Nguyễn Trần
Những ngày đầu năm 2021, phim tài liệu mang tên “Tình người Đà Nẵng” được phát trên kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đã lan tỏa nhiều cảm xúc đẹp đẽ về mảnh đất, con người Đà Nẵng. Phim kể về những ngày tháng khó khăn nhất, khi toàn thành phố chìm trong im lìm, lo âu bởi sự tấn công của dịch Covid-19. Những thanh âm vui vẻ của phố biển nhộn nhịp, tiếng cười đùa của người dân, du khách đang tận hưởng ngày hè sôi động…, tất cả bị dập tắt trong phút chốc. Nhưng cũng chính trong biến cố đó, nét đẹp Đà Nẵng sáng lên ở sự đồng lòng, sẻ chia, ở tình người ấm áp.
Đạo diễn Lê Hoàng Nam, phụ trách Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Và người đúng sau những thước phim xúc động với hình ảnh tư liệu chân thực ấy là đạo diễn Lê Hoàng Nam, phụ trách ANTV khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Anh cũng chính là “tác giả” của rất nhiều TVC quảng bá, phim ngắn, MV, phim tài liệu giới thiệu về lịch sử, văn hóa, tinh hoa, con người Đà Nẵng trong suốt 10 năm qua. Phụ trương Du lịch Đà Nẵng có cuộc trò chuyện ngắn cùng anh về chuyện nghề, chuyện làm phim cũng như tình yêu đặc biệt của người con đất Quảng dành cho quê hương mình.
Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc làm phim về văn hóa, du lịch và động lực nào giữ chân anh ở lại lâu dài với nghề?
Đạo diễn Lê Hoàng Nam: Nói về cơ duyên thì phải kể rõ ngọn nguồn, trước khi làm tại ANTV mình từng công tác tại phòng quay phim của Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT). Có thể gọi đó là trường nghề đầu tiên, nơi mình được tiếp cận với công nghệ, máy móc, được “nhìn đời qua ống kính”. Lúc ấy, mình luôn trăn trở về việc tại sao những thước quay đẹp, hình ảnh hoành tráng lại thường mặc định chỉ các kênh truyền hình lớn mang tầm quốc gia, quốc tế mới làm được, mà không phải là từ kênh địa phương? Mình dần mày mò tìm hiểu, học hỏi và nhận ra rằng đấy không phải là vấn đề kinh phí hay kỹ thuật, mà là việc mình có muốn thử nghiệm, quyết tâm làm cái mới hay không mà thôi.
Khi làm biên tập về chương trình văn hóa, mình thường rủ đồng nghiệp đi ghi hình vào những giờ mà họ chẳng ngờ đến, như tờ mờ sáng hay chiều muộn, đêm tối…Với mình, đó là khung giờ vàng để bắt trọn những khoảnh khắc đẹp nhất của thành phố. Cứ thế mình cố gắng nghiên cứu, học hỏi thêm rồi tự dựng phim, viết kịch bản nội dung và dần định hình phong cách riêng cho mình. Đặc biệt trong khoảng thời gian làm ở DRT, một người thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến mình, khiến mình suy nghĩ nghiêm túc về công việc đang làm cũng như những định hướng rõ ràng cho tương lai, chính là NSND Huỳnh Hùng. Từ những chuyến đi, những thước phim làm cùng với chú, những cơ hội được chú tin tưởng trao cho, mình đã học được rất nhiều điều về nghề làm phim, sự quan trọng của cái tâm đối với nghề.
Còn điều khiến mình luôn cảm thấy hứng khởi, vui vẻ, sáng tạo và gắn bó lâu dài với công việc làm các TVC, phim ngắn quảng bá về Đà Nẵng, đó đơn giản là tình yêu, niềm tin và hy vọng dành cho thành phố. Một tình yêu với rất nhiều cung bậc cảm xúc, có thăng, có trầm, có vui, có buồn, nhưng chung quy lại đó là thứ cảm xúc vô cùng trong sáng, muốn cống hiến, muốn làm được nhiều điều cho quê mình, điều này người xem phim của mình sẽ hiểu và cảm nhận được. Các phim của mình làm về Đà Nẵng chiếu ở sân bay, các điểm đến đến du lịch, trong các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư và được đón nhận, khơi gợi nhiều cảm xúc đẹp của người dân, du khách, đó chính là động lực để mình phải làm tốt hơn, phải xứng đáng hơn.
Đâu là điểm khác biệt và hấp dẫn trong những thước phim do anh và ekip thực hiện?
