Nét đẹp văn hóa tâm linh

0 38

Diễn ra từ ngày ngày 26 đến 29-3 (nhằm các ngày 17, 18 và 19-2 năm Giáp Thìn), Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn năm 2024 có 32 hoạt động tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong cả phần Lễ và Hội. Đặc biệt, các nghi thức Phật giáo đan xen và hòa quyện với phần Hội truyền thống, tiếp tục trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân và du khách thập phương.

Sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật, là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, cũng như thể hiện nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội cũng là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Các tuyến đường xung quanh khu vực hướng về khuôn viên chùa Quán Thế Âm chật kín người, đông đảo tín đồ phật giáo, những người yêu mến đạo Phật nô nức về chùa chiêm bái, hành hương

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Trần Chí Cường cho biết, năm 2024 là năm thứ hai Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp thành phố và đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa – Lễ hội điểm nhấn của Đà Nẵng.

Cùng với di tích Quốc gia đặc biệt – Danh thắng Ngũ Hành Sơn, quà tặng vô giá của thiên nhiên, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm là những giá trị về tinh thần quý giá và là niềm tự hào của người dân thành phố.

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, thể hiện tinh thần dân tộc, sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, Lễ hội Quán Thế Âm còn là cầu nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt sâu sắc, truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam và các nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng.

Với quy mô cấp thành phố, năm nay, Lễ hội có 32 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng, thu hút hàng vạn đồng bào Phật tử, nhân dân và du khách tham gia.

Lễ hội gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương

So với mọi năm, các hoạt động trong Lễ hội lần này được tổ chức đa dạng và bài bản hơn. Trong đó, có nhiều điểm mới như: Hội thi đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử trên sông; thi trực họa về lễ hội Quán Thế Âm; thi viết cảm nhận về các tác phẩm của thư viện Vạn Hạnh; chạy bộ Olympic vì hòa bình…

Đặc biệt, Lễ chính thức (Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thu hút sự tham gia của hàng ngàn chư tôn đức tăng, ni, người dân và du khách thập phương.

Lễ hội có 32 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng, thu hút hàng vạn đồng bào Phật tử, nhân dân và du khách tham gia

Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm và cũng là phần Lễ được người dân và du khách mong chờ nhất. Sự hóa trang với mong muốn tái hiện lại hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Lễ hội, để chúng sinh có dịp được chiêm ngưỡng sự đức độ, từ bi của Ngài, và ngụ ý rằng Ngài là vị Bồ Tát luôn đồng hành với chúng sanh mọi lúc mọi nơi, đặc biệt luôn đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại.

Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, tại Lễ hội còn có những hóa trang thành các Tiểu đồng, các vị Bồ Tát khác và các Tiên nữ cùng Tứ Thiên Vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.

Người dân và du khách ấn tượng

Tuy mang màu sắc Phật giáo song Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Qua mỗi lần tổ chức, Ban tổ chức Lễ hội mong muốn du khách thập phương sẽ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng về một Lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn của một vùng non nước sơn thủy hữu tình của thành phố Đà Nẵng.

Là Phật tử đến từ quận Hải Châu, anh Nguyễn Văn Khoát (Pháp danh Đồng Yên) bày tỏ rất ấn tượng về Lễ hội lần này. “Tôi đã đi dự Lễ hội Quán Thế Âm được nhiều năm rồi, tính từ 2000 đến nay năm nào cũng tham gia. Lễ hội năm nay thật sự rất ấn tượng, lớn hơn nhiều so với năm ngoái, có xe hoa, tổ chức nghi lễ rất hoành tráng… Vẫn như mọi năm khi tham gia Lễ hội, tôi mong muốn cầu nguyện Đức Phật Quan Thế Âm phù hộ độ trì cho đồng bào chúng sanh an vui, mạng khỏe, hòa bình, an lạc”.

Hàng ngàn Tăng, ni, Phật tử nguyện cầu Đức Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho đất nước quê hương, cho đồng bào nhân loại, cho tất cả chúng sanh phúc thọ miên trường, cát tường như ý

Đến Đà Nẵng du lịch trong những ngày cuối tháng 3, chị Lendfey (du khách đến từ Anh) hào hứng khi biết thông tin diễn ra Lễ hội và sắp xếp thời gian tham gia. “Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được đến du lịch tại một quốc gia Đông Nam Á và tham dự Lễ hội mang đậm nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam.” chị Lendfey chia sẻ.

Trong không khí tôn nghiêm của Lễ hội, anh Peter Bùi (Việt kiều Mỹ) cho rằng, Lễ hội năm nay hoành tráng không thua kém gì năm ngoái, chất lượng luôn đảm bảo, nhưng cảm xúc mỗi năm sẽ khác và có những ước nguyện khác nhau.

Công an thành phố huy động tối đa lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội

“Đến với Lễ hội năm nay, tôi mong ai cũng an lành và làm những điều tốt, thế giới hòa bình. Ước nguyện tất cả đều hạnh phúc, những tệ nạn, mặt xấu xã hội giảm đi và mọi thứ năm nay đều an bình”, anh Peter Bùi nói.

Tham gia Lễ hội, ai cũng mang theo những ước nguyện về sự bình an và một năm may mắn. Với chị Võ Thị Kim Duyên (đến từ Quảng Nam) cũng vậy. “ Thông qua Lễ hội, tôi cầu mong cho bản thân; người dân địa phương, du khách hành hương đến đây bình an, hạnh phúc và đón nhận trọn vẹn những điều tích cực đến với cuộc sống.”, Chị Duyên bày tỏ.

Trong khi đó, chị Ngô Ngọc Như, du khách đến từ Quảng Trị cho biết, công tác an ninh trật tự được triển khai rất quy củ, giúp du khách yên tâm, không lo bị mất cắp, móc túi như ở nhiều nơi khác. Ngoài ra, giá cả các gian hàng phải chăng, đồ ăn ngon, vệ sinh môi trường tại khu vực diễn ra Lễ hội được bảo đảm.

“Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng với công tác tổ chức Lễ hội của thành phố Đà Nẵng. Các hoạt động tại Lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc”, chị Như chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, Lễ hội Quán Thế Âm 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp, đúng với phương châm “Trang trọng – An toàn – Tiết kiệm – Hiệu quả”.

Công tác An ninh trật tự, Vệ sinh môi trường, Phòng cháy chữa cháy, An toàn thực phẩm và Y tế được đảm bảo an toàn, phục vụ tốt Lễ hội. Công tác xã hội hóa các hoạt động được chú trọng, thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ đắc lực các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, tuyên truyền quảng bá Lễ hội; qua đó làm cho chương trình Lễ hội năm nay thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.

Theo danang.gov.vn

You might also like
Leave A Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2023
close-link
​​​