, họ vẫn cống hiến một chương trình thật hay cho những ai đang chia sẻ cùng họ ở hàng ghế khán giả.

Chia sẻ về đời sống nghệ sĩ Tuồng hiện nay, NSUT Trần Ngọc Tuấn – Phó GĐ phụ trách nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: “Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm nhà hát tổ chức được khoảng trên dưới 160 buổi biểu diễn. Đây là một con số khá lý tưởng đối với một đơn vị nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên vì doanh thu không cao do vậy ngoài chế độ bồi dưỡng hằng đêm (30 – 50 ngàn đồng) theo chế độ nhà nước thì cũng chưa có thu nhập khác thêm vào. Chính vì vậy đời sống của anh chị em nghệ sỹ vẫn còn những khó khăn nhất định. Tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo giao cho sở Nội vụ và sở VHTT,DL nghiên cứu đề suất chế độ đãi ngộ cho các nghệ sỹ diễn viên. Nếu việc này được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho các nghệ sỹ diễn viên (nhất là diễn viên trẻ) sẽ có điều kiện cống hiến nhiều và dài hơn cho nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng”.

Chi Giao

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​