TVC đầu tiên mình làm về cảnh quan, con người, vẻ đẹp Đà Nẵng là vào năm 2015, một video khá ấn tượng và mới mẻ ở thời điểm đó. Tiếp đó mình có cơ hội làm phim để trình chiếu tại sự kiện APEC 2017, với đối tượng xem là các chính khách, doanh nhân quốc tế đẳng cấp. Cơ hội trời cho đó giúp mình được thử sức, trau dồi và “nâng tầm” tay nghề lên rất nhiều. Mình cũng may mắn có cơ hội hợp tác với các sở, ngành, đơn vị của Đà Nẵng làm rất nhiều phim để quảng bá văn hóa, du lịch của thành phố, đến nay gia tài có khoảng hơn 30 phim lớn, nhỏ khác nhau.
Qua hành trình làm phim ấy, mình nhận thấy rằng, để phát triển và đến gần hơn với công chúng, du lịch văn hóa cần một công cụ truyền thông đủ mạnh mẽ để dễ dàng đi sâu vào tâm hồn và tiềm thức con người, khơi dậy nguồn cảm hứng được khám phá, trải nghiệm. Cái tạo nên sự khác biệt, riêng biệt cho các thước phim chính là văn hóa, mỗi vùng đất đều có nét đẹp văn hóa, cái chất riêng của nó. Ví dụ như làm về Đà Nẵng, ngoài yếu tố hiện đại, nhộn nhịp, trẻ trung, năng động thì còn là một Đà Nẵng có bề dày văn hóa, với Bảo tàng Chăm, nghệ thuật Tuồng, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… Huế cũng vậy, Quảng Nam cũng vậy, mỗi nơi đều chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng đặc biệt. Điều quan trọng là mình cảm và nhận ra được những giá trị đó, cô đọng và chuyển tải đến người xem bằng hình ảnh, câu chuyện. Người quay phim, dựng phim chính là người kể chuyện bằng hình ảnh, nhất là kể câu chuyện văn hóa để tạo được cảm hứng du lịch, tình yêu đất nước không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi mình phải nghiên cứu kỹ đề tài, nội dung, để thẩm thấu được những giá trị ẩn sâu bên trong. Điều này rất quan trọng, cũng chính là “bí kíp” mà mình luôn truyền tải, chia sẻ với các bạn đồng nghiệp của mình, sự thấu hiểu và đồng điệu luôn là chìa khóa để mở ra mọi thông điệp, mọi cảm xúc.
Nếu nói về kỹ năng quay phim, dựng phim thì hiện nay có rất nhiều ê-kíp giỏi, tư duy hiện đại và mình cũng học từ các bạn đó rất nhiều. Gần như tất cả các phim ngắn mình làm để quảng bá du lịch không chỉ ở Đà Nẵng, mà cả khu vực đều được đầu tư và tập trung thể hiện theo cách thức riêng học hỏi từ phương pháp làm phim hiện đại quốc tế. Khi làm mình luôn nghiên cứu, trăn trở để tìm ra cái mới, sự khác biệt, hấp dẫn. Bên cạnh đó, mình cũng truyền tải vào từng thước phim tình cảm, tấm lòng, sự thấu hiểu, chia sẻ và lòng chân thành. Trong những video clip, mình luôn gửi gắm vào đó chút duyên, chút tình, chút ấm áp, yêu thương, có lẽ vì thế mà nó thu hút và hấp dẫn chăng?
Những ấp ủ, dự định của anh trong năm mới?
Thời điểm tái khởi động của ngành du lịch toàn thế giới sau đại dịch đòi hỏi mỗi điểm đến phải nỗ lực bằng nhiều cách, với những ý tưởng bùng nổ, đột phá, mới mẻ để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu mới trong mắt du khách. Bản thân mình dù trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào cũng luôn nuôi ước mơ về những thước phim mang tầm quốc gia, quốc tế. Xu hướng truyền thông du lịch lúc này sẽ là làm rất nhiều thứ nhưng không tốn nhiều tiền, tức là các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương sẽ tìm mọi cách để tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hình thức, nội dung truyền thông hấp dẫn, phong phú, chất lượng. Bối cảnh đó đòi hỏi mỗi người phải tìm cách để cân bằng, dung hòa mọi thứ, cùng chia sẻ, chung tay gánh vác vì sự phát triển chung của điểm đến. Hiện mình và ê-kíp cũng đang cùng tương tác, hỗ trợ, chia sẻ với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để hướng tới một giai đoạn tươi sáng tiếp theo.
Điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc là những kênh quảng bá du lịch hiệu quả được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Tại Việt Nam vài năm gần đây việc quảng bá du lịch thông qua phim ảnh, video clip, MV ca nhạc phát triển mạnh mẽ, thông qua đó giới thiệu về hình ảnh, vùng đất, con người, điểm đến, danh thắng, ẩm thực và bản sắc văn hóa trên khắp mọi miền đất nước